Tiêu chuẩn bổ nhiệm Thanh tra viên chính là gì? Sĩ quan Quân đội có làm Thanh tra viên chính được không?
Pháp luật quy định chức trách của Thanh tra viên chính ra sao?
Căn cứ theo nội dung tại khoản 1 Điều 7 Nghị định 97/2011/NĐ-CP về Thanh tra viên và công tác viên thanh tra có quy định như sau:
Tiêu chuẩn ngạch thanh tra viên chính
1. Chức trách:
Thanh tra viên chính là công chức chuyên môn nghiệp vụ của cơ quan thanh tra nhà nước, thực hiện quyết định thanh tra và các nhiệm vụ khác của cơ quan thanh tra nhà nước. Thanh tra viên chính được giao chủ trì hoặc tham gia thanh tra các vụ việc có quy mô rộng, tình tiết phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực; khi tiến hành thanh tra phải tuân thủ pháp luật, chịu trách nhiệm trước pháp luật và Thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp về nhiệm vụ được giao.
Từ quy định trên, Thanh tra viên chính có những chức trách như sau:
- Thực hiện quyết định thanh tra và các nhiệm vụ khác của cơ quan thanh tra nhà nước;
- Chủ trì hoặc tham gia thanh tra các vụ việc có quy mô rộng, tình tiết phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực;
- Khi tiến hành thanh tra phải tuân thủ pháp luật, chịu trách nhiệm trước pháp luật và Thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp về nhiệm vụ được giao.
Tiêu chuẩn bổ nhiệm Thanh tra viên chính ra sao? Sĩ quan Quân đội có làm Thanh tra viên chính được không? (Hình từ Internet)
Tiêu chuẩn bổ nhiệm Thanh tra viên chính như thế nào?
Theo nội dung tại Điều 40 Luật Thanh tra 2022 có quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm Thanh tra viên chính như sau:
Tiêu chuẩn bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên chính
1. Đáp ứng các tiêu chuẩn quy định tại Điều 39 của Luật này.
2. Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra viên chính và chứng chỉ khác theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.
3. Có thời gian giữ ngạch thanh tra viên hoặc tương đương tối thiểu là 09 năm.
4. Trúng tuyển kỳ thi nâng ngạch hoặc được xét nâng ngạch từ thanh tra viên lên thanh tra viên chính hoặc được xét chuyển ngạch theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.
Theo đó, kết hợp với Điều 39 Luật Thanh tra 2022, tiêu chuẩn bổ nhiệm Thanh tra viên chính bao gồm:
- Là công chức, sĩ quan Quân đội nhân dân, sĩ quan Công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu, trừ trường hợp Chính phủ quy định khác đối với Thanh tra viên của cơ quan thanh tra được thành lập theo quy định của luật hoặc điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo quy định tại khoản 3 Điều 9 Luật Thanh tra 2022;
- Trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; có phẩm chất đạo đức tốt; có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, công minh, khách quan;
- Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên, có kiến thức quản lý nhà nước và am hiểu pháp luật; đối với Thanh tra viên trong lĩnh vực chuyên ngành còn phải có kiến thức chuyên môn về chuyên ngành đó;
- Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra viên và chứng chỉ khác theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức;
- Có ít nhất 02 năm làm công tác thanh tra không kể thời gian tập sự hoặc có ít nhất 05 năm công tác trở lên đối với cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan Quân đội nhân dân, sĩ quan Công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu công tác ở cơ quan, tổ chức, đơn vị khác chuyển sang cơ quan thanh tra;
- Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra viên chính và chứng chỉ khác theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức;
- Có thời gian giữ ngạch thanh tra viên hoặc tương đương tối thiểu là 09 năm;
- Trúng tuyển kỳ thi nâng ngạch hoặc được xét nâng ngạch từ thanh tra viên lên thanh tra viên chính hoặc được xét chuyển ngạch theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.
Như vậy, để được bổ nhiệm vào ngạch Thanh tra viên chính, đòi hỏi cần phải đáp ứng đủ các tiêu chí nêu trên.
Sĩ quan Quân đội nhân dân có được bổ nhiệm làm Thanh tra viên chính không?
Về chủ thể được bổ nhiệm vào ngạch Thanh tra viên chính, căn cứ vào khoản 1 Điều 40 Luật Thanh tra 2022 có quy định như sau:
Tiêu chuẩn bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên chính
1. Đáp ứng các tiêu chuẩn quy định tại Điều 39 của Luật này.
Dẫn chiếu đến nội dung được quy định tại Điều 39 Luật Thanh tra 2022 như sau:
Tiêu chuẩn bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên
1. Là công chức, sĩ quan Quân đội nhân dân, sĩ quan Công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu, trừ trường hợp Chính phủ quy định khác đối với Thanh tra viên của cơ quan thanh tra được thành lập theo quy định của luật hoặc điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo quy định tại khoản 3 Điều 9 của Luật này.
Theo quy định trên thì 04 chủ thể được bổ nhiệm vào ngạch Thanh tra chính bao gồm:
- Công chức;
- Sĩ quan Quân đội nhân dân;
- Sĩ quan Công an nhân dân;
- Người làm công tác cơ yếu.
Như vậy, khi đáp ứng đủ các tiêu chuẩn theo Điều 39 Luật Thanh tra 2022 và Điều 40 Luật Thanh tra 2022 thì sĩ quan Quân đội nhân dân có thể được bổ nhiệm vào ngạch Thanh tra viên chính.
Luật Thanh tra 2022 sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2023.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.