Tiêu chí phân loại dự án đầu tư xây dựng năm 2024 ra sao? Dự án đầu tư xây dựng phải đáp ứng yêu cầu nào?
Tiêu chí phân loại dự án đầu tư xây dựng năm 2024 ra sao?
Căn cứ theo Điều 49 Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi bởi khoản 8 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 quy định, dự án đầu tư xây dựng được phân loại căn cứ theo các tiêu chí sau:
(1) Dự án đầu tư xây dựng được phân loại theo quy mô, mức độ quan trọng; công năng phục vụ, tính chất chuyên ngành của công trình và mục đích quản lý; nguồn vốn sử dụng và hình thức đầu tư.
(2) Căn cứ quy mô, mức độ quan trọng, dự án đầu tư xây dựng được phân loại thành dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, dự án nhóm B, dự án nhóm C theo tiêu chí quy định của pháp luật về đầu tư công.
(3) Căn cứ công năng phục vụ, tính chất chuyên ngành của công trình và mục đích quản lý, dự án đầu tư xây dựng được phân loại thành các dự án sau:
- Dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng;
- Dự án đầu tư xây dựng công trình công nghiệp;
- Dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật;
- Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông;
- Dự án đầu tư xây dựng công trình phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn;
- Dự án đầu tư xây dựng công trình quốc phòng, an ninh;
- Dự án đầu tư xây dựng nhà ở, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị và dự án đầu tư xây dựng có công năng phục vụ hỗn hợp khác.
(4) Căn cứ nguồn vốn sử dụng và hình thức đầu tư, dự án đầu tư xây dựng được phân loại thành các dự án sau:
- Dự án sử dụng vốn đầu tư công;
- Dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công;
- Dự án PPP;
- Dự án sử dụng vốn khác.
(5) Dự án đầu tư xây dựng được sử dụng một hoặc nhiều nguồn vốn khác nhau; có một hoặc nhiều công trình với loại và cấp khác nhau.
Tiêu chí phân loại dự án đầu tư xây dựng năm 2024 ra sao? Dự án đầu tư xây dựng phải đáp ứng yêu cầu nào? (Hình từ Internet)
Dự án đầu tư xây dựng phải đáp ứng yêu cầu gì?
Theo quy định tại điều 51 Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi bởi Khoản 17 Điều 28 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018, dự án đầu tư xây dựng không phân biệt các loại nguồn vốn sử dụng phải đáp ứng các yêu cầu sau:
- Phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất tại địa phương nơi có dự án đầu tư xây dựng.
- Có phương án công nghệ và phương án thiết kế xây dựng phù hợp.
- Bảo đảm chất lượng, an toàn trong xây dựng, vận hành, khai thác, sử dụng công trình, phòng, chống cháy, nổ và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
- Bảo đảm cấp đủ vốn đúng tiến độ của dự án, hiệu quả tài chính, hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án.
- Tuân thủ quy định khác của pháp luật có liên quan.
Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng gồm những nội dung nào?
Căn cứ theo Điều 54 Luật Xây dựng 2014 được bổ sung bởi khoản 12 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020, báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng gồm những nội dung sau:
- Thiết kế cơ sở được lập để đạt được mục tiêu của dự án, phù hợp với công trình xây dựng thuộc dự án, bảo đảm sự đồng bộ giữa các công trình khi đưa vào khai thác, sử dụng. Thiết kế cơ sở gồm thuyết minh và các bản vẽ thể hiện các nội dung sau:
+ Vị trí xây dựng, hướng tuyến công trình, danh mục và quy mô, loại, cấp công trình thuộc tổng mặt bằng xây dựng;
+ Phương án công nghệ, kỹ thuật và thiết bị được lựa chọn (nếu có);
+ Giải pháp về kiến trúc, mặt bằng, mặt cắt, mặt đứng công trình, các kích thước, kết cấu chính của công trình xây dựng;
+ Giải pháp về xây dựng, vật liệu chủ yếu được sử dụng, ước tính chi phí xây dựng cho từng công trình;
+ Phương án kết nối hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài công trình, giải pháp phòng, chống cháy, nổ;
+ Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được áp dụng và kết quả khảo sát xây dựng để lập thiết kế cơ sở.
- Các nội dung khác của Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng gồm:
+ Sự cần thiết và chủ trương đầu tư, mục tiêu đầu tư xây dựng, địa điểm xây dựng và diện tích sử dụng đất, quy mô công suất và hình thức đầu tư xây dựng;
+ Khả năng bảo đảm các yếu tố để thực hiện dự án như sử dụng tài nguyên, lựa chọn công nghệ thiết bị, sử dụng lao động, hạ tầng kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm, yêu cầu trong khai thác sử dụng, thời gian thực hiện, phương án giải phóng mặt bằng xây dựng, tái định cư (nếu có), giải pháp tổ chức quản lý thực hiện dự án, vận hành, sử dụng công trình và bảo vệ môi trường;
+ Đánh giá tác động của dự án liên quan đến việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, tái định cư;
Bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái, an toàn trong xây dựng, phòng, chống cháy, nổ và các nội dung cần thiết khác;
+ Tổng mức đầu tư và huy động vốn, phân tích tài chính, rủi ro, chi phí khai thác sử dụng công trình, đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án; Kiến nghị cơ chế phối hợp, chính sách ưu đãi, hỗ trợ thực hiện dự án;
+ Dự án đầu tư xây dựng nhà ở, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, ngoài nội dung quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 54 Luật Xậy dựng 2014 phải có thông tin về các loại hình nhà ở, việc thực hiện yêu cầu về nhà ở xã hội (nếu có).
Đối với dự án đầu tư xây dựng khu đô thị phải có thuyết minh về phương án xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của dự án và kết nối với hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ngoài phạm vi dự án, phương án bàn giao công trình. Chính phủ quy định chi tiết điểm này
+ Các nội dung khác có liên quan.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.