Tiền gửi bằng đồng Việt Nam hiện nay có mức lãi suất tối đa bao nhiêu tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài?
Tiền gửi bằng đồng Việt Nam có mức lãi suất tối đa bao nhiêu tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài?
Căn cứ Quyết định 1124/QĐ-NHNN năm 2023 về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại Thông tư 07/2014/TT-NHNN do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành quy định như sau:
Mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng | 0,5%/năm |
Mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng (trừ Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô) | 4,75%/năm |
Mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tại Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô | 5,25%/năm |
Lưu ý: Mức lãi suất tối đa trên áp dụng đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức (trừ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) và cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Bên cạnh đó, Thông tư 07/2014/TT-NHNN còn quy định tổ chức tín dụng áp dụng lãi suất bằng đồng Việt Nam đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên của tổ chức và cá nhân trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.
Tiền gửi bằng đồng Việt Nam hiện nay có mức lãi suất tối đa bao nhiêu tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài? (Hình từ Internet)
Hiện nay có mấy hình thức tiền gửi tiết kiệm?
Theo Điều 6 Thông tư 48/2018/TT-NHNN quy định như sau:
Hình thức tiền gửi tiết kiệm
1. Hình thức tiền gửi tiết kiệm phân loại theo:
a) Thời hạn gửi tiền bao gồm tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn. Thời hạn gửi tiền cụ thể do tổ chức tín dụng xác định;
b) Tiêu chí khác do tổ chức tín dụng xác định.
2. Tổ chức tín dụng quy định cụ thể về từng hình thức tiền gửi tiết kiệm phù hợp với quy định tại Thông tư này và quy định của pháp luật có liên quan, đảm bảo an toàn tài sản cho người gửi tiền và an toàn hoạt động cho tổ chức tín dụng. Quy định về hình thức tiền gửi tiết kiệm phải có tối thiểu các nội dung về phương thức trả lãi, phương pháp tính lãi, kéo dài thời hạn gửi tiền, rút trước hạn tiền gửi tiết kiệm, các trường hợp người gửi tiền phải thông báo trước việc rút trước hạn tiền gửi tiết kiệm.
Vậy, có 2 hình thức gửi tiền tiết kiệm:
(1) Khi phân chia theo thời hạn thì gồm có:
- Tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn
- Tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn
Thời hạn gửi tiền cụ thể do tổ chức tín dụng xác định.
(2) Tiêu chí khác do tổ chức tín dụng xác định.
Lưu ý: Tổ chức tín dụng phải có quy định cụ thể về từng hình thức tiền gửi tiết kiệm phù hợp với quy định của pháp luật.
Thủ tục mở sổ tiết kiệm, gửi tiền tiết kiệm mới nhất ra sao?
Thủ tục mở sổ tiết kiệm và gửi tiền tiết kiệm thực hiện theo quy định cụ thể tại Điều 12 Thông tư 48/2018/TT-NHNN như sau:
(1) Người gửi tiền phải trực tiếp đến địa điểm giao dịch của tổ chức tín dụng và xuất trình Giấy tờ xác minh thông tin của người gửi tiền; trường hợp gửi tiền gửi tiết kiệm chung, tất cả người gửi tiền phải trực tiếp xuất trình Giấy tờ xác minh thông tin của mình.
Trường hợp gửi tiền gửi tiết kiệm thông qua người đại diện theo pháp luật, người đại diện theo pháp luật phải xuất trình giấy tờ chứng minh tư cách đại diện của người đại diện theo pháp luật, Giấy tờ xác minh thông tin của người đại diện theo pháp luật và Giấy tờ xác minh thông tin của người gửi tiền.
(2) Người gửi tiền đăng ký chữ ký mẫu trong trường hợp thay đổi chữ ký mẫu hoặc chưa có chữ ký mẫu được lưu tại tổ chức tín dụng. Đối với người gửi tiền là người không viết được, người không đọc được, người không nhìn được: người gửi tiền thực hiện theo hướng dẫn của tổ chức tín dụng.
(3) Tổ chức tín dụng đối chiếu, cập nhật các thông tin người gửi tiền theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền.
(4) Người gửi tiền thực hiện thủ tục khác theo hướng dẫn của tổ chức tín dụng.
(5) Sau khi hoàn thành các thủ tục trên, tổ chức tín dụng thực hiện việc nhận tiền gửi tiết kiệm và giao sổ tiết kiệm cho người gửi tiền.
- Đối với việc gửi tiền gửi tiết kiệm vào sổ tiết kiệm đã cấp:
- Trường hợp gửi bằng tiền mặt: Người gửi tiền thực hiện các thủ tục từ (1) đến (4), xuất trình sổ tiết kiệm đã cấp. Tổ chức tín dụng nhận tiền gửi tiết kiệm, ghi nhận tiền gửi tiết kiệm vào sổ tiết kiệm đã cấp và giao sổ tiết kiệm cho người gửi tiền;
- Trường hợp gửi từ tài khoản thanh toán của người gửi tiền: người gửi tiền thực hiện các thủ tục do tổ chức tín dụng hướng dẫn.
Ngoài ra, thủ tục mở sổ tiết kiệm online có thể được thực hiện như sau:
Bước 1: Mở tài khoản và đăng ký dịch vụ Internet Banking.
Bước 2: Đăng nhập tài khoản Internet Banking trên app hoặc website.
Bước 3: Chọn mục Sổ tiết kiệm, nhập số tiền muốn gửi và kỳ hạn gửi.
Bước 4: Nhập mã và xác nhận
Bước 5: Hệ thống gửi mã OTP về điện thoại, bạn nhập mã này vào là hoàn thành.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.