Thực hiện mục tiêu của Chiến lược nợ công giai đoạn 2021 - 2030 qua hai giai đoạn như thế nào?

Theo tôi được biết thì Thủ tướng Chính phủ mới ban hành Chiến lược nợ công giai đoạn 2021 - 2030. Vậy cho tôi hỏi mục tiêu của Chiến lược nợ công giai đoạn 2021 - 2030 là gì? Tổ chức và thực hiện mục tiêu của Chiến lược nợ công giai đoạn 2021 - 2030 như thế nào? Trách nhiệm của các cơ quan tổ chức thực hiện Chiến lược nợ công giai đoạn 2021 - 2030 được quy điịnh như thế nào? Tôi cảm ơn!

Mục tiêu của Chiến lược nợ công giai đoạn 2021 - 2030?

Tại Quyết định 460/QĐ-TTg năm 2022 Thủ tướng Chính phủ đã đề ra mục tiêu của Chiến lược nợ công giai đoạn 2021 - 2030, cụ thể:

- Mục tiêu tổng quát:

Tổ chức huy động vốn vay đáp ứng nhu cầu của ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ với chi phí vay hợp lý, phù hợp với mức độ rủi ro của khoản vay, đảm bảo khả năng trả nợ; duy trì các chỉ số nợ công, nợ Chính phủ ở mức an toàn, kiểm soát đối với nợ nước ngoài, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia; thúc đẩy phát triển thị trường vốn trong nước; gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030.

- Mục tiêu cụ thể:

Giai đoạn 2021-2025:

+ Kiểm soát chỉ tiêu bội chi ngân sách nhà nước được Quốc hội phê duyệt trong dự toán ngân sách nhà nước và kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2021-2025, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn về nợ bao gồm trần, ngưỡng trong giới hạn được Quốc hội phê duyệt.

Dự kiến đến năm 2030:

+ Nợ công không quá 60% GDP, nợ Chính phủ không quá 50% GDP.

+ Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ bình quân không quá 25% tổng thu ngân sách nhà nước.

+ Nợ nước ngoài của quốc gia không quá 45% GDP.

Vậy mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam sẽ: Nợ công không quá 60% GDP, nợ Chính phủ không quá 50% GDP; Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ bình quân không quá 25% tổng thu ngân sách nhà nước; Nợ nước ngoài của quốc gia không quá 45% GDP.

Thủ tướng yêu cầu tổ chức thực hiện mục tiêu đã đề ra của Chiến lược nợ công giai đoạn 2021 - 2030 qua hai giai đoạn

Thủ tướng yêu cầu tổ chức thực hiện mục tiêu đã đề ra của Chiến lược nợ công giai đoạn 2021 - 2030 qua hai giai đoạn

Hai giai đoạn tổ chức thực hiện mục tiêu đã đề ra của Chiến lược nợ công giai đoạn 2021 - 2030?

Theo Quyết định 460/QĐ-TTg năm 2022 Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu tổ chức thực hiện Chiến lược nợ công giai đoạn 2021 - 2030 được thực hiện theo 2 giai đoạn, cụ thể như sau:

- Giai đoạn 1: triển khai thực hiện Kế hoạch tài chính quốc gia, Kế hoạch vay và trả nợ công 5 năm 2021-2025 theo các Nghị quyết của Quốc hội; xây dựng và thực hiện các chương trình quản lý nợ công 3 năm gối đầu và kế hoạch vay, trả nợ công hàng năm;

- Giai đoạn 2: xây dựng và thực hiện Kế hoạch tài chính quốc gia, Kế hoạch vay và trả nợ công 5 năm 2026-2030; các chương trình quản lý nợ công 3 năm gối đầu và kế hoạch vay, trả nợ công hàng năm.

Nguồn kinh phí xây dựng và triển khai các nội dung của đề án Chiến lược nợ công được bố trí từ ngân sách nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Thủ tướng yêu cầu trách nhiệm tổ chức, thực hiện Chiến lược nợ công giai đoạn 2021 - 2030 của các cơ quan Nhà nước như thế nào?

Căn cứ Quyết định 460/QĐ-TTg năm 2022 Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu tổ chức thực hiện Chiến lược nợ công giai đoạn 2021 - 2030 Thủ tướng yêu cầu các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm:

- Bộ Tài chính có trách nhiệm:

+ Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược nợ công; chỉ đạo kế hoạch thực hiện các nội dung Chiến lược nợ công theo từng giai đoạn.

+ Hoàn thiện thể chế chính sách và công cụ quản lý nợ; chủ động kết hợp linh hoạt các công cụ nợ, kênh huy động trong và ngoài nước tùy theo điều kiện thị trường, thực hiện các nghiệp vụ cơ cấu lại nợ với chi phí phù hợp để đảm bảo danh mục nợ Chính phủ đáp ứng các mục tiêu quản lý rủi ro; thực hiện huy động, phân bổ, sử dụng vốn vay và trả nợ của Chính phủ, quản lý việc cấp bảo lãnh Chính phủ, hướng dẫn và theo dõi tình hình vay, trả nợ của chính quyền địa phương.

+ Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan giám sát vĩ mô nợ công, phối hợp với các cơ quan kiểm tra định kỳ, đột xuất tình hình huy động, phân bổ, sử dụng vốn vay và trả nợ công.

+ Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan kiểm tra việc thực hiện Chiến lược nợ công; định kỳ 5 năm tổ chức sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm việc tổ chức thực hiện Chiến lược; chủ trì, phối hợp với các cơ quan đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh mục tiêu, nội dung chiến lược khi cần thiết.

+ Trong quá trình thực hiện Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công giai đoạn 2021-2025, trường hợp có biến động, rủi ro lớn, Bộ Tài chính kịp thời báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định.

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm:

+ Xây dựng các chương trình đầu tư công để thực hiện một số dự án, công trình quan trọng, trọng điểm, có tính động lực, sức lan tỏa lớn và giải quyết các vấn đề phát triển quốc gia, vùng và liên kết vùng, báo cáo Chính phủ, Quốc hội xem xét phê duyệt.

+ Thực hiện kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, bao gồm nguồn vốn vay nợ công cho đầu tư phát triển; theo dõi, kiểm soát hoạt động vay, trả nợ của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm:

+ Nghiên cứu, tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện các hạn mức nợ nước ngoài khu vực tư nhân, báo cáo Chính phủ đề xuất chủ trương bổ sung, sửa đổi hoặc báo cáo Quốc hội sửa đổi các quy định về giám sát, quản lý nợ nước ngoài tự vay, tự trả của doanh nghiệp doanh nghiệp, tổ chức tín dụng cho phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước, tính chất nguồn vốn vay và đối tượng vay.

+ Nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, triển khai áp dụng một số biện pháp bổ trợ quản lý nợ nước ngoài của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng theo phương thức tự vay, tự trả nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động vay nước ngoài ngắn, trung - dài hạn.

+ Kiến nghị Chính phủ hoàn thiện khung pháp lý, mô hình tổ chức về ổn định tài chính để thực thi chính sách an toàn vĩ mô. Nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền cho phép áp dụng biện pháp giám sát thông qua các chỉ tiêu an toàn song song với việc điều chỉnh khung pháp lý về quản lý nợ nước ngoài tự vay, tự trả theo hướng áp dụng các biện pháp giám sát luồng vốn thay thế cho hạn mức trần nợ tự vay, tự trả của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng.

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Bộ Tài chính, cơ quan liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật có trách nhiệm chỉ đạo, tham gia thực hiện các nội dung liên quan của Chiến lược này; tổ chức sử dụng có hiệu quả các nguồn lực nợ công, bố trí nguồn trả nợ đầy đủ, đúng hạn, chịu trách nhiệm giải trình, thực hiện chế độ báo cáo định kỳ theo quy định.

MỚI NHẤT
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

2,898 lượt xem
Tư vấn pháp luật mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào