Thủ tục thẩm định và phê duyệt chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng dầu khí được thực hiện như thế nào?
Điều kiện chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ của nhà thầu trong hợp đồng dầu khí là gì?
Căn cứ vào Điều 36 Luật Dầu khí 2022 quy định như sau:
Chuyển nhượng quyền lợi tham gia, quyền và nghĩa vụ của nhà thầu trong hợp đồng dầu khí
1. Nhà thầu có quyền chuyển nhượng quyền lợi tham gia, quyền và nghĩa vụ của nhà thầu trong hợp đồng dầu khí. Việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần quyền lợi tham gia, quyền và nghĩa vụ của nhà thầu trong hợp đồng dầu khí phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Bên nhận chuyển nhượng cam kết kế thừa các quyền lợi tham gia, quyền và nghĩa vụ của bên chuyển nhượng và thực hiện các nội dung của hợp đồng dầu khí đã được ký kết;
b) Bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng phải đáp ứng được các điều kiện theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;
c) Bên chuyển nhượng có nghĩa vụ nộp thuế, phí và lệ phí liên quan đến việc chuyển nhượng theo quy định của pháp luật về thuế, phí và lệ phí và quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Việc chuyển nhượng quyền lợi tham gia, quyền và nghĩa vụ của nhà thầu trong hợp đồng dầu khí được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trên cơ sở thẩm định của Bộ Công Thương và có hiệu lực tại giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh.
3. Chính phủ quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục trình, thẩm định, phê duyệt việc chuyển nhượng quyền lợi tham gia, quyền và nghĩa vụ của nhà thầu trong hợp đồng dầu khí.
Như vậy, nhà thầu có thể chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng dầu khí khi đáp ứng các điều kiện:
- Bên nhận chuyển nhượng cam kết kế thừa các quyền lợi tham gia, quyền và nghĩa vụ của bên chuyển nhượng và thực hiện các nội dung của hợp đồng dầu khí đã được ký kết;
- Bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng phải đáp ứng được các điều kiện theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;
- Bên chuyển nhượng có nghĩa vụ nộp thuế, phí và lệ phí liên quan đến việc chuyển nhượng theo quy định của pháp luật về thuế, phí và lệ phí và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Lưu ý: Việc chuyển nhượng phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trên cơ sở thẩm định của Bộ Công Thương và có hiệu lực tại giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh.
Thủ tục thẩm định và phê duyệt chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng dầu khí được thực hiện như thế nào?
Thủ tục thẩm định và phê duyệt chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng dầu khí ra sao?
Căn cứ theo quy định tại Điều 33 Nghị định 45/2023/NĐ-CP quy định thủ tục thẩm định và phê duyệt chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng dầu khí như sau:
Bước 1: Trên cơ sở đề nghị của nhà thầu được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thông qua, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trình Bộ Công Thương 02 bộ hồ sơ (gồm 01 bộ hồ sơ gốc và 01 bộ hồ sơ bản sao, gửi trực tiếp hoặc qua bưu chính) đề nghị phê duyệt chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng dầu khí để thẩm định.
Bước 2: Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Công Thương gửi hồ sơ lấy ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (trong trường hợp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tham gia hợp đồng dầu khí với tư cách nhà thầu) và các bộ, ngành có liên quan.
Bước 3: Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ lấy ý kiến của Bộ Công Thương, các bộ, ngành phải có ý kiến bằng văn bản về nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình gửi Bộ Công Thương.
Bước 4: Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Công Thương hoàn thành thẩm định đề nghị chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng dầu khí, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt
Bước 5: Trong thời hạn 05 ngày làm việc sau khi nhận được phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng dầu khí, Bộ Công Thương cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh cho nhà thầu và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, đồng thời gửi bản chính đến Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp và cơ quan thuế.
Hồ sơ đề nghị phê duyệt chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng dầu khí để thẩm định bao gồm những gì?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Nghị định 45/2023/NĐ-CP quy định hồ sơ đề nghị phê duyệt chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng dầu khí để thẩm định bao gồm:
- Văn bản đề nghị phê duyệt chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng dầu khí và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh, trong đó nêu rõ lý do và việc đáp ứng điều kiện tại khoản 1 Điều 36 Luật Dầu khí 2022.
- Đánh giá của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về đề xuất của nhà thầu; văn bản tiếp thu, giải trình của nhà thầu (nếu có);
- Bản sao có chứng thực giấy chứng nhận đăng ký hoạt động, điều lệ công ty và báo cáo tài chính 03 năm gần nhất của bên nhận chuyển nhượng là tổ chức; bản sao có chứng thực giấy chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu và tài liệu chứng minh khả năng tài chính đối với bên nhận chuyển nhượng là cá nhân;
- Hợp đồng hoặc thỏa thuận chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng dầu khí, trong đó quy định cụ thể về trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thuế chuyển nhượng của các bên liên quan và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật Việt Nam;
- Thỏa thuận sửa đổi hợp đồng dầu khí đã được thống nhất giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và nhà thầu;
- Bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ hợp đồng của bên nhận chuyển nhượng quyền lợi tham gia trong hợp đồng dầu khí do ngân hàng thương mại phát hành hoặc bảo lãnh của công ty mẹ của bên nhận chuyển nhượng hoặc hình thức bảo lãnh khác theo yêu cầu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (nếu cần thiết trên cơ sở đánh giá báo cáo tài chính);
- Tờ khai thuế và giải trình số thuế chuyển nhượng (nếu có) theo quy định pháp luật về thuế; thông báo của cơ quan thuế về việc đã nhận được hồ sơ khai thuế theo quy định pháp luật về thuế;
- Các văn bản, tài liệu khác có liên quan.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.