Thủ tục đăng ký nhãn hiệu nhóm 35 được thực hiện như thế nào? Nhãn hiệu nhóm 35 bao gồm những gì?
Nhãn hiệu nhóm 35 bao gồm những gì?
Căn cứ theo quy định tại khoản 16 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009), nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.
Theo Thông báo 11954/TB-SHTT năm 2021 của Cục Sở hữu trí tuệ, bản tiếng Việt của Bảng phân loại hàng hóa/dịch vụ Ni-xơ phiên bản 11/2022 gồm 45 nhóm trong đó có 34 nhóm sản phẩm hàng hóa và 11 nhóm dịch vụ.
Tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông báo 11954/TB-SHTT năm 2021, nhóm 35 là nhóm dịch vụ gồm Quảng cáo; Quản lý, tổ chức và quản trị kinh doanh; Hoạt động văn phòng.
* Nhóm này đặc biệt gồm cả:
- Tập hợp và trưng bày các loại hàng hoá khác nhau, không kể vận chuyển, vì lợi ích của khách hàng để họ dễ xem và mua các hàng hoá này; các dịch vụ này có thể được cung cấp bởi các cửa hàng bán lẻ, bán buôn hàng hoá hoặc thông qua máy bán hàng tự động, ca-ta-lô đặt hàng qua thư hoặc bằng các phương tiện truyền thông điện tử, ví dụ, qua trang web hoặc các chương trình mua bán trên tivi;
- Dịch vụ quảng cáo, marketing và thúc đẩy bán hàng, ví dụ, phân phát hàng mẫu, phát triển các ý tưởng quảng cáo, soạn thảo và xuất bản các tài liệu quảng cáo;
- Trưng bày hàng hóa trong các cửa hàng;
- Dịch vụ quan hệ công chúng;
- Sản xuất các chương trình mua sắm từ xa;
- Tổ chức hội chợ và triển lãm thương mại cho mục đích thương mại hoặc quảng cáo;
- Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm để thúc đẩy bán hàng;
- Dịch vụ hỗ trợ thương mại, ví dụ như tuyển dụng nhân sự, đàm phán hợp đồng kinh doanh cho người khác, phân tích giá cả thị trường, dịch vụ đại lý xuất nhập khẩu;
- Dịch vụ quản trị liên quan đến các giao dịch kinh doanh và hồ sơ tài chính, ví dụ như sổ sách kế toán, lập báo cáo thống kê tài khoản, kiểm toán doanh nghiệp và tài chính, đánh giá kinh doanh, dịch vụ lập bản khai thuế và khai thuế;
- Quản trị thương mại việc li-xăng hàng hóa và dịch vụ của người khác;
- Dịch vụ gồm việc đăng ký, sao chép, soạn thảo, biên soạn, sưu tập, hoặc hệ thống hoá các thông báo và đăng ký dạng văn bản, cũng như việc sưu tập các số liệu toán học hay thống kê;
- Hoạt động văn phòng, ví dụ như dịch vụ lên và nhắc lịch hẹn, tra cứu dữ liệu trong máy tính cho người khác, quản lý tệp tin máy tính, dịch vụ tổng đài điện thoại.
* Nhóm này đặc biệt không bao gồm:
- Dịch vụ tài chính, ví dụ, phân tích tài chính, quản lý tài chính, tài trợ tài chính (Nhóm 36);
- Quản lý bất động sản (Nhóm 36);
- Dịch vụ môi giới chứng khoán (Nhóm 36);
- Hậu cần vận tải (Nhóm 39);
- Kiểm toán năng lượng (Nhóm 42);
- Thiết kế đồ họa vật liệu quảng cáo (Nhóm 42);
- Dịch vụ pháp lý liên quan đến đàm phán hợp đồng cho người khác (Nhóm 45);
- Li-xăng sở hữu trí tuệ, quản trị pháp lý việc li-xăng, quản lý quyền tác giả (Nhóm 45);
- Đăng ký tên miền (Nhóm 45).
Xem thêm hướng dẫn phân loại: Tại đây.
Thủ tục đăng ký nhãn hiệu nhóm 35 được thực hiện như thế nào? Nhãn hiệu nhóm 35 bao gồm những gì? (Hình từ Internet)
Thủ tục đăng ký nhãn hiệu nhóm 35 năm 2022 được thực hiện như thế nào?
Thủ tục đăng ký nhãn hiệu nhóm 35 năm 2022:
* Về hồ sơ đăng ký nhãn hiệu nhóm 35:
- Tờ khai đăng ký nhãn hiệu (hai bản theo mẫu 04-NH Phụ lục A Thông tư 16/2016/TT-BKHCN).
- Mẫu nhãn hiệu (05 mẫu kích thước 80 x 80 mm) kèm bản thuyết minh tính chất, chất lượng sản phẩm.
- Chứng từ nộp phí và lệ phí (bản sao).
- Giấy uỷ quyền (nếu uỷ quyền cho bên thứ ba nộp, áp dụng trong trường hợp nộp trực tiếp).
Ngoài ra, một số loại giấy tờ khác cần có như:
- Nếu dùng địa danh/dấu hiệu nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương thì cần có Văn bản đồng ý của Uỷ ban nhân dân tỉnh cho phép.
- Xác nhận quyền đăng ký, thụ hưởng, ưu tiên từ người khác (nếu có).
* Về thủ tục đăng ký nhãn hiệu nhóm 35:
Căn cứ theo Điều 11 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN (được sửa đổi bởi khoản 10 Điều 1 Thông tư 16/2016/TT-BKHCN) thì trình tự đăng ký bảo hộ nhãn hiệu được thực hiện như sau:
Bước 1: Nộp đơn
Nộp hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền là Cục Sở hữu trí tuệ hoặc tại các địa điểm tiếp nhận đơn khác do Cục Sở hữu trí tuệ thiết lập. Đơn cũng có thể được gửi qua bưu điện tới các địa điểm tiếp nhận đơn nói trên. Cục Sở hữu trí tuệ không gửi trả lại các tài liệu đã nộp (trừ bản gốc tài liệu nộp để kiểm tra khi đối chiếu với bản sao).
Bước 2: Tiếp nhận và thẩm định hình thức đơn
Sau khi đơn được tiếp nhận, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tiến hành thẩm định hình thức đơn và đưa ra quyết định đơn có hợp lệ không. Nếu hợp lệ thì ra quyết định chấp nhận đơn, nếu không thì từ chối hoặc yêu cầu sửa đổi, bổ sung trong thời hạn 02 tháng.
Thời gian thẩm định hình thức là 01 tháng kể từ ngày nhận được đơn.
Bước 3: Công bố hợp lệ
Mọi đơn đã được chấp nhận hợp lệ đều được Cục Sở hữu trí tuệ công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp. Công ty phải nộp lệ phí công bố đơn.
Thời hạn công bố hợp lệ trên Công báo sở hữu công nghiệp là 02 (hai) tháng kể từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ.
Bước 4: Thẩm định nội dung đơn
Thẩm định nội dung đơn gồm các nội dung sau:
- Đánh giá sự phù hợp của đối tượng nêu trong đơn với loại văn bằng bảo hộ yêu cầu được cấp;
- Đánh giá đối tượng theo từng điều kiện bảo hộ;
- Kiểm tra nguyên tắc nộp đơn đầu tiên.
Đối với đơn đăng ký nhãn hiệu, việc đánh giá được tiến hành lần lượt từng thành phần của nhãn hiệu đối với từng hàng hoá, dịch vụ nêu trong danh mục hàng hoá, dịch vụ.
Thời hạn thẩm định nội dung đơn là 06 tháng kể từ ngày công bố đơn (trường hợp Công ty chủ động yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn, hoặc phản hồi thông báo của Cục Sở hữu trí tuệ, thì thời hạn thẩm định nội dung được kéo dài thêm không quá 03 tháng)
Bước 5: Ra quyết định cấp/từ chối cấp văn bằng bảo hộ
- Quyết định cấp văn bằng bảo hộ, công bố và ghi vào Sổ đăng ký quốc gia về bảo hộ cho nhãn hiệu nếu đơn đáp ứng yêu cầu, người nộp đơn cũng đã nộp đầy đủ phí, lệ phí kèm theo đúng hạn.
Thời hạn cấp văn bằng bảo hộ: Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày Công ty nộp đầy đủ và đúng hạn các khoản phí và lệ phí, Cục Sở hữu trí tuệ tiến hành thủ tục cấp văn bằng bảo hộ theo quy định.
- Quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ cho nhãn hiệu yêu cầu:
Đơn bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 117 Luật Sở hữu trí tuệ 2005.
Các trường hợp văn bằng bảo hộ bị chấm dứt áp dụng từ ngày 01/01/2023?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 95 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi bởi khoản 30 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 có hiệu lực từ ngày 01/01/2023), từ ngày 01/01/2023, chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ:
Chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ
1. Văn bằng bảo hộ bị chấm dứt toàn bộ hoặc một phần hiệu lực trong các trường hợp sau đây:
a) Chủ văn bằng bảo hộ không nộp phí, lệ phí để duy trì hiệu lực hoặc gia hạn hiệu lực theo quy định;
b) Chủ văn bằng bảo hộ tuyên bố từ bỏ quyền sở hữu công nghiệp;
c) Chủ văn bằng bảo hộ không còn tồn tại hoặc chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu không còn hoạt động kinh doanh mà không có người kế thừa hợp pháp;
d) Nhãn hiệu không được chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu cho phép sử dụng trong thời hạn năm năm liên tục trước ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực mà không có lý do chính đáng, trừ trường hợp việc sử dụng được bắt đầu hoặc bắt đầu lại trước ít nhất ba tháng tính đến ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực;
đ) Chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đối với nhãn hiệu tập thể không kiểm soát hoặc kiểm soát không có hiệu quả việc thực hiện quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể;
e) Chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đối với nhãn hiệu chứng nhận vi phạm quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận hoặc không kiểm soát, kiểm soát không có hiệu quả việc thực hiện quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận;
g) Các điều kiện địa lý tạo nên danh tiếng, chất lượng, đặc tính của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý bị thay đổi làm mất danh tiếng, chất lượng, đặc tính của sản phẩm đó;
h) Việc sử dụng nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ bởi chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc người được chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép làm cho người tiêu dùng hiểu sai lệch về bản chất, chất lượng hoặc nguồn gốc địa lý của hàng hóa hoặc dịch vụ đó;
i) Nhãn hiệu được bảo hộ trở thành tên gọi thông thường của hàng hóa, dịch vụ đăng ký cho chính nhãn hiệu đó;
k) Chỉ dẫn địa lý của nước ngoài không còn được bảo hộ tại nước xuất xứ.
...
Như vậy, trường hợp văn bằng bảo hộ bị chấm dứt nêu trên sẽ được áp dụng từ ngày 01/01/2023. Trước ngày 01/01/2023, trường hợp văn bằng bảo hộ bị chấm dứt sẽ căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 95 Luật Sở hữu trí tuệ 2005.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.