Thông tư 31/2024/TT-BTC về chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Thu thập và phân tích thông tin về tài sản thẩm định giá ra sao?
Thông tư 31/2024/TT-BTC về chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Thu thập và phân tích thông tin về tài sản thẩm định giá ra sao?
Ngày 16/5/2024 Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 31/2024/TT-BTC ban hành Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Thu thập và phân tích thông tin về tài sản thẩm định giá.
Trong đó, Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Thu thập và phân tích thông tin về tài sản thẩm định giá mới nhất 2024 gồm: 8 điều, trong đó có quy định về thu thập thông tin như sau:
- Thông tin cần thu thập về tài sản thẩm định giá bao gồm thông tin về các đặc điểm pháp lý, kinh tế - kỹ thuật, thông tin về thị trường và các thông tin khác liên quan đến tài sản thẩm định giá.
Trường hợp tài sản thẩm định giá là quyền tài sản, tài sản hình thành trong tương lai, cần thu thập thông tin về việc xác lập sở hữu và hình thành các tài sản này, về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng (nếu có) của các cơ quan có thẩm quyền theo các quy định của pháp luật có liên quan.
- Thu thập thông tin về tài sản thẩm định giá là yêu cầu bắt buộc khi thực hiện thẩm định giá tài sản.
Việc thu thập thông tin phải khách quan, đúng thực tế, phải có tính hệ thống, phù hợp với tài sản thẩm định giá, mục đích thẩm định giá, cơ sở giá trị thẩm định giá và phù hợp với cách tiếp cận và phương pháp thẩm định giá tại các chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam do Bộ Tài chính ban hành.
- Người thực hiện - hoạt động thẩm định giá chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc thu thập thông tin và phải thể hiện kết quả thu thập thông tin trong hồ sơ thẩm định giá theo quy định.
Trường hợp người thu thập thông tin không phải là người thực hiện hoạt động thẩm định giá thì người thực hiện hoạt động thẩm định giá có trách nhiệm phân công và hướng dẫn để người thu thập thông tin thực hiện việc thu thập thông tin theo quy định.
- Người thu thập thông tin chịu trách nhiệm về tính khách quan, trung thực của thông tin, số liệu do mình đã thu thập.
Người thực hiện hoạt động thẩm định giá chịu trách nhiệm về việc xem xét, đánh giá, phân tích và sử dụng thông tin được thu thập để thực hiện thẩm định giá tài sản theo quy định.
- Trường hợp phát sinh những hạn chế mà không thể khắc phục đối với việc thu thập thông tin vì lý do khách quan, bất khả kháng, có thể ảnh hưởng đến hoạt động thẩm định giá và việc ước tính giá trị của tài sản thẩm định giá, người thu thập thông tin phải báo cáo với người thực hiện hoạt động thẩm định giá để người thực hiện hoạt động thẩm định giá phản ánh rõ nội dung này tại báo cáo thẩm định giá và chứng thư thẩm định giá hoặc thông báo kết quả thẩm định giá.
- Đối với những thông tin thu thập thuộc danh mục thông tin phải bảo đảm bí mật hoặc chỉ được sử dụng trong phạm vi nhất định theo các quy định của pháp luật, như các thông tin chưa được phép công bố, các thông tin là bí mật nhà nước, người thu thập thông tin cần tuân thủ theo các quy định của pháp luật về bảo mật thông tin khi thu thập và sử dụng các thông tin này.
Thông tư 31/2024/TT-BTC về chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Thu thập và phân tích thông tin về tài sản thẩm định giá ra sao? (Hình từ Internet)
Các trường hợp nào không cần thực hiện khảo sát hiện trạng tài sản khi thẩm định giá?
Căn cứ Điêu 6 Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Thu thập và phân tích thông tin về tài sản thẩm định giá ban hành kèm theo Thông tư 31/2024/TT-BTC, các trường hợp không cần thực hiện khảo sát hiện trạng tài sản trong quá trình thẩm định giá gồm:
- Tài sản thẩm định giá là máy móc, thiết bị, dụng cụ mới hoặc dịch vụ mà trên bảng danh mục đề nghị thẩm định giá hoặc trên nhãn mác hoặc tài liệu đính kèm đề nghị thẩm định giá có ghi đầy đủ thông tin về đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của tài sản; đồng thời, có các tài sản giống hệt với tài sản thẩm định giá đang giao dịch, mua bán trên thị trường;
- Tài sản thẩm định giá bị mất, thất lạc hoặc bị hủy hoại hoàn toàn;
- Tài sản thẩm định giá trong trường hợp không thể tiếp cận trực tiếp vì lý do khách quan hoặc bất khả kháng và người thu thập thông tin phải nêu rõ khả năng ảnh hưởng đến hoạt động thẩm định giá (nếu có).
Người thực hiện thẩm định giá có trách nhiệm nêu rõ khả năng ảnh hưởng đến việc ước tính giá trị của tài sản thẩm định giá (nếu có) tại báo cáo thẩm định giá và chứng thư thẩm định giá hoặc thông báo kết quả thẩm định giá.
Lưu ý: người thu thập thông tin cần phải nêu được đầy đủ lý do về việc không thể khảo sát tài sản trên.
Thông tư 31/2024/TT-BTC có hiệu lực khi nào?
Căn cứ Điều 2 Thông tư 31/2024/TT-BTC quy định như sau:
Điều khoản thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2024
2. Các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư này.
3. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết./.
Vậy, Thông tư 31/2024/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2024
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.