Thi lý thuyết B1 bao nhiêu câu là đậu? Hồ sơ dự thi giấy phép lái xe hạng B1 lần đầu gồm các loại giấy tờ gì?
Thi lý thuyết B1 bao nhiêu câu là đậu?
Theo quy định tại Điều 16 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, giấy phép lái xe B1 (hay còn gọi tắt là bằng B1) được chia thành 02 loại: B1 số tự động và B1.
*Lưu ý: Bằng lái xe B1 số tự động và B1 chỉ cấp cho người không hành nghề lái xe. Nếu muốn hành nghề lái xe, tài xế phải học bằng B2 trở lên.
Căn cứ tại tiểu mục 2.1 Mục 2 Công văn 1883/TCĐBVN-QLPT&NL năm 2020, tiểu mục 3 Mục I Công văn 3207/TCĐBVN-QLPT&NL năm 2020, điểm a, b khoản 3 Điều 21 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT.
Phần thi lý thuyết B1 gồm 30 câu trong đó có:
- 01 câu về khái niệm;
- 01 câu hỏi về tình huống mất an toàn giao thông nghiêm trọng;
- 06 câu về quy tắc giao thông;
- 01 câu về tốc độ, khoảng cách;
- 01 câu về văn hóa giao thông và đạo đức người lái xe;
- 01 câu về kỹ thuật lái xe;
- 01 câu về cấu tạo sửa chữa;
- 09 câu về hệ thống biển báo đường bộ;
- 09 câu về giải các thế sa hình và kỹ năng xử lý tình huống giao thông.
Thời gian thi lý thuyết B1 là 20 phút với tổng 30 câu hỏi.
Mỗi câu hỏi trong đề sát hạch có từ 02 đến 04 ý trả lời và chỉ có 01 ý trả lời đúng nhất; trong số các câu hỏi, có 01 điểm liệt nếu thí sinh trả lời sai sẽ bị truất quyền sát hạch, các câu còn lại, mỗi câu tính là 01 điểm.
Khi hoàn thành bài sát hạch hoặc hết thời gian quy định, tất cả các câu trả lời của thí sinh (kể cả các câu hỏi chưa trả lời hết) được máy tự động chấm điểm và lưu lại trong máy chủ.
Thí sinh trả lời đúng phần thi lý thuyết B1 từ 27/30 câu trở lên và không sai câu điểm liệt thì được tính là đậu phần thi lý thuyết B1 và được thi tiếp phần thi mô phỏng.
Thi lý thuyết B1 bao nhiêu câu là đậu? Hồ sơ dự thi giấy phép lái xe hạng B1 lần đầu gồm các loại giấy tờ gì? (Hình từ internet)
Hồ sơ dự thi giấy phép lái xe hạng B1 lần đầu gồm các loại giấy tờ gì?
Căn cứ theo quy định tại Điều 19 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT được sửa đổi, bổ sung bởi điểm a khoản 1 Điều 12 Thông tư 05/2023/TT-BGTVT, quy định như sau:
Hồ sơ dự sát hạch lái xe
1. Đối với người dự sát hạch lái xe lần đầu
Cơ sở đào tạo lái xe lập 01 bộ hồ sơ, gửi trực tiếp tại Cục đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải. Hồ sơ bao gồm:
a) Hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều 9 của Thông tư này;
b) Chứng chỉ sơ cấp hoặc chứng chỉ đào tạo đối với người dự sát hạch lái xe hạng A4, B1, B2 và C;
c) Danh sách đề nghị sát hạch của cơ sở đào tạo lái xe có tên của người dự sát hạch.
...
Như vậy, căn cứ theo quy định nêu trên thì hồ sơ thi giấy phép lái xe hạng B1 lần đầu gồm có các loại giấy tờ như sau:
- Đơn đề nghị học, sát hạch để cấp giấy phép lái xe theo mẫu quy định tại Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư 12/2017/TT-BGTV;
- Bản sao giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn có ghi số giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân đối với người Việt Nam; hộ chiếu còn thời hạn đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài;
- Bản sao hộ chiếu còn thời hạn trên 06 tháng và thẻ tạm trú hoặc thẻ thường trú hoặc chứng minh thư ngoại giao hoặc chứng minh thư công vụ đối với người nước ngoài;
- Giấy khám sức khỏe của người lái xe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp theo quy định.
- Chứng chỉ sơ cấp hoặc chứng chỉ đào tạo đối với người dự sát hạch lái xe hạng A4, B1, B2 và C;
- Danh sách đề nghị sát hạch của cơ sở đào tạo lái xe có tên của người dự sát hạch.
Giấy phép lái xe ô tô B1 hiện nay có thời hạn sử dụng trong bao lâu?
Căn cứ theo quy định tại Điều 17 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, được bổ sung bởi khoản 3 Điều 2 Thông tư 01/2021/TT-BGTVT như sau:
Thời hạn của giấy phép lái xe
1. Giấy phép lái xe hạng A1, A2, A3 không có thời hạn.
2. Giấy phép lái xe hạng B1 có thời hạn đến khi người lái xe đủ 55 tuổi đối với nữ và đủ 60 tuổi đối với nam; trường hợp người lái xe trên 45 tuổi đối với nữ và trên 50 tuổi đối với nam thì giấy phép lái xe được cấp có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp.
3. Giấy phép lái xe hạng A4, B2 có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp.
4. Giấy phép lái xe hạng C, D, E, FB2, FC, FD, FE có thời hạn 05 năm, kể từ ngày cấp.
5. Thời hạn của giấy phép lái xe được ghi trên giấy phép lái xe.
Như vậy căn cứ theo quy định nêu trên thì Giấy phép lái xe hạng B1 có thời hạn đến khi người lái xe đủ 55 tuổi đối với nữ và đủ 60 tuổi đối với nam; trường hợp người lái xe trên 45 tuổi đối với nữ và trên 50 tuổi đối với nam thì giấy phép lái xe được cấp có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp.
Theo đó, tùy theo trường hợp bạn là nam hay nữ thì thời hạn của giấy phép lái xe B1 sẽ dựa theo độ tuổi của bạn. Trường hợp người lái xe trên 45 tuổi đối với nữ và trên 50 tuổi đối với nam thì giấy phép lái xe được cấp có thời hạn 10 năm.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.