Theo quy định hiện hành, trường hợp nào thì nhà sản xuất, nhà nhập khẩu phải đăng ký và báo cáo kết quả tái chế?
Đối tượng phải thực hiện trách nhiệm tái chế
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 77 Nghị định 08/2022/NĐ-CP về đối tượng phải thực hiện trách nhiệm tái chế cụ thể như sau:
Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu (sau đây gọi chung là nhà sản xuất, nhập khẩu) các sản phẩm, bao bì quy định tại Cột 3 Phụ lục XXII ban hành kèm theo Nghị định này để đưa ra thị trường Việt Nam phải thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì đó theo tỷ lệ, quy cách tái chế bắt buộc quy định tại Điều 78 Nghị định này.
Hình thức thực hiện trách nhiệm tái chế
Theo quy định tại Điều 79 Nghị định 08/2022/NĐ-CP về hình thức thực hiện trách nhiệm tái chế cụ thể như sau:
(1) Nhà sản xuất, nhập khẩu lựa chọn một hình thức thực hiện trách nhiệm tái chế quy định tại khoản 2 Điều 54 Luật Bảo vệ môi trường cho một hoặc một nhóm sản phẩm, bao bì quy định tại Cột 3 Phụ lục XXII ban hành kèm theo Nghị định này.
(2) Trường hợp nhà sản xuất, nhập khẩu lựa chọn hình thức tổ chức tái chế theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 54 Luật Bảo vệ môi trường, nhà sản xuất, nhập khẩu tự quyết định việc tái chế theo các cách thức sau đây:
- Tự thực hiện tái chế;
- Thuê đơn vị tái chế để thực hiện tái chế;
- Ủy quyền cho tổ chức trung gian để tổ chức thực hiện tái chế (sau đây viết tắt là bên được ủy quyền);
- Kết hợp cách thức quy định tại các điểm a, b và c khoản này.
(3) Nhà sản xuất, nhập khẩu tự thực hiện tái chế phải bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật; không tự thực hiện tái chế khi không bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
(4) Đơn vị tái chế được nhà sản xuất, nhập khẩu thuê để thực hiện tái chế quy định tại điểm b khoản 2 Điều này phải bảo đảm các yêu cầu bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
(5) Bên được ủy quyền tổ chức tái chế quy định tại điểm c khoản 2 Điều này phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
- Có tư cách pháp nhân và được thành lập theo quy định của pháp luật;
- Không trực tiếp tái chế và không có quan hệ sở hữu với bất kỳ đơn vị tái chế nào liên quan đến phạm vi được ủy quyền;
- Được ít nhất 03 nhà sản xuất, nhập khẩu đồng ý ủy quyền tổ chức tái chế.
(6) Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố danh sách tổ chức, đơn vị tại khoản 4 và khoản 5 Điều này để nhà sản xuất, nhập khẩu biết, lựa chọn. Nhà sản xuất, nhập khẩu không thuê đơn vị tái chế hoặc bên được ủy quyền khi không bảo đảm các yêu cầu theo quy định của pháp luật.
(7) Nhà sản xuất, nhập khẩu lựa chọn hình thức đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 54 Luật Bảo vệ môi trường thì không phải thực hiện các cách thức tái chế quy định tại khoản 2 Điều này.
(8) Ủy ban nhân dân các cấp, tổ chức, cá nhân, người tiêu dùng có trách nhiệm tạo điều kiện và hỗ trợ nhà sản xuất, nhập khẩu, đơn vị tái chế, bên được ủy quyền trong việc phân loại, thu gom sản phẩm, bao bì sau tiêu dùng trên địa bàn.
Đăng ký và báo cáo kết quả tái chế
Trường hợp nào thì nhà sản xuất, nhà nhập khẩu phải đăng ký và báo cáo kết quả tái chế?
Theo Điều 80 Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định về trường hợp nhà sản xuất, nhà nhập khẩu phải đăng ký và báo cáo kết quả tái chế cụ thể như sau:
(1) Nhà sản xuất, nhập khẩu đăng ký kế hoạch tái chế hằng năm và báo cáo kết quả tái chế của năm trước về Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 31 tháng 3 hằng năm; trường hợp nhà sản xuất, nhập khẩu ủy quyền toàn bộ cho bên được ủy quyền thì bên được ủy quyền có trách nhiệm đăng ký, báo cáo thay cho nhà sản xuất, nhập khẩu.
Việc đăng ký kế hoạch tái chế được tính theo khối lượng sản phẩm, bao bì sản xuất được đưa ra thị trường của năm liền trước đó. Nhà sản xuất, nhập khẩu hoặc bên được ủy quyền chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của thông tin đăng ký kế hoạch tái chế, báo cáo kết quả tái chế.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định mẫu đăng ký kế hoạch tái chế và mẫu báo cáo kết quả tái chế quy định tại khoản này.
(2) Trường hợp khối lượng sản phẩm, bao bì thực tế sản xuất được đưa ra thị trường và nhập khẩu nhiều hơn so với kế hoạch tái chế đã đăng ký thì nhà sản xuất, nhập khẩu phải bổ sung khối lượng chênh lệch vào kế hoạch tái chế của năm tiếp theo.
Trường hợp khối lượng sản phẩm, bao bì thực tế sản xuất được đưa ra thị trường và nhập khẩu ít hơn so với kế hoạch tái chế đã đăng ký thì nhà sản xuất, nhà nhập khẩu được thực hiện, báo cáo kết quả tái chế theo khối lượng sản phẩm, bao bì thực tế sản xuất được đưa ra thị trường và nhập khẩu.
(3) Trường hợp kế hoạch tái chế, báo cáo kết quả tái chế không đạt yêu cầu, Bộ Tài nguyên và Môi trường thông báo bằng văn bản cho nhà sản xuất, nhà nhập khẩu hoặc bên được ủy quyền để hoàn thiện kế hoạch, báo cáo trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận thông báo. Không đăng ký kế hoạch tái chế, báo cáo kết quả tái chế đối với phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất.
(4) Nhà sản xuất, nhập khẩu lựa chọn hình thức đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 54 Luật Bảo vệ môi trường không phải đăng ký, thực hiện kế hoạch tái chế và báo cáo kết quả tái chế quy định tại khoản 1 Điều này.
Như vậy, đối với câu hỏi của bạn thì việc nhà sản xuất, nhà nhập khẩu phải đăng ký kế hoạch tái chế và báo cáo kết quả tái chế hàng năm theo quy định của pháp luật. Trên đây là một số thông tin chúng tôi cung cấp gửi tới bạn về tái chế. Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.