Thanh tra giao thông không được phép dừng xe từ 2025? Trang phục của thanh tra giao thông như thế nào?
Thanh tra giao thông không được phép dừng xe từ 2025?
Căn cứ Điều 83 Luật Đường bộ 2024 có quy định về nhiệm vụ của thanh tra đường bộ (thanh tra giao thông) như sau:
Thanh tra đường bộ
Thanh tra đường bộ có nhiệm vụ sau đây:
1. Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về kết cấu hạ tầng đường bộ; vận tải đường bộ tại đơn vị vận tải, bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, đơn vị thực hiện dịch vụ hỗ trợ vận tải;
2. Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lối xe cơ giới đường bộ, hoạt động kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới, trừ hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe của lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ;
3. Nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật về thanh tra và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Bên cạnh đó, theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 86 Luật Giao thông đường bộ 2008 có nêu "trường hợp cấp thiết, để kịp thời ngăn chặn hậu quả có thể xảy ra đối với công trình đường bộ, thanh tra giao thông được phép dừng phương tiện giao thông và yêu cầu người điều khiển phương tiện thực hiện các biện pháp để bảo vệ công trình theo quy định của pháp luật và phải chịu trách nhiệm về quyết định đó".
Tuy nhiên, Luật Giao thông đường bộ 2008 sẽ hết hiệu lực từ ngày 31/12/2024 và bị thay thế bởi Luật Đường bộ 2024 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2025).
Như vậy, kể từ ngày Luật Đường bộ 2024 có hiệu lực thi hành (01/1/2025) thì thanh tra giao thông hay thanh tra đường bộ sẽ không còn thẩm quyền dừng phương tiện đang lưu thông trên đường.
Thanh tra giao thông không được phép dừng xe từ 2025? Trang phục của thanh tra giao thông như thế nào? (Hình từ Internet)
Trang phục của thanh tra giao thông như thế nào?
Căn cứ quy định tại Điều 5 Thông tư 29/2024/TT-BGTVT thì trang phục của thanh tra giao thông được quy định như sau:
(1) Trang phục của công chức thanh tra chuyên ngành của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ Giao thông vận tải gồm: quần, áo (thu đông, xuân hè); thắt lưng da; giầy da; dép quai hậu; bít tất; cà vạt; quần, áo mưa; ủng cao su; mũ bảo hiểm; cặp tài liệu; mũ kêpi; cành tùng; biển tên; cấp hiệu.
Mẫu trang phục của công chức thanh tra chuyên ngành quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 29/2024/TT-BGTVT.
(2) Căn cứ điều kiện vùng miền cụ thể và đặc thù công tác, công chức thanh tra chuyên ngành được trang bị bảo hộ lao động theo quy định của pháp luật.
(3) Quy cách, màu sắc trang phục của công chức thanh tra chuyên ngành thực hiện theo quy định tại Điều 6, Điều 7, Điều 8 và Điều 9 Thông tư 29/2024/TT-BGTVT.
Trang phục thanh tra giao thông chuyên ngành được sử dụng khi nào?
Căn cứ quy định tại Điều 11 Thông tư 29/2024/TT-BGTVT về quản lý, sử dụng trang phục như sau:
Quản lý, sử dụng trang phục
1. Trang phục công chức thanh tra chuyên ngành được sử dụng khi thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, tham dự các hội nghị, ngày truyền thống và các buổi lễ khác liên quan đến hoạt động thanh tra theo quy định.
2. Công chức thanh tra chuyên ngành có trách nhiệm quản lý và sử dụng trang phục được cấp theo đúng quy định tại Thông tư này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
3. Cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm cấp trang phục theo đúng quy định tại Thông tư này.
Chiếu theo quy định trên, trang phục thanh tra giao thông chuyên ngành được sử dụng khi thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, tham dự các hội nghị, ngày truyền thống và các buổi lễ khác liên quan đến hoạt động thanh tra theo quy định.
Tiêu chuẩn làm thanh tra giao thông là gì?
Căn cứ Điều 3 Thông tư 29/2024/TT-BGTVT có quy định về điều kiện, tiêu chuẩn công chức thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải như sau:
- Công chức thanh tra chuyên ngành là công chức thuộc tổ chức tham mưu giúp việc Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ GTVT.
Đơn vị trực thuộc cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ GTVT.
- Công chức thanh tra chuyên ngành phải đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn quy định tại khoản 3 Điều 38 Luật Thanh tra 2022 và các điều kiện, tiêu chuẩn bao gồm:
+ Công chức thanh tra chuyên ngành của Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam, Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam phải có trình độ đào tạo từ đại học trở lên phù hợp với yêu cầu vị trí việc làm về một trong các chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải, xây dựng, kiến trúc, cơ khí, công nghệ thông tin, viễn thông, luật, kinh tế, tài chính;
+ Công chức thanh tra chuyên ngành của Cục Đăng kiểm Việt Nam phải có trình độ đào tạo từ đại học trở lên phù hợp với yêu cầu vị trí việc làm về một trong các chuyên ngành kỹ thuật liên quan đến lĩnh vực đăng kiểm phương tiện, thiết bị giao thông vận tải hoặc một trong các chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực luật, tài chính.
Lưu ý:
(1) Luật Đường bộ 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2025, trừ trường hợp quy định tại khoản (2)
(2) Điểm a và điểm b khoản 2 Điều 42, Điều 43, Điều 50, khoản 1 Điều 84 của Luật Đường bộ 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 10 năm 2024.
(3) Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14 và Luật số 44/2019/QH14 hết hiệu lực kể từ ngày Luật Đường bộ 2024 có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp quy định tại Điều 86 Luật Đường bộ 2024.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.