Thành phần Hội đồng thẩm định chủ trương đề cử di sản thiên nhiên được tổ chức quốc tế công nhận bao gồm những ai?
Thành phần Hội đồng thẩm định chủ trương đề cử di sản thiên nhiên được tổ chức quốc tế công nhận bao gồm những ai?
Căn cứ tại điểm b khoản 2 Điều 20 Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định như sau:
Trình tự, thủ tục và thẩm quyền đề cử công nhận di sản thiên nhiên được tổ chức quốc tế công nhận
1. Ban quản lý (nếu có) hoặc tổ chức được giao quản lý di sản thiên nhiên lập hồ sơ đề nghị tổ chức quốc tế công nhận danh hiệu quốc tế và trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, thẩm định theo quy định tại Điều này.
Việc hướng dẫn kỹ thuật, thẩm định và đề cử công nhận di sản thiên nhiên được tổ chức quốc tế công nhận theo quy định tại khoản 2 Điều 31 Luật Di sản văn hóa thực hiện theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
2. Tổ chức thẩm định và trình phê duyệt chủ trương đề cử di sản thiên nhiên được tổ chức quốc tế công nhận:
a) Đối với di sản thiên nhiên nằm trên địa bàn 01 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: hồ sơ được gửi đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để xem xét, gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thẩm định.
Trường hợp di sản thiên nhiên nằm trên địa bàn từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên hoặc nằm trên vùng biển chưa xác định được trách nhiệm quản lý hành chính của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ban quản lý hoặc tổ chức được giao quản lý di sản thiên nhiên trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định sau khi có văn bản đồng thuận của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có ranh giới thuộc di sản thiên nhiên đề cử;
b) Hội đồng thẩm định gồm các thành viên là đại diện của Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan, đại diện Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi đề cử di sản thiên nhiên, đại diện một số tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học về các lĩnh vực có liên quan;
c) Nội dung thẩm định bao gồm: việc đáp ứng các tiêu chí đối với di sản thiên nhiên đề cử danh hiệu quốc tế; vị trí địa lý, ranh giới và diện tích di sản thiên nhiên, các phân vùng di sản thiên nhiên; mục tiêu quản lý di sản thiên nhiên; nội dung quản lý và kế hoạch bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên; mô hình tổ chức quản lý; nguồn lực quản lý và tổ chức thực hiện quản lý di sản thiên nhiên sau khi được công nhận;
d) Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoàn thiện hồ sơ sau họp Hội đồng thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đề cử tổ chức quốc tế công nhận danh hiệu quốc tế đối với di sản thiên nhiên.
3. Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Ngoại giao, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoàn thiện và gửi hồ sơ đề cử công nhận theo quy định của tổ chức quốc tế.
4. Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn kỹ thuật việc đề cử, công nhận danh hiệu quốc tế đối với di sản thiên nhiên của Việt Nam theo quy định của các tổ chức quốc tế; chỉ định đầu mối thông tin, liên lạc với các tổ chức quốc tế để hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật về quản lý, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học đối với di sản thiên nhiên được tổ chức quốc tế công nhận.
Như vậy theo quy định trên thành phần Hội đồng thẩm định chủ trương đề cử di sản thiên nhiên được tổ chức quốc tế công nhận bao gồm các thành viên là đại diện của Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan, đại diện Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi đề cử di sản thiên nhiên, đại diện một số tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học về các lĩnh vực có liên quan.
Thành phần Hội đồng thẩm định chủ trương đề cử di sản thiên nhiên được tổ chức quốc tế công nhận bao gồm những ai? (Hình từ Internet)
Việc điều tra, đánh giá định kỳ di sản thiên nhiên bao gồm những nội dung gì?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 21 Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định như sau:
Điều tra, đánh giá di sản thiên nhiên bao gồm điều tra, đánh giá định kỳ 05 năm một lần và hoạt động điều tra, đánh giá khác theo quy định của pháp luật có liên quan. Việc điều tra, đánh giá định kỳ bao gồm các nội dung sau đây:
- Diễn biến môi trường và các giá trị thiên nhiên cần bảo vệ, bảo tồn theo tiêu chí xác lập, công nhận di sản thiên nhiên;
- Hoạt động phát triển kinh tế - xã hội có tác động xấu đến môi trường di sản thiên nhiên; hoạt động khai thác, sử dụng các giá trị tài nguyên, dịch vụ hệ sinh thái của di sản thiên nhiên;
- Hoạt động phục hồi hệ sinh thái tự nhiên, bảo vệ, bảo tồn các giá trị của thiên nhiên và đa dạng sinh học của di sản thiên nhiên; thực hiện các giải pháp về bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên theo quy định của pháp luật;
- Nội dung khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
Bảo vệ môi trường đối với di sản thiên nhiên được thực hiện như thế nào?
Căn cứ tại khoản 7 Điều 21 Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định việc bảo vệ môi trường đối với di sản thiên nhiên được thực hiện như sau:
- Hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong vùng lõi của di sản thiên nhiên được kiểm soát như đối với vùng bảo vệ nghiêm ngặt theo quy định về phân vùng môi trường của pháp luật về bảo vệ môi trường; hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong vùng đệm của di sản thiên nhiên được kiểm soát như đối với vùng hạn chế phát thải theo quy định về phân vùng môi trường của pháp luật về bảo vệ môi trường;
- Các hệ sinh thái tự nhiên trong di sản thiên nhiên phải được ưu tiên bảo tồn và phục hồi nguyên trạng tự nhiên; môi trường đất, môi trường nước trong di sản thiên nhiên bị ô nhiễm, suy thoái phải được cải tạo, phục hồi;
- Các giá trị cốt lõi của thiên nhiên và đa dạng sinh học của di sản thiên nhiên phải được bảo vệ, bảo tồn nguyên vẹn; dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên của di sản thiên nhiên phải được duy trì, phát triển và sử dụng bền vững;
- Các chỉ số đặc trưng về địa chất, cảnh quan, sinh thái, đa dạng sinh học của di sản thiên nhiên phải được điều tra, đánh giá, theo dõi, giám sát, kiểm kê, báo cáo theo quy định;
- Tuân thủ các yêu cầu khác về bảo vệ môi trường, ngăn ngừa, kiểm soát các tác động tới môi trường, đa dạng sinh học di sản thiên nhiên theo quy định tại Nghị định này, các quy định của pháp luật có liên quan và quy định của các điều ước quốc tế về môi trường và đa dạng sinh học mà Việt Nam đã ký kết.
Trong trường hợp có nguy cơ khẩn cấp gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường di sản thiên nhiên, Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp, tạm thời nhằm giới hạn tổng lượng xả thải vào môi trường di sản thiên nhiên, trong đó xác định rõ khu vực áp dụng, thời gian áp dụng;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức xây dựng, phê duyệt dự án phục hồi môi trường của di sản thiên nhiên bị ô nhiễm, suy thoái môi trường theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.