Thân nhân liệt sỹ có được miễn giảm thuế về đất? Nguyên tắc thực hiện chế độ miễn giảm thuế đất cho thân nhân liệt sỹ ra sao?
- Thân nhân liệt sỹ gồm những ai? Người có công nuôi liệt sỹ có phải thân nhân liệt sỹ không?
- Thân nhân liệt sỹ có được miễn giảm thuế về đất?
- Nguyên tắc thực hiện ưu đãi miễn giảm thuế sử dụng đất cho thân nhân liệt sỹ?
- Các chế độ khác đối với thân nhân liệt sỹ bao gồm những gì?
- Hành vi nào bị cấm trong hoạt động ưu đãi cho thân nhân liệt sỹ?
Thân nhân liệt sỹ gồm những ai? Người có công nuôi liệt sỹ có phải thân nhân liệt sỹ không?
Căn cứ vào khoản 2 Điều 3 Pháp lệnh ưu đãi người có công với Cách mạng năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thân nhân liệt sỹ được xác định như sau:
Đối tượng hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng
...
2. Thân nhân của người có công với cách mạng bao gồm cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con (con đẻ, con nuôi), người có công nuôi liệt sĩ.
Như vậy, thân nhân liệt sỹ bao gồm:
- Cha, mẹ đẻ của liệt sỹ;
- Vợ hoặc chồng của liệt sỹ;
- Con để hoặc con nuôi của liệt sỹ;
- Người có công nuôi liệt sỹ.
Theo đó, khái niệm người có công nuôi liệt sỹ được quy định tại khoản 2 Điều 4 Pháp lệnh ưu đãi người có công với Cách mạng 2020 như sau:
Giải thích từ ngữ
...
2. Người có công nuôi liệt sĩ là người đã nuôi dưỡng khi liệt sĩ chưa đủ 18 tuổi và thời gian nuôi dưỡng từ 10 năm trở lên.
Thân nhân liệt sỹ có được miễn giảm thuế về đất? Nguyên tắc thực hiện chế độ miễn giảm thuế đất cho thân nhân liệt sỹ ra sao? (Hình từ Internet)
Thân nhân liệt sỹ có được miễn giảm thuế về đất?
Về chế độ ưu đãi thân nhân của người có công với cách mạng được quy định tại Điều 5 Pháp lệnh ưu đãi người có công với Cách mạng năm 2020 thì bên cạnh hưởng các chế độ trợ cấp, phụ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần, các chế độ ưu đãi chủ yếu,.. thì thân nhân liệt sỹ cũng sẽ được hưởng chế độ "miễn hoặc giảm thuế theo quy định của pháp luật".
Cụ thể theo điểm d khoản 3 Điều 105 Nghị định 131/2021/NĐ-CP, chế độ miễn giảm tiền sử dụng đất của thân nhân liệt sỹ được quy định như sau:
Chế độ giảm tiền sử dụng đất
...
3. Giảm 70% tiền sử dụng đất trong hạn mức giao đất ở khi Nhà nước giao đất ở, chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở, công nhận quyền sử dụng đất ở, khi được mua nhà ở thuộc sở hữu của Nhà nước đối với các đối tượng sau:
...
d) Thân nhân liệt sĩ.
Như vậy, thân nhân liệt sỹ khi được Nhà nước giao đất ở, chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở, công nhận quyền sử dụng đất ở, khi được mua nhà ở thuộc sở hữu của Nhà nước thì sẽ được hưởng chế độ giảm tiền thuế đất với mức giảm là 70%.
Nguyên tắc thực hiện ưu đãi miễn giảm thuế sử dụng đất cho thân nhân liệt sỹ?
Theo quy định tại Điều 106 Nghị định 131/2021/NĐ-CP, nguyên tắc miễn giảm tiền thuế đất được thực hiện như sau:
Nguyên tắc
1. Việc miễn, giảm tiền sử dụng đất quy định tại Điều 104 và Điều 105 Nghị định này được thực hiện quy định tại Điều 6 Pháp lệnh và theo nguyên tắc quy định tại pháp luật về thu tiền sử dụng đất.
2. Chế độ miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất đối với người có công chỉ áp dụng một lần cho một hộ gia đình và mức hỗ trợ tiền sử dụng đất được tính theo diện tích đất thực tế được giao nhưng tối đa không vượt quá định mức đất ở cho một hộ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.
3. Trường hợp một hộ gia đình có nhiều thành viên thuộc diện được ưu đãi thì mức hỗ trợ tối đa không vượt quá 100%.
4. Trường hợp người có công đồng thời là thân nhân liệt sĩ thì chỉ hưởng chế độ cao nhất của một đối tượng.
Các chế độ khác đối với thân nhân liệt sỹ bao gồm những gì?
Căn cứ nội dung quy định tại Điều 5 Pháp lệnh ưu đãi người có công với Cách mạng năm 2020, thân nhân liệt sỹ được hưởng các chế độ ưu đãi sau:
- Trợ cấp hằng tháng, phụ cấp hằng tháng, trợ cấp một lần;
- Bảo hiểm y tế;
- Điều dưỡng phục hồi sức khỏe;
- Cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng cần thiết theo chỉ định của cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng thuộc ngành lao động - thương binh và xã hội hoặc của bệnh viện tuyến tỉnh trở lên;
- Ưu tiên trong tuyển sinh, tạo việc làm;
- Hỗ trợ để theo học đến trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân;
- Hỗ trợ cải thiện nhà ở căn cứ vào công lao, hoàn cảnh của từng người hoặc khi có khó khăn về nhà ở;
- Miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất khi được Nhà nước giao đất ở, chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở, công nhận quyền sử dụng đất ở, khi được mua nhà ở thuộc sở hữu của Nhà nước;
- Ưu tiên giao hoặc thuê đất, mặt nước, mặt nước biển; ưu tiên giao khoán bảo vệ và phát triển rừng;
- Vay vốn ưu đãi để sản xuất, kinh doanh.
Hành vi nào bị cấm trong hoạt động ưu đãi cho thân nhân liệt sỹ?
Pháp lệnh ưu đãi người có công với Cách mạng năm 2020 quy định 04 hành vi bị nghiệm cấm trong lĩnh vực ưu đã cho người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng.
Nội dung này được cụ thể hóa tại Điều 7 Pháp lệnh ưu đãi người có công với Cách mạng năm 2020 như sau:
Những hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực ưu đãi người có công với cách mạng
1. Khai báo gian dối, giả mạo giấy tờ để hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng.
2. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền lợi của người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng.
3. Vi phạm nguyên tắc quản lý, sử dụng kinh phí bảo đảm thực hiện các chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa.
4. Lợi dụng việc thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, thân nhân của người có cộng với cách mạng để vi phạm pháp luật.
Theo đó, hành vi bị cấm trong lĩnh vực ưu đãi người có công với cách mạng bao gồm 4 hành vi nêu bên trên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.