Thẩm quyền giải quyết khiếu nại trong hoạt động tư pháp theo từng trường hợp thuộc về đơn vị nào?
- Thẩm quyền giải quyết khiếu nại trong tố tụng hình sự thuộc về đơn vị nào?
- Thẩm quyền giải quyết khiếu nại trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án hình sự, thi hành tạm giữ, tạm giam thuộc về đơn vị nào?
- Thẩm quyền giải quyết khiếu nại của Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp trong thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp thực hiện ra sao?
Viện trưởng VKSND tối cao vừa ký ban hành Quyết định 222/QĐ-VKSTC năm 2023 về Quy chế tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp.
Thẩm quyền giải quyết khiếu nại trong tố tụng hình sự thuộc về đơn vị nào?
Căn cứ khoản 1 Điều 11 Quy chế ban hành kèm Quyết định 222/QĐ-VKSTC năm 2023 quy định về thẩm quyền giải quyết khiếu nại trong tố tụng hình sự được thực hiện như sau:
- Theo quy định tại Chương về khiếu nại, tố cáo của Bộ luật Tố tụng hình sự, gồm:
+ Khiếu nại hành vi, quyết định tố tụng của người có thẩm quyền của Viện kiểm sát trong thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong tố tụng hình sự;
+ Khiếu nại hành vi, quyết định tố tụng trong việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam trong giai đoạn điều tra, truy tố;
+ Khiếu nại hành vi, quyết định tố tụng của Thủ trưởng Cơ quan điều tra, cấp trưởng cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra và các quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra đã được Viện kiểm sát phê chuẩn;
+ Khiếu nại kết quả giải quyết của Thủ trưởng Cơ quan điều tra đối với khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cán bộ điều tra, Điều tra viên, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra;
+ Khiếu nại kết quả giải quyết của cấp trưởng cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra đối với khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cấp phó, cán bộ điều tra.
*Thẩm quyền giải quyết khiếu nại trong thi hành án hình sự (khoản 4 Điều 11 Quy chế ban hành kèm Quyết định 222/QĐ-VKSTC năm 2023)
- Thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và Chương về khiếu nại, tố cáo của Luật Thi hành án hình sự, gồm:
+ Khiếu nại hành vi, quyết định quản lý, giáo dục phạm nhân của người được giao quản lý, giáo dục phạm nhân;
+ Khiếu nại hành vi, quyết định của người có thẩm quyền của Viện kiểm sát trong kiểm sát thi hành án hình sự.
Hiện nay, thẩm quyền giải quyết khiếu nại trong hoạt động tư pháp theo từng trường hợp thuộc về đơn vị nào? (Hình internet)
Thẩm quyền giải quyết khiếu nại trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án hình sự, thi hành tạm giữ, tạm giam thuộc về đơn vị nào?
*Thẩm quyền giải quyết khiếu nại trong tố tụng dân sự (theo khoản 2 Điều 11 Quy chế ban hành kèm Quyết định 222/QĐ-VKSTC năm 2023), được thực hiện:
- Theo quy định tại Chương về khiếu nại, tố cáo của Bộ luật Tố tụng dân sự gồm:
+ Khiếu nại hành vi, Quyết định tố tụng của người có thẩm quyền của Viện kiểm sát trong kiểm sát hoạt động tư pháp trong tố tụng dân sự, thủ tục phá sản.
*Thẩm quyền giải quyết khiếu nại trong tố tụng hành chính (theo khoản 3 Điều 11 Quy chế ban hành kèm Quyết định 222/QĐ-VKSTC năm 2023)
- Thực hiện theo quy định tại Chương về khiếu nại, tố cáo của Luật Tố tụng hành chính, gồm:
+ Khiếu nại hành vi, quyết định tố tụng của người có thẩm quyền của Viện kiểm sát trong kiểm sát hoạt động tư pháp trong tố tụng hành chính.
*Thẩm quyền giải quyết khiếu nại trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam (khoản 5 Điều 11 Quy chế ban hành kèm Quyết định 222/QĐ-VKSTC năm 2023) được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và Chương về khiếu nại, tố cáo của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, gồm: khiếu nại hành vi, quyết định của người có thẩm quyền trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam; khiếu nại hành vi, quyết định của người có thẩm quyền của Viện kiểm sát trong kiểm sát quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam.
*Thẩm quyền giải quyết khiếu nại trong kiểm sát thi hành án dân sự kiểm sát thi hành án hành chính, kiểm sát thi hành án theo thủ tục phá sản, kiểm sát thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân, kiểm sát thủ tục xem xét quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và pháp luật khác có liên quan. (khoản 6 Điều 11 Quy chế ban hành kèm Quyết định 222/QĐ-VKSTC năm 2023)
Thẩm quyền giải quyết khiếu nại của Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp trong thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp thực hiện ra sao?
Theo khoản 7 Điều 11 Quy chế ban hành kèm Quyết định 222/QĐ-VKSTC năm 2023 quy định:
- Thẩm quyền giải quyết khiếu nại của Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp trong thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp được quy định như sau:
+ Khiếu nại hành vi, quyết định của Kiểm tra viên, Kiểm sát viên, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát cấp nào do Viện trưởng Viện kiểm sát cấp đó giải quyết. Nếu người khiếu nại không đồng ý với kết quả giải quyết mà khiếu nại tiếp, thì Viện kiểm sát cấp trên có thẩm quyền giải quyết. Quyết định giải quyết của Viện kiểm sát cấp trên là quyết định giải quyết có hiệu lực pháp luật.
+ Khiếu nại hành vi, quyết định của Viện trưởng Viện kiểm sát cấp dưới do Viện kiểm sát cấp trên có thẩm quyền giải quyết. Quyết định giải quyết của Viện kiểm sát cấp trên là quyết định có hiệu lực pháp luật.
+ Trong mọi trường hợp, quyết định giải quyết khiếu nại của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao là quyết định có hiệu lực pháp luật.
Lưu ý: Thời hạn giải quyết khiếu nại trong hoạt động tư pháp được thực hiện theo quy định của pháp luật trong các lĩnh vực tương ứng.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.