TCVN 7958:2017 yêu cầu về biện pháp phòng chống mối bằng hệ thống trạm bả? Yêu cầu đối với hệ thống chống mối bằng biện pháp hàng rào thuốc như thế nào?

TCVN 7958:2017 yêu cầu về biện pháp phòng chống mối bằng hệ thống trạm bả có nội dung thế nào? chị Y.N - Bình Dương

TCVN 7958:2017 yêu cầu về biện pháp phòng chống mối bằng hệ thống trạm bả?

Tại tiểu mục 7.6 Mục 7 Tiêu chuẩn quốc gia bảo vệ công trình xây dựng - Phòng chống mối cho công trình xây dựng mới TCVN 7958:2017 yêu cầu về biện pháp chống mối bằng hệ thống trạm bả như sau:

- Mục đích

+ Tạo hệ thống kiểm soát mối ngay khi mối mới xuất hiện ở lân cận và trong công trình.

- Yêu cầu

Các trạm bả phải có hiệu quả nhử mối hoặc diệt mối trong thời gian tối thiểu là 3 tháng. Trạm bả phải có khả năng nhử được mối và diệt được tổ mối khi mối chỉ xâm nhập vào một trạm nhử.

Hệ thống trạm bả phòng chống mối phải được bố trí thành một lớp bên ngoài, một lớp bên trong. Lớp bên ngoài gồm tối thiểu một hàng xung quanh công trình kết hợp với các trạm bả độc lập tại các nơi mối thường cư trú.

Các trạm bả phải được đặt ở những nơi mối thường đi qua để xâm nhập vào công trình hoặc đi kiếm thức ăn trong công trình.

- Tiến hành

Lắp đặt lớp trạm bả bên ngoài: Đặt các trạm bả ở lớp bên ngoài thành hàng có khoảng cách giữa các trạm bả từ 1 m đến 5 m (trung bình là 2 m đến 3 m), cách tường móng công trình từ 0,3 m đến 0,6 m. Nếu công trình không thể hoặc khó lắp đặt trạm bả thì có thể lắp đặt xa hơn nhưng không quá 3 m tính từ chân công trình.

Các vị trí xung yếu như: nơi có đường ống kỹ thuật đi vào công trình, khe lún, gốc cây thân gỗ và gốc khóm cây cảnh trong dải rộng 3m cạnh chân tường cần được bố trí 2 đến 3 hàng trạm bả.

Lắp đặt các trạm bả độc lập: Dưới gốc cây thân gỗ, cạnh hoặc bên trong các công trình phụ trợ nằm trong khuôn viên công trình cần được đặt các trạm bả độc lập để hạn chế nguồn mối xâm nhập vào công trình.

Lắp đặt lớp trạm bả bên trong: Lớp trạm bả bên trong công trình được đặt vào trong thân, nền công trình ở những nơi mối thường hoạt động như: ở tầng trệt, tầng thượng (đối với công trình có trần bê tông, trồng cây trên sân thượng), cạnh khung cửa, cạnh trụ bê tông, cạnh cầu thang, cạnh hộp kỹ thuật, cạnh đường điện, bồn đất trồng cây. Khoảng cách các trạm bả này ở tầng trệt và tầng thượng cách nhau không gần dưới 5 m, không xa quá 10 m.

Phòng chống mối bằng hệ thống trạm bả được tiến hành sau khi hoàn thiện phần áo tường, trong quá trình hoàn thiện công trình. Trong trường hợp sử dụng hệ thống trạm bả phòng chống mối kết hợp với các biện pháp khác thì thi công các biện pháp khác trước, sau đó mới lắp đặt trạm bả.

Các trạm bả phải được kiểm tra định kỳ để khôi phục hệ thống trạm bả nếu bị vi phạm hoặc đặt bả nếu có mối xâm nhập, thời gian giữa các đợt kiểm tra tối đa không quá 3 tháng.

Khi xây dựng lớp trạm bả bên trong công trình, hạn chế lắp đặt trạm bả ở các vị trí ảnh hưởng đến mỹ quan công trình.

Có thể sử dụng một trong hai cách sau để phòng mối:

- Cách 1: Sử dụng trạm bả có sẵn thức ăn và bả, mối sẽ khai thác bả khi xâm nhập và khai thác thức ăn trong trạm bả.

- Cách 2: Sử dụng trạm nhử, định kỳ kiểm tra, khi phát hiện thấy mối khai thác mồi nhử thì đặt bả mối.

TCVN 7958:2017 yêu cầu về biện pháp phòng chống mối bằng hệ thống trạm bả? (Hình từ Internet)

Yêu cầu đối với hệ thống chống mối bằng biện pháp hàng rào thuốc như thế nào?

Tại tiểu mục 7.5 Mục 7 Tiêu chuẩn quốc gia bảo vệ công trình xây dựng - Phòng chống mối cho công trình xây dựng mới TCVN 7958:2017 yêu cầu về biện pháp chống mối bằng biện pháp hàng rào thuốc như sau:

- Mục đích

Tạo lớp ngăn cách, không cho mối xâm nhập từ ngoài vào trong công trình, từ nền lên thân công trình và ngược lại.

- Yêu cầu

Mối không đục xuyên qua được hàng rào.

- Tiến hành

+ Hàng rào ngầm phòng mối xung quanh tường móng

Tạo hỗn hợp thuốc với đất lập thành hàng rào phòng mối theo phương thẳng đứng bao quanh liên tục sát bên trong và bên ngoài tường móng công trình nhằm phòng chống mối xâm nhập từ ngoài vào trong và từ trong nền đi vào tường móng của công trình (còn gọi là hào ngăn mối).

Hàng rào phòng mối bên trong công trình phải rộng tối thiểu 30 cm và sâu tối thiểu 40 cm; hàng rào phòng mối bên ngoài phải rộng từ 40 cm đến 50 cm và sâu từ 60 cm đến 80 cm. Để hàng rào đủ kín, thành phần hạt của đất phải có đường kính dưới 8 cm, thành phần hạt có kích thước nhỏ hơn 0,2 mm trong đất phải lớn hơn 50% về khối lượng. Hỗn hợp đất thuốc phải được đầm chặt và có lớp bảo vệ ở bề mặt để tránh mưa nắng.

+ Hàng rào phòng mối mặt nền tầng trệt

Hỗn hợp thuốc phòng chống mối trộn với đất ở mặt nền tầng trệt tạo thành hàng rào ngăn mối theo phương nằm ngang phải dày tối thiểu 10 cm nhằm phòng chống mối cánh xâm nhập làm tổ hay mối xâm nhập từ dưới nền lên thân công trình. Để hàng rào đủ kín thành phần hạt của đất phải có đường kính dưới 3 cm, thành phần hạt có kích thước nhỏ hơn 0,2 mm trong đất phải lớn hơn 50% về khối lượng. Hỗn hợp đất thuốc phải được đầm chặt và có lớp bảo vệ ở bề mặt để tránh mưa, nắng.

Yêu cầu đối với hệ thống chống mối bằng hệ thống lưới thép không gỉ như thế nào?

Tại tiểu mục 7.3 Mục 7 Tiêu chuẩn quốc gia bảo vệ công trình xây dựng - Phòng chống mối cho công trình xây dựng mới TCVN 7958:2017 yêu cầu về biện pháp chống mối bằng hệ thống lưới thép không gỉ như sau:

- Mục đích

Tạo lớp ngăn cách, không cho mối xâm nhập từ nền lên thân công trình, từ thân công trình liền kề xâm nhập vào công trình cần bảo vệ.

- Yêu cầu

Mối không chui qua được lớp hệ thống lưới thép.

- Tiến hành

Chỉ sử dụng lưới thép chuyên dụng với độ bền không thấp hơn loại inox 304. Các sợi thép đan lưới phải có đường kính tối thiểu là 0,16 mm; cỡ lớn tối đa của mắt lưới là 0,72 mm × 0,49 mm.

Hệ thống lưới thép không gỉ được bố trí trong quá trình xây dựng công trình và phải tạo ra tấm ngăn liên tục giữa nền với thân công trình, giữa thân công trình này với thân công trình liền kề để phòng chống mối di chuyển từ nền lên thân công trình hoặc từ thân các công trình liền kề sang và ngược lại. Lưới thép không gỉ cũng có thể gắn kết với tấm bê tông mác 200 để tạo thành lớp ngăn cách liên tục. Không để lưới thép không gỉ tiếp xúc với các kim loại có thể gây ăn mòn tĩnh điện.

Các vị trí được bố trí lưới thép không gỉ bao gồm: mặt nền tầng trệt hoặc tầng hầm; bề mặt tường tiếp giáp với các công trình bên cạnh; các đường ống kỹ thuật đi xuyên qua tường và nền; tiếp giáp giữa chân tường với nền móng.

MỚI NHẤT
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

3,059 lượt xem
Tư vấn pháp luật mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào