Tặng quà Valentine có đòi lại được không? Nếu người được tặng không trả thì có quyền khởi kiện không?
Valentine là ngày nào? Tặng quà Valentine có được đòi lại không?
Valentine là ngày lễ được bắt nguồn từ châu Âu nhằm tôn vinh tình yêu. Vì lẽ đó mà Valentine còn được gọi là Ngày lễ tình yêu hay Ngày lễ tình nhân. Valentine được tổ chức vào ngày 14/02 hằng năm.
Vào ngày này, mọi người thường hay gửi tặng nhau những lời chúc tốt đẹp hoặc quà tặng để thể hiện tình yêu của mình. Thế nhưng quà valentine có được đòi lại không? Dưới góc độ pháp luật, hãy cùng tìm hiểu vấn đề này qua các quy định sau:
Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, quà là một loại tài sản và việc tặng quà Valentine được xem là một loại giao dịch dân sự. Trong đó:
- Nếu quà Valentine là động sản
Động sản có thể bao gồm các quà tặng sau: đồng hồ, túi xách, trang sức, quần áo, xe,...
Căn cứ theo quy định tại Điều 458 Bộ luật Dân sự 2015 về tặng cho động sản như sau:
Tặng cho động sản
1. Hợp đồng tặng cho động sản có hiệu lực kể từ thời điểm bên được tặng cho nhận tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Đối với động sản mà luật có quy định đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký.
Như vậy, trong trường hợp quà tặng Valentine là đồng hồ, túi xách, trang sức, quần áo,... thì những tài sản này sẽ thuộc về quyền sở hữu của người được tặng ngay tại thời điểm tặng cho. Người tặng sẽ không thể đòi lại quà đã tặng.
Đối với những tài sản cần phải đăng ký quyền sở hữu như xe máy, ô tô,... thì quyền sở hữu của người được nhận sẽ xác lập khi hoàn thành việc đăng ký. Do đó, nếu muốn đòi lại quà Valentine đã tặng, người tặng phải đòi lại quà trước thời điểm đăng ký, sau thời điểm này, quà đã tặng sẽ không thể lấy lại.
- Nếu quà Valentine là bất động sản
Theo quy định tại khoản 1 Điều 107 Bộ luật Dân sự 2015 thì bất động sản bao gồm:
+ Đất đai;
+ Nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai;
+ Tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà, công trình xây dựng;
+ Tài sản khác theo quy định của pháp luật.
Khi tặng quà Valentine là bất động sản, căn cứ vào quy định tại 459 Bộ Luật dân sự 2015 như sau:
Tặng cho bất động sản
1. Tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của luật.
2. Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký; nếu bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản.
Theo đó, tương tự như động sản, quà Valentine là bất động sản trong trường hợp phải đăng ký thì nó sẽ thuộc về người được tặng tại thời điểm đăng ký. Nếu là bất động sản không cần phải đăng ký thì tại thời điểm được tặng, người nhận quà đã trở thành chủ sở hữu và không thể đòi lại.
Điểm khác biệt giữa quà Valentine bất động sản và động sản là tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký.
- Nếu quà Valentine có kèm theo điều kiện
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 462 Bộ luật Dân sự 2015 về việc tặng cho tài sản có điều kiện, người tặng có quyền đòi lại quà trong trường hợp có yêu cầu bên nhận phải thực hiện nghĩa vụ sau khi nhận quà nhưng bên được tặng không thực hiện theo điều kiện mà bên tặng đề ra.
Tặng quà Valentine có được đòi lại không? Nếu người được tặng không trả thì có quyền khởi kiện không? (Hình từ Internet)
Người yêu ép tặng quà thì có đòi lại được không?
Căn cứ quy định tại Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự
1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.
Theo quy định trên, có đề cập đến việc một giao dịch dân sự có hiệu lực khi nó xuất phát từ sự tự nguyện của các chủ thể. Nếu không có điều kiện này thì giao dịch dân sự bị xem là vô hiệu.
Trong trường hợp người tặng quà bị ép buộc thì có thể thấy, điều kiện "tự nguyện" trong giao dịch dân sự không được đáp ứng, giao dịch dân sự sẽ vô hiệu.
Theo đó, Điều 127 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu do bị cưỡng ép như sau:
Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép
Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.
Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.
Đe dọa, cưỡng ép trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch dân sự nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của người thân thích của mình.
Như vậy, khi bị cưỡng ép tặng quà, việc tặng quà dưới góc độ pháp luật bị xem là vô hiệu và người tặng có quyền đòi trả lại những gì mình đã tặng.
Nếu người được tặng không trả lại quà thì có quyền khởi kiện không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 166 Bộ luật Dân sự 2015 về quyền đòi lại tài sản như sau:
Quyền đòi lại tài sản
1. Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền đòi lại tài sản từ người chiếm hữu; Người sử dụng tài sản; Người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật.
Như vậy, nếu thuộc những trường hợp quyền sở hữu vẫn chưa được xác lập cho người được tặng quà Valentine như đã phân tích ở những nội dung trên thì người tặng quà có quyền đòi lại quà đã tặng.
Khi đó, khởi kiện đòi tài sản được xem là một trong những phương thức để bảo về quyền sở hữu của người tặng theo quy định pháp luật.
Hồ sơ kiện đòi tài sản bao gồm: Đơn khởi kiện và các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.