Tăng lương công chức hơn 32% từ 1/7/2024 khi giữ chức vụ lãnh đạo và không giữ chức vụ lãnh đạo đúng không?
Tăng lương công chức hơn 32% từ 1/7/2024 khi giữ chức vụ lãnh đạo và không giữ chức vụ lãnh đạo?
Theo thông tin từ Cổng TTĐT Bộ Nội vụ và Quốc hội thông qua Nghị quyết 104/2023/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.
Theo đó, đáng chú ý, chính sách tiền lương mới sẽ quy định mức lương thấp nhất của khu vực công bằng mức lương thấp nhất bình quân vùng của khu vực doanh nghiệp.
Hiện nay lương khu vực doanh nghiệp chia làm 4 vùng:
- Vùng 1 là 4,68 triệu đồng/tháng;
- Vùng 2 là 4,16 triệu đồng/tháng;
- Vùng 3 là 3,64 triệu đồng/tháng
- Vùng 4 là 3,25 triệu đồng/tháng.
Như vậy, mức lương thấp nhất bình quân của khu vực doanh nghiệp hiện nay là hơn 3,9 triệu đồng.
Dự kiến cuối năm nay, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ trình Chính phủ phương án tăng lương lương tối thiểu vùng. Trong các phiên thảo luận tại Quốc hội vừa qua, nhiều đại biểu đề nghị tăng lương tối thiểu vùng đồng thời với lộ trình thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7/2024.
Vì vậy nếu lương tối thiểu vùng tăng thì mức lương thấp nhất bình quân của khu vực doanh nghiệp cũng sẽ tăng cao hơn mức 3,9 triệu đồng hiện nay.
Ngoài ra, chính sách tiền lương mới cũng mở rộng quan hệ tiền lương từ 1 - 2,34 - 10 hiện nay lên 1 - 2,68 - 12.
Theo đó, mức lương thấp nhất của công chức, viên chức sẽ tăng khá cao so với mức lương khởi điểm 3,5 triệu đồng của công chức, viên chức có trình độ trung cấp, hệ số lương 1,86 hiện nay.
Mức lương trung bình của công chức, viên chức cũng có mức khởi điểm tăng từ hệ số 2,34 lên 2,68. Hiện nay công chức, viên chức có trình độ đại học có mức lương khởi điểm hơn 4,2 triệu đồng/tháng.
Mức lương cao nhất của công chức, viên chức tương ứng với bậc 3 của chuyên gia cao cấp (bằng lương bộ trưởng) cũng được nới rộng từ hệ số 10 lên 12. Vì vậy, mức lương mới cao nhất của công chức, viên chức dự kiến cũng vượt khá xa con số 18 triệu đồng như hiện nay.
Ngoài mức lương cơ bản này, chế độ tiền lương mới còn sắp xếp lại các loại phụ cấp chiếm tối đa 30% tổng quỹ lương (trong đó có trường hợp cao hơn 30% hoặc thấp hơn 30%) và 10% tiền thưởng.
Bên cạnh đó, theo tinh thần tại Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018, khi cải cách tiền lương thì công chức giữ chức vụ lãnh đạo và không giữ chức vụ lãnh đạo đều áp dụng bảng lương theo vị trí việc làm và cơ cấu tiền lương mới gồm: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương). Bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).
Như vậy, nếu tính cả lương cơ bản, phụ cấp và tiền thưởng thì tiền lương trung bình của công chức, viên chức sau khi thực hiện cải cách tiền lương có thể tăng hơn 32% so với thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương (7,5 triệu đồng/tháng).
Tăng lương công chức cả 2 mức 32% và 7% khi cải cách tiền lương từ 01/7/2024 đúng không?
Như thông tin đã đề cập ở phần trên thì nếu tính cả lương cơ bản, phụ cấp và tiền thưởng thì tiền lương trung bình của công chức, viên chức sau khi thực hiện cải cách tiền lương có thể sẽ đặt mức tăng hơn 32% so với thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương.
Đối với mức tăng 7%, tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XV, Thủ tướng Chính phủ cho biết, từ năm 2025 trở đi, tiếp tục điều chỉnh tiền lương tăng bình quân 7%/năm đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang cho đến khi mức lương thấp nhất bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất vùng I của khu vực doanh nghiệp.
Tức là sau khi thực hiện cải cách tiền lương có bảng lương mới với mức lương tăng hơn so với hiện hành thì hàng năm công chức, viên chức vẫn được tăng bình quân lương thêm 7%.
Như vậy, từ 01/7/2024, tiền lương trung bình của công chức, viên chức sau khi thực hiện cải cách tiền lương tăng hơn 32% so với thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương.
Và từ năm 2025 trở đi, lương công chức viên chức sẽ được tăng bình quân 7%/năm cho đến khi mức lương thấp nhất bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất vùng I của khu vực doanh nghiệp.
Tuy nhiên, lưu ý rằng mức tăng 32% là mức tăng so với thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương chứ không phải lương công chức viên chức tăng 32%.
Các mức tăng trên là mức tăng bình quân và điều này không có nghĩa là tất cả lương công chức viên chức đều được tăng ở mức 32% và 7%.
Mức tăng cụ thể sẽ tùy thuộc vào chức vụ, chức danh nghề nghiệp của công chức viên chức trong bảng lương mới.
>> Xem thêm:
Chốt phương án, thời điểm tăng lương tối thiểu vùng 2024 6%
Tăng lương công chức hơn 32% từ 1/7/2024 khi giữ chức vụ lãnh đạo và không giữ chức vụ lãnh đạo? (Hình từ internet)
Lộ trình cụ thể tăng lương công chức theo Nghị quyết 27 và Nghị quyết 104 như thế nào?
Căn cứ tại Nghị quyết 104/2023/QH15 vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp Quốc hội thứ 6 Khóa XV.
Theo đó, tại Điều 3 Nghị quyết 104/2023/QH15 nêu rõ lộ trình cụ thể cải cách tiền lương 2024 như sau:
Về thực hiện chính sách tiền lương
1. Từ ngày 01 tháng 7 năm 2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (Nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương bảo đảm từ nguồn cải cách tiền lương tích lũy của ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và một phần bố trí trong dự toán chi cân đối ngân sách nhà nước); điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.
2. Đối với các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước ở Trung ương đang thực hiện cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù:
a) Từ ngày 01 tháng 01 năm 2024 đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2024: Mức tiền lương và thu nhập tăng thêm hằng tháng tính theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng theo cơ chế đặc thù bảo đảm không vượt quá mức tiền lương và thu nhập tăng thêm được hưởng tháng 12/2023 (không bao gồm phần tiền lương và thu nhập tăng thêm do điều chỉnh hệ số tiền lương ngạch, bậc khi nâng ngạch, nâng bậc năm 2024). Trường hợp tính theo nguyên tắc trên, nếu mức tiền lương và thu nhập tăng thêm năm 2024 theo cơ chế đặc thù thấp hơn mức tiền lương theo quy định chung thì chỉ thực hiện chế độ tiền lương theo quy định chung để bảo đảm quyền lợi cho người lao động.
b) Từ ngày 01 tháng 7 năm 2024: Bãi bỏ tất cả các cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù của các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước; áp dụng chế độ tiền lương, phụ cấp, thu nhập thống nhất. Không tiếp tục áp dụng cơ chế đặc thù hiện hành đối với phần kinh phí thường xuyên theo cơ chế quản lý tài chính đặc thù (chi hoạt động, tăng cường năng lực, hiện đại hóa, đảm bảo hoạt động chuyên môn,...) của các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước. Giao Chính phủ tổ chức thực hiện và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8.
3. Các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo nguồn cải cách chính sách tiền lương theo quy định. Cho phép tiếp tục loại trừ một số khoản thu khi tính số tăng thu ngân sách địa phương dành để cải cách tiền lương như quy định tại khoản 2 Điều 3 của Nghị quyết số 34/2021/QH15 ngày 13 tháng 11 năm 2021 của Quốc hội.
Như vậy, lộ trình cải cách tiền lương năm 2024 như sau:
- Từ 01/01/2024 - 30/6/2024: Vẫn tính theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng.
- Từ 01/7/2024: Thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW năm 2018, bỏ lương cơ sở, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.
>> Xem thêm: Tăng lương tối thiểu vùng 2024 lên 6%
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.