Sửa đổi, bổ sung quy định về chính sách quản lý dịch vụ phát thanh truyền hình từ ngày 01/01/2023?
Dịch vụ phát thanh, truyền hình là gì?
Căn cứ vào khoản 1 Điều 3 Nghị định 06/2016/NĐ-CP đã định nghĩa về dịch vụ phát thanh truyền hình như sau:
- Dịch vụ phát thanh, truyền hình là dịch vụ ứng dụng viễn thông để cung cấp nguyên vẹn các kênh chương trình trong nước, kênh chương trình nước ngoài và dịch vụ giá trị gia tăng trên hạ tầng kỹ thuật truyền dẫn phát sóng phát thanh, truyền hình đến người sử dụng. Dịch vụ phát thanh, truyền hình có thể được cung cấp trực tiếp đến người sử dụng dịch vụ không qua thiết bị lưu trữ, làm chậm (dịch vụ truyền hình trực tuyến) hoặc theo yêu cầu riêng biệt của thuê bao sử dụng dịch vụ (dịch vụ theo yêu cầu).
Sửa đổi, bổ sung quy định về chính sách quản lý dịch vụ phát thanh truyền hình từ ngày 01/01/2023?
Chính sách quản lý dịch vụ phát thanh, truyền hình hiện nay như thế nào?
Căn cứ vào Điều 5 Nghị định 06/2016/NĐ-CP quy định về chính sách quản lý dịch vụ phát thanh truyền hình hiện nay như sau:
Chính sách quản lý dịch vụ phát thanh, truyền hình
1. Phát triển dịch vụ phát thanh, truyền hình quảng bá trên toàn quốc theo công nghệ hiện đại để mọi người dân tiếp cận dễ dàng các kênh chương trình phát thanh, truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của quốc gia và của địa phương.
2. Phát triển thị trường dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền bền vững, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng nhằm huy động nguồn lực xã hội góp phần phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền và đáp ứng nhu cầu giải trí lành mạnh, đa dạng của người dân.
3. Tạo điều kiện thuận lợi để huy động, sử dụng các nguồn lực xã hội tham gia sản xuất các chương trình, kênh chương trình trong nước theo hình thức liên kết nhằm nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân; bảo vệ và phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa tốt đẹp của dân tộc, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
4. Quản lý việc cung cấp nội dung thông tin trên dịch vụ phát thanh, truyền hình theo quy định của pháp luật về báo chí; quản lý hạ tầng kỹ thuật truyền dẫn phát sóng phát thanh, truyền hình theo quy định của pháp luật về viễn thông; quản lý hoạt động dịch vụ phát thanh, truyền hình theo quy định tại Nghị định này.
5. Tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá hiệu quả nội dung thông tin, chất lượng dịch vụ phát thanh, truyền hình bằng các biện pháp kỹ thuật và các phương pháp thống kê, điều tra xã hội học hiện đại.
6. Tạo điều kiện thuận lợi cho Hiệp hội truyền hình trả tiền và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình hoạt động hiệu quả để góp phần thúc đẩy phát triển thị trường dịch vụ phát thanh, truyền hình phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Theo đó, việc quản lý dịch vụ phát thanh, truyền hình hiện nay được thực hiện theo 6 chính sách nêu trên.
Sửa đổi quy định về chính sách quản lý dịch vụ phát thanh truyền hình?
Tại khoản 3 Điều 1 Nghị định 71/2022/NĐ-CP đã sửa đổi quy định về chính sách quản lý dịch vụ phát thanh truyền hình như sau:
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 01 năm 2016 của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình
...
3. Điều 5 được sửa đổi, bổ sung như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 5 như sau:
“1. Phát triển dịch vụ phát thanh, truyền hình quảng bá trên toàn quốc bằng công nghệ hiện đại để mọi người dân dễ dàng tiếp cận các chương trình, kênh chương trình trong nước; triển khai phủ sóng truyền hình qua vệ tinh theo phương thức quảng bá tại các địa bàn khó khăn không có sóng truyền hình mặt đất để mọi người dân thu, xem được các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của quốc gia và của địa phương.”
b) Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 5 như sau:
“4. Quản lý việc cung cấp nội dung thông tin trên dịch vụ phát thanh, truyền hình theo quy định của pháp luật về báo chí, điện ảnh; quản lý hạ tầng kỹ thuật truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình theo quy định của pháp luật về viễn thông.
Quản lý hoạt động cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình tại Việt Nam, bao gồm cả dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng Internet cung cấp xuyên biên giới tới người sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam theo quy định tại Nghị định này và quy định của pháp luật liên quan.”
c) Sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 5 như sau:
“5. Kiểm tra, đánh giá hiệu quả nội dung thông tin, chất lượng dịch vụ phát thanh, truyền hình bằng việc ứng dụng công nghệ số, thực hiện lưu chiểu, đo lường khán thính giả, điều tra xã hội học, đo kiểm kỹ thuật.”
d) Bổ sung khoản 7 Điều 5 như sau:
“7. Duy trì hiện trạng cung cấp dịch vụ truyền hình cáp tương tự; chấm dứt cung cấp dịch vụ truyền hình cáp tương tự theo nhu cầu thị trường.”
Như vậy, trong thời gian tới thì sẽ tiến hành triển khai phủ sóng truyền hình qua vệ tinh theo phương thức quảng bá tại các địa bàn khó khăn để phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền.
Bên cạnh đó, trong thời gian tới sẽ bổ sung thêm quy định về chính sách quản lý dịch vụ phát thanh truyền hình, đó là duy trì hiện trạng cung cấp dịch vụ truyền hình cáp tương tự; chấm dứt cung cấp dịch vụ truyền hình cáp tương tự theo nhu cầu thị trường.
Nghị định 71/2022/NĐ-CP sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2023.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.