Sử dụng phân bón không có nguồn gốc xuất xứ bị phạt bao nhiêu tiền theo quy định mới từ 28/7/2023?
Sử dụng phân bón không có nguồn gốc xuất xứ bị phạt bao nhiêu tiền theo quy định mới từ 28/7/2023?
Căn cứ Nghị định 31/2023/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo từng chức danh đối với từng hành vi vi phạm hành chính về Trồng trọt.
Tại Điều 27 Nghị định 31/2023/NĐ-CP có quy định như sau:
Vi phạm quy định về sử dụng phân bón
1. Phạt cảnh cáo đối với hành vi sử dụng phân bón không đúng với nội dung hướng dẫn sử dụng ghi trên nhãn phân bón.
2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng phân bón không có nguồn gốc xuất xứ.
Đồng thời, căn cứ Điều 5 Nghị định 31/2023/NĐ-CP như sau:
Quy định về mức phạt tiền và thẩm quyền phạt tiền
1. Mức phạt tiền tối đa cho một hành vi vi phạm hành chính về trồng trọt (trừ phân bón) đối với cá nhân là 50.000.000 đồng.
2. Mức phạt tiền tối đa cho một hành vi vi phạm hành chính về phân bón đối với cá nhân là 100.000.000 đồng.
3. Mức phạt tiền quy định tại chương II, chương III của Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức có cùng một hành vi vi phạm hành chính gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
4. Thẩm quyền phạt tiền của các chức danh quy định tại chương IV của Nghị định này là thẩm quyền phạt tiền áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Thẩm quyền phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân.
Như vậy, theo quy định nêu trên thì mức phạt cho hành vi sử dụng phân bón không có nguồn gốc xuất xứ được xác định như sau:
- Trường hợp cá nhân vi phạm: Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng
- Trường hợp tổ chức vi phạm: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
Sử dụng phân bón không có nguồn gốc xuất xứ bị phạt bao nhiêu tiền theo quy định mới từ 28/7/2023? (Hình từ Internet)
Tổ chức, cá nhân sử dụng phân bón có những quyền và nghĩa vụ gì theo quy định hiện nay?
Căn cứ quy định tại Điều 54 Luật Trồng trọt 2018 như sau:
Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sử dụng phân bón
1. Tổ chức, cá nhân sử dụng phân bón có quyền sau đây:
a) Được cung cấp thông tin và hướng dẫn sử dụng phân bón;
b) Yêu cầu cơ sở mua bán phân bón hướng dẫn sử dụng phân bón theo đúng nội dung của nhãn phân bón;
c) Được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
2. Tổ chức, cá nhân sử dụng phân bón có nghĩa vụ sau đây:
a) Sử dụng phân bón theo đúng hướng dẫn ghi trên nhãn;
b) Sử dụng phân bón bảo đảm hiệu quả, an toàn cho người, vật nuôi, môi trường, an toàn thực phẩm theo nguyên tắc đúng loại đất, đúng loại cây, đúng liều lượng, đúng thời điểm, đúng cách.
3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng và phổ biến bộ tài liệu hướng dẫn sử dụng phân bón theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này.
Như vậy, theo quy định nêu trên thì hiện nay tổ chức, cá nhân sử dụng phân bón có 03 quyền và 02 nghĩa vụ theo nội dung quy định nêu trên.
Nghị định 31/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày nào?
Căn cứ quy định tại Điều 39 Nghị định 31/2023/NĐ-CP về hiệu lực thi hành như sau:
Hiệu lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28 tháng 7 năm 2023.
2. Nghị định này thay thế các quy định tại các văn bản sau đây:
a) Các nội dung quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, thời hiệu xử phạt, hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực giống cây trồng quy định từ Điều 1 đến Điều 18 Nghị định số 31/2016/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật;
b) Các nội dung quy định về thẩm quyền xử phạt, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng tại các Điều 32, 39 và 40 của Nghị định số 31/2016/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật;
c) Nghị định số 55/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón;
d) Các nội dung quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng tại khoản 7 Điều 1 Nghị định số 04/2020/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 31/2016/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật; Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.
Như vậy, theo nội dung quy định nêu trên thì Nghị định 31/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 28/7/2023.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.