So sánh phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại hợp đồng dưới góc độ của Luật Thương mại có những điểm gì giống và khác nhau?
Phạt vi phạm là gì? Điểm tương đồng giữa phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại trong Luật Thương mại là gì?
Căn cứ theo quy định tại Điều 300 Luật Thương mại 2005 có định nghĩa về phạt vi phạm như sau:
Phạt vi phạm là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thoả thuận, trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này.
Theo đó, có thể hiểu phạt vi phạm là việc bên vi phạm hợp đồng phải trả lại một khoản tiền cho bên bị vi phạm trong trường hợp đã có thỏa thuận trước đó trong hợp đồng thương mại.
Đối chiếu với quy định về bồi thường thiệt hại tại Luật Thương mại 2005, phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại có những điểm chung như sau:
- Đều là hình thức chế tài trong thương mại áp dụng đối với các chủ thể tham gia giao kết hợp đồng;
- Đều có căn cứ phát sinh trách nhiệm là hành vi vi phạm hợp đồng;
- Đều mang tính bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên;
- Đều được miễn trách nhiệm trong các trường hợp sau:
+ Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thoả thuận;
+ Xảy ra sự kiện bất khả kháng;
+ Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia;
+ Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng.
So sánh: Phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại hợp đồng dưới góc độ của Luật Thương mại ra sao? (Hình từ Internet)
Phân biệt phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại dưới góc độ của Luật Thương mại ra sao?
Căn cứ các quy định về phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại tại Điều 266 Luật Thương mại 2005, Điều 300 Luật Thương mại 2005, Điều 301 Luật Thương mại 2005, Điều 302 Luật Thương mại 2005, Điều 303 Luật Thương mại 2005.
Việc phân biệt phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại được thực hiện như sau:
Tiêu chí | Phạt vi phạm | Bồi thường thiệt hại |
Khái niệm | Là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thoả thuận | Là việc bên vi phạm bồi thường những tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra cho bên bị vi phạm. |
Căn cứ áp dụng | - Có sự thỏa thuận của các bên trong hợp đồng (Nếu hai bên không thỏa thuận thì sẽ không phát sinh) - Có hành vi vi phạm theo thỏa thuận trong hợp đồng - Không cần thiết phải có thiệt hại xảy ra | - Có hành vi vi phạm hợp đồng - Có thiệt hại thực tế - Hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại |
Mức phạt/Mức bồi thường | - Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng; - không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm. | Bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm. |
Mục đích | - Bảo vệ quyền lợi của cả hai bên - Ngăn ngừa, hạn chế các hành vi vi phạm hợp đồng có thể xảy ra - Tăng ý thức của các bên phải thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận | - Bảo vệ lợi ích bên bị vi phạm - Nhằm khôi phục, bù đắp những lợi ích vật chất bị mất của bên vi phạm |
Hoạt động thương mại phải tuân theo những nguyên tắc cơ bản nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 10 Luật Thương mại 2005, Điều 11 Luật Thương mại 2005, Điều 12 Luật Thương mại 2005, Điều 13 Luật Thương mại 2005, Điều 14 Luật Thương mại 2005, Điều 15 Luật Thương mại 2005. Các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động thương mại bao gồm:
(1) Nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật của thương nhân trong hoạt động thương mại
Thương nhân thuộc mọi thành phần kinh tế bình đẳng trước pháp luật trong hoạt động thương mại.
(2) Nguyên tắc tự do, tự nguyện thoả thuận trong hoạt động thương mại
- Các bên có quyền tự do thoả thuận không trái với các quy định của pháp luật, thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội để xác lập các quyền và nghĩa vụ của các bên trong hoạt động thương mại. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ các quyền đó.
- Trong hoạt động thương mại, các bên hoàn toàn tự nguyện, không bên nào được thực hiện hành vi áp đặt, cưỡng ép, đe doạ, ngăn cản bên nào.
(3) Nguyên tắc áp dụng thói quen trong hoạt động thương mại được thiết lập giữa các bên
Trừ trường hợp có thoả thuận khác, các bên được coi là mặc nhiên áp dụng thói quen trong hoạt động thương mại đã được thiết lập giữa các bên đó mà các bên đã biết hoặc phải biết nhưng không được trái với quy định của pháp luật.
(4) Nguyên tắc áp dụng tập quán trong hoạt động thương mại
Trường hợp pháp luật không có quy định, các bên không có thoả thuận và không có thói quen đã được thiết lập giữa các bên thì áp dụng tập quán thương mại nhưng không được trái với những nguyên tắc quy định trong Luật này và trong Bộ luật dân sự.
(5) Nguyên tắc bảo vệ lợi ích chính đáng của người tiêu dùng
- Thương nhân thực hiện hoạt động thương mại có nghĩa vụ thông tin đầy đủ, trung thực cho người tiêu dùng về hàng hoá và dịch vụ mà mình kinh doanh và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin đó.
- Thương nhân thực hiện hoạt động thương mại phải chịu trách nhiệm về chất lượng, tính hợp pháp của hàng hoá, dịch vụ mà mình kinh doanh.
(6) Nguyên tắc thừa nhận giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu trong hoạt động thương mại
Trong hoạt động thương mại, các thông điệp dữ liệu đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật thì được thừa nhận có giá trị pháp lý tương đương văn bản.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.