Sẽ bỏ quy định về tỷ lệ quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội đối với từng dự án tại Luật Nhà ở sửa đổi?
Quy định hiện nay về việc trích tỷ lệ quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội ra sao?
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 100/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 4 Điều 1 Nghị định 49/2021/NĐ-CP về quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị như sau:
Quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị
1. Trường hợp dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô sử dụng đất từ 2 ha trở lên tại các đô thị loại đặc biệt và loại I hoặc từ 5 ha trở lên tại các đô thị loại II và loại III phải dành 20% tổng diện tích đất ở trong các đồ án quy hoạch chi tiết được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật dành để xây dựng nhà ở xã hội.
Có thể thấy, theo quy định hiện nay thì đối với những dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô sử dụng đất từ 2 ha trở lên tại các đô thị loại đặc biệt và loại I hoặc từ 5 ha trở lên tại các đô thị loại II và loại III, chủ đầu tư phải trích 20% tổng diện tích đất ở để xây dựng nhà ở xã hội.
Trong trường hợp có sự thay đổi quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết của địa phương dẫn đến việc bố trí quỹ đất 20% không còn phù hợp thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận.
Sẽ bỏ quy định về tỷ lệ quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội đối với từng dự án tại Luật Nhà ở sửa đổi? (Hình từ Internet)
Sẽ bỏ quy định trích tỷ lệ quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội đối với từng dự án tại Luật Nhà ở sửa đổi?
Căn cứ theo nội dung tại Nghị quyết 27/NQ-CP năm 2023 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 02 năm 2023 do Chính phủ ban hành.
Tại Mục 5 Nghị quyết 27/NQ-CP năm 2023 về dự án Luật Nhà ở sửa đổi, Chính phủ yêu cầu bảo đảm các nội dung sau:
- Quy định các chính sách đối với nhà chung cư phù hợp với quy định Hiến pháp, thống nhất, đồng bộ với quy định của Bộ luật Dân sự, Luật Xây dựng và Luật Đất đai, bảo đảm hài hòa lợi ích người dân, Nhà nước và doanh nghiệp.
- Cần quy định linh hoạt Chương trình phát triển nhà ở cho địa phương, cắt giảm thủ tục hành chính để địa phương chủ động triển khai thực hiện. Quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc quy hoạch bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội trong quỹ đất xây dựng nhà ở của tỉnh, không quy định tỷ lệ diện tích đất dành cho nhà ở xã hội đối với từng dự án;
Có cơ chế hữu hiệu để huy động nguồn lực của khu vực tư nhân cho phát triển nhà ở xã hội, gắn trách nhiệm của chủ đầu tư trong xây dựng nhà ở xã hội, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021- 2030.
- Hoàn thiện quy định chủ đầu tư được bố trí quỹ đất riêng để xây dựng công trình kinh doanh thương mại dịch vụ trong phạm vi dự án nhà ở xã hội, về bố trí quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội, quy định trường hợp có 02 nhà đầu tư trở lên thì thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo pháp luật về đấu thầu, bảo đảm công bằng giữa các nhà đầu tư.
- Xác định giá bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội không phải do Nhà nước đầu tư xây dựng trên cơ sở tính đúng, tính đủ các chi phí hợp lý, hợp lệ của doanh nghiệp, lợi nhuận định mức và không tính các khoản ưu đãi của Nhà nước; thực hiện công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của các bên để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư.
- Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy định cho phép nhà đầu tư có quyền sử dụng đất ở hoặc đất khác (trừ đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp trả tiền thuê đất hàng năm) được thực hiện dự án nhà ở thương mại, phù hợp với quy hoạch khi có đủ điều kiện làm chủ đầu tư. Có chính sách sở hữu nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài gắn với đất thuê để phù hợp với thực tế.
- Để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa các Luật: Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, Đất đai và các luật chuyên ngành khác với Luật Công chứng. Rà soát kỹ lưỡng, bảo đảm nội dung dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi thống nhất, đồng bộ với các Luật: Đầu tư, Kinh doanh bất động sản, Đất đai, Xây dựng, Quản lý, sử dụng tài sản công,....
Như vậy, có thể thấy, trong nội dung của Luật Nhà ở sửa đổi sẽ không còn quy định về việc trích tỷ lệ quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội đối với từng dự án. Nội dung này nhằm mục đích linh hoạt, phù hợp với thực tiễn.
Đồng thời, Chính phủ cũng đề cập, trong quá trình hoàn thiện, chỉnh lý dự thảo Luật cần tăng cường tham vấn, lấy ý kiến rộng rãi đối tượng điều chỉnh, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp... để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự án Luật Nhà ở sửa đổi.
Chính phủ đánh giá thế nào về việc xây dựng dự án Luật Nhà ở sửa đổi?
Căn cứ Mục 5 Nghị quyết 27/NQ-CP năm 2023, đối với dự án Luật Nhà ở sửa đổi, Chính phủ đã có những đánh giá cao trong công tác thực hiện, cơ bản thống nhất về nội dung dự án Luật.
Cụ thể:
- Chính phủ thống nhất về sự cần thiết xây dựng dự án Luật nhằm cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc phát triển nhà ở;
- Việc xây dựng Luật Nhà ở sửa đổi góp phần khắc phục nhiều vướng mắc, bất cập phát sinh trong thực tiễn, nhất là về vấn đề sở hữu nhà chung cư, phát triển nhà ở xã hội...;
- Tạo điều kiện để phát triển thị trường nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, người nghèo, bảo đảm an sinh xã hội; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân trong việc thực hiện các chính sách, pháp luật về nhà ở.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.