Quy trình tiêm chủng an toàn vắc xin Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi trên cả nước?
Quy trình tổ chức buổi tiêm chủng vắc xin Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi đảm bảo an toàn?
Theo hướng dẫn tại tiểu mục 3 mục IV Công văn 947/VSDTTƯ-TCQG ngày 25/4/2022 về quy trình tổ chức buổi tiêm chủng vắc xin Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi đảm bảo an toàn như sau:
Quy trình tổ chức buổi tiêm chủng thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ, Thông tư 34/2018/TT-BYT ngày 12/11/2018 của Bộ Y tế và Quyết định 3588/QĐ-BYT ngày 26/07/2021 của Bộ Y tế về Hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng phòng COVID-19.
Bước 1: Tiếp nhận và phân loại đối tượng đến tiêm chủng tại nơi tiếp đón:
- Phát khẩu trang cho đối tượng tiêm chủng (nếu đối tượng không mang).
- Thực hiện đo thân nhiệt cho đối tượng tiêm chủng.
- Hướng dẫn, kiểm tra đối tượng tiêm chủng và người nhà đi cùng thực hiện khai báo y tế điện tử hoặc khai báo y tế bản giấy.
Đối với đối tượng chưa thực hiện đăng ký trước khi đến tiêm chủng, cơ sở tiêm chủng hướng dẫn người dân đăng ký trên hệ thống và theo dõi hướng dân từ hệ thống.
Bước 2: Hoàn thành phiếu đồng ý tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19:
Nhân viên y tế cung cấp phiếu đồng ý tiêm chủng vắc xin COVID-19 theo mẫu tại Phụ lục ban hành kèm theo văn bản Số 1535/BYT-DP ngày 28 tháng 03 năm 2022. Phiếu này cần được phát trước đó cùng với khi gửi thông báo/thư mời. Cha/mẹ/người giám hộ của trẻ điền thông tin và ký vào phiếu đồng ý tiêm chủng trước khi sàng lọc.
Bước 3: Khám sàng lọc và tư vấn trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19
Thực hiện khám sàng lọc cho trẻ em trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 theo Quyết định số 2470/QĐ-BYT ngày 14/6/2019 về việc Hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng; Quyết định Số 5002/QĐ-BYT ngày 29/10/2021 về Hướng dẫn sửa đổi, bổ sung Hướng dẫn Khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 đối với trẻ em và Văn bản số 1848/BYT-DP ngày 13/4/2022 về việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người đã mắc COVID-19.
Nhân viên y tế thực hiện khám sàng lọc phải có trình độ từ Y sĩ trở lên và đã được tập huấn chuyên môn về về khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em.
Sử dụng bảng kiểm khám sàng lọc ban hành theo Quyết định Số 5002/QĐ-BYT ngày 29/10/2021 (phụ lục 3)
- Xác định tên, tuổi địa chỉ đối tượng tiêm chủng. Họ tên người giám hộ và số điện thoại liên hệ khi cần thiết
- Hỏi tiền sử và các thông tin có liên quan: vì đối tượng tiêm chủng là trẻ em nên các nội dung này có thể hỏi cha mẹ/phụ huynh học sinh/người giám hộ hoặc thầy cô giáo.
- Đo thân nhiệt, đếm mạch, nghe tim, phổi...
- Kết luận sau khi khám sàng lọc
+ Chỉ định tiêm chủng ngay cho những trường hợp đủ điều kiện nếu trẻ không thuộc nhóm đối tượng hoãn tiêm và chống chỉ định.
+ Trì hoãn tiêm chủng đối với trường hợp: đang mắc bệnh cấp tính, mãn tính tiến triển. Đối với trẻ đã mắc COVID-19, trì hoãn tiêm chủng sau khi mắc bệnh 3 tháng.
+ Chuyển tiêm đến khám sàng lọc, tiêm chủng tại bệnh viện đối với trường hợp: mắc bệnh bẩm sinh, bệnh mãn tính ở tim, phổi, hệ thống tiêu hóa, tiết niệu, máu...; nghe tim phổi bất thường; có tiền sử phản vệ độ 3 với bất kỳ nguyên nhân gì;
+ Chống chỉ định tiêm chủng đối với trường hợp: Có tiền sử rõ ràng phản vệ với vắc xin phòng COVID-19 lần trước hoặc các thành phần của vắc xin phòng COVID-19.
+ Thận trọng khi tiêm chủng đối với trường hợp: có tiền sử dị ứng với bất kỳ dị nguyên nào; rối loạn tri giác, rối loạn hành vi.
- Tư vấn trước tiêm chủng các nội dung sau:
+ Thông báo về loại vắc xin phòng COVID-19 được tiêm chủng lần này, tác dụng và lợi ích của việc sử dụng vắc xin và những sự cố bất lợi có thể gặp sau tiêm chủng.
+ Hướng dẫn cách theo dõi sức khỏe sau khi tiêm chủng theo các nội dung trong Hướng dẫn người được tiêm chủng/người giám hộ theo dõi sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 (phụ lục Ban hành kèm theo Quyết định số 3588/QĐ-BYT ngày 26 tháng 07 năm 2021 của Bộ Y tế).
+ Hướng dẫn các đối tượng tiêm chủng sau khi tiêm vắc xin vẫn phải thực hiện thông điệp 5K.
+ Nhắc đối tượng tiêm chủng/người giám hộ giữ phiếu xác nhận đã tiêm chủng, tải ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử /PC-Covid và đăng ký tài khoản trên ứng dụng để theo dõi lịch sử tiêm chủng vắc xin COVID-19 và chủ động khai báo về sự cố bất lợi sau tiêm chủng.
Bước 4: Thực hiện tiêm chủng
Thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho đối tượng theo đúng chỉ định, bảo đảm an toàn theo quy định tại Điều 11 Thông tư số 34/2018/TT-BYT ngày 12/11/2018 của Bộ Y tế.
Bảo quản vắc xin trong buổi tiêm chủng: Vắc xin phải được bảo quản trong dây chuyền lạnh (tủ lạnh/hòm lạnh/phích vắc xin) ở nhiệt độ từ +2°C đến +8°C. Tại bàn tiêm chủng bảo quản vắc xin trong phích vắc xin.
Thực hành tiêm chủng: Sử dụng vắc xin theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất đã được Bộ Y tế phê duyệt cho lứa tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi:
- Vắc xin Comirnaty: Liều lượng 0,2ml, tiêm bắp. Lịch tiêm gồm 2 mũi cách nhau 4 tuần.
- Vắc xin Moderna: Liều lượng 0,25ml, tiêm bắp. Lịch tiêm gồm 2 mũi cách nhau 4 tuần.
*Lưu ý:
- Sử dụng cùng loại vắc xin để tiêm đủ 2 mũi cho 1 đối tượng.
Ghi chép thông tin sau khi tiêm vắc xin:
- Ghi các thông tin (số liều, ngày tiêm) vào danh sách/phần mềm quản lý đối tượng được tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.
- “Giấy xác nhận tiêm đã tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ” theo mẫu quy định tại phụ lục 5.
Bước 5: Theo dõi sự cố bất lợi sau tiêm chủng:
- Tại các điểm tiêm chủng cần phân công nhân viên y tế chịu trách nhiệm theo dõi, xử trí các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng.
- Chuẩn bị hộp thuốc cấp cứu phản vệ tại mỗi bàn tiêm, trang thiết bị y tế và cấp cứu phản vệ tại điểm tiêm chủng. Lưu ý kiểm tra thường xuyên hạn sử dụng của thuốc.
- Mỗi bàn tiêm: Chuẩn bị sẵn 01 Bơm tiêm có chứa dung dịch Adrenalin 1mg/1ml (rút sẵn 1ml thuốc Adrenalin 1mg/1ml vào bơm tiêm gắn sẵn kim, đậy kín kim tiêm bằng nắp). Kết thúc buổi tiêm chủng nếu không sử dụng đến cần phải hủy bỏ bơm tiêm có chứa dung dịch Adrenalin 1mg/1ml.
- Có sẵn phương án phân công cụ thể người hỗ trợ cấp cứu, đội cấp cứu lưu động, phương tiện vận chuyển bệnh nhân khi cần thiết.
- Theo dõi người được tiêm chủng ít nhất 30 phút sau tiêm chủng tại điểm tiêm chủng. Sau khi kết thúc thời gian theo dõi sau tiêm chủng, cơ sở tiêm chủng cung cấp giấy xác nhận đã tiêm vắc xin cho đối tượng tiêm chủng và hẹn ngày tiêm chủng lần sau.
Quy trình tiêm chủng an toàn vắc xin Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi trên cả nước?
Bảo quản vắc xin Covid-19 sau mỗi buổi tiêm như thế nào?
Theo hướng dẫn tại tiểu mục 4 mục IV Công văn 947/VSDTTƯ-TCQG ngày 25/4/2022 về những việc cần làm sau khi kết thúc buổi tiêm chủng như sau:
Bảo quản những lọ vắc xin chưa mở trong hộp riêng trong dây chuyền lạnh ở nhiệt độ từ +2°C đến +8°C, ưu tiên sử dụng trước trong buổi tiêm chủng sau.
Quản lý chất thải y tế trong tiêm phòng vắc xin phòng COVID-19 theo qui định tại Văn bản số 102/MT-YT ngày 04/3/2021 của Cục Quản lý Môi trường Y tế.
Cập nhật dữ liệu tiêm chủng trên nền tảng quản lý tiêm chủng vắc xin Covid-19?
Theo hướng dẫn tại tiểu mục 5 mục IV Công văn 947/VSDTTƯ-TCQG ngày 25/4/2022 về chế độ ghi chép, báo cáo sau khi kết thúc tiêm chủng như sau:
Dữ liệu tiêm chủng cá nhận được cập nhật trên nền tảng quản lý tiêm chủng vắc xin COVID-19.
Báo cáo kết quả triển khai hàng ngày tại các tuyến:
Các cơ sở tiêm chủng báo cáo số mũi tiêm đã thực hiện, trường hợp phản ứng thông thường và danh sách tai biến nặng sau tiêm chủng (Phụ lục 6b) và gửi báo cáo Trung tâm Y tế huyện trước 16 giờ 30 hàng ngày.
Trung tâm Y tế huyện rà soát và gửi tuyến tỉnh trước 17 giờ 00. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh hoàn thành rà soát số liệu và gửi báo cáo các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur trước 17 giờ 30.
Các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur hoàn thành rà soát số liệu và gửi Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) trước 18 giờ 00.
Báo cáo kết thúc đợt tiêm:
Gửi báo cáo bằng văn bản lên tuyến trên trong vòng 5 ngày sau khi kết thúc triển khai mỗi đợt tiêm chủng
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.