Quy trình thực hiện thủ tục tại văn phòng công chứng quận 10 ra sao? Văn phòng công chứng được đặt tên như thế nào?
Quy trình thực hiện thủ tục tại văn phòng công chứng quận 10 ra sao?
Quận 10 chính là nút giao trung tâm của Thành phố Hồ Chí Minh và là một trong những trọng điểm kinh tế quan trọng của thành phố. Trên địa bàn quận 10 nói riêng và địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh nói chung có rất nhiều văn phòng công chứng và phòng công chứng đang hoạt động và cung cấp dịch vụ pháp lý.
Tham khảo một số văn phòng công chứng trên địa bàn khu vực Quận 10 (gọi tắt là văn phòng công chứng Quận 10) như sau:
Văn phòng công chứng Nguyễn Lê Nghĩa (tên cũ là văn phòng công chứng quận 10)
Địa chỉ: 519 Lê Hồng Phong, Phường 02, quận 10, TP Hồ Chí Minh.
Văn phòng công chứng Đồng Thị Hạnh
Đại chỉ: 380 Ngô Gia Tự, Phường 4, quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh
Văn phòng công chứng Mai Việt Cường
Địa chỉ: 236 Cao Thắng, Phường 12, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh
Văn phòng công chứng Lê Kim Thanh
Địa chỉ: 335 Tô Hiến Thành, Phường 13, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh
Có thể tham khảo quy trình thực hiện thủ tục tại văn phòng công chứng quận 10 như sau:
Bước 1: Người yêu cầu công chứng cần xác định rõ các vấn đề/ thủ tục cần công chứng. Sau đó liên hệ trực tiếp đến văn phòng công chứng quận 10 để nhận được tư vấn về các giấy tờ, thủ tục và quy trình giải quyết vấn đề.
Bước 2: Chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ công chứng theo hướng dẫn. Tốt nhất là mỗi loại giấy tờ đều nên photo để nộp cho công tố viên. Đặc biệt đối với các tờ khai, kết hôn, giấy báo tử cần có mộc của địa phương. Và nhớ là mang theo bản gốc để đối chiếu. Đem đến nộp tại phòng tiếp nhận hồ sơ theo chỉ dẫn.
Bước 3: Công chứng viên tiếp nhận hồ sơ và kiểm tra tính xác thực. Nếu thấy đủ điều kiện thì sẽ thu nhận các bản photo và ghim thành 1 bộ lưu trữ. Còn nếu hồ sơ thiếu hoặc chưa đúng sẽ yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung thêm.
Bước 4: Ngay sau khi đã có hồ sơ hoàn chỉnh, bộ phận nghiệp vụ sẽ tiến hành soạn thảo hợp đồng giao dịch. Sau khi soạn thảo xong, hợp đồng sẽ được chuyển sang bộ phận thẩm định để rà soát lại nội dung, kỹ thuật và chuyển cho các bên đọc lại.
Bước 5: Các bên có liên quan sẽ được hướng dẫn để ký/ điểm chỉ vào từng trang của hợp đồng. Sau đó, bản hợp đồng sẽ được chuyển sang bộ phận đóng dấu, lưu hồ sơ và trả hồ sơ.
Bước 6: Người yêu cầu công chứng sẽ phải nộp lệ phí công chứng theo quy định. Nhận lại các bản hợp đồng, giao dịch và những gì đã được công chứng.
Quy trình thực hiện thủ tục tại văn phòng công chứng quận 10 ra sao?(Hình từ Internet)
Văn phòng công chứng được đặt tên như thế nào?
Tại Điều 22 Luật Công chứng 2014 có quy định:
Văn phòng công chứng
1. Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đối với loại hình công ty hợp danh.
Văn phòng công chứng phải có từ hai công chứng viên hợp danh trở lên. Văn phòng công chứng không có thành viên góp vốn.
2. Người đại diện theo pháp luật của Văn phòng công chứng là Trưởng Văn phòng. Trưởng Văn phòng công chứng phải là công chứng viên hợp danh của Văn phòng công chứng và đã hành nghề công chứng từ 02 năm trở lên.
3. Tên gọi của Văn phòng công chứng phải bao gồm cụm từ “Văn phòng công chứng” kèm theo họ tên của Trưởng Văn phòng hoặc họ tên của một công chứng viên hợp danh khác của Văn phòng công chứng do các công chứng viên hợp danh thỏa thuận, không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của tổ chức hành nghề công chứng khác, không được vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.
4. Văn phòng công chứng phải có trụ sở đáp ứng các điều kiện do Chính phủ quy định.
Văn phòng công chứng có con dấu và tài khoản riêng, hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính bằng nguồn thu từ phí công chứng, thù lao công chứng và các nguồn thu hợp pháp khác.
5. Văn phòng công chứng sử dụng con dấu không có hình quốc huy. Văn phòng công chứng được khắc và sử dụng con dấu sau khi có quyết định cho phép thành lập. Thủ tục, hồ sơ xin khắc dấu, việc quản lý, sử dụng con dấu của Văn phòng công chứng được thực hiện theo quy định của pháp luật về con dấu.
Như vậy, văn phòng công chứng phải đặt tên như sau:
Tên gọi của Văn phòng công chứng phải bao gồm:
Cụm từ “Văn phòng công chứng” kèm theo họ tên của Trưởng Văn phòng hoặc họ tên của một công chứng viên hợp danh khác của Văn phòng công chứng.
Họ tên của một công chứng viên hợp danh khác của Văn phòng công chứng do các công chứng viên hợp danh thỏa thuận, không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của tổ chức hành nghề công chứng khác, không được vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Ví dụ: Văn phòng công chứng Lê Kim Thanh.
Quyền của tổ chức hành nghề công chứng được quy định ra sao?
Căn cứ theo quy định tại Điều 32 Luật Công chứng 2014 sửa đổi tại khoản 9 Điều 73 Luật Giá 2023 có quy định về quyền của tổ chức hành nghề công chứng như sau:
- Ký hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động với công chứng viên quy định tại điểm a và điểm c khoản 1 Điều 34 Luật Công chứng 2014 và các nhân viên làm việc cho tổ chức mình.
- Thu phí công chứng, giá dịch vụ theo yêu cầu liên quan đến việc công chứng, chi phí khác.
- Cung cấp dịch vụ công chứng ngoài ngày, giờ làm việc của cơ quan hành chính nhà nước để đáp ứng nhu cầu công chứng của nhân dân.
- Được khai thác, sử dụng thông tin từ cơ sở dữ liệu công chứng quy định tại Điều 62 Luật Công chứng 2014.
- Các quyền khác theo quy định của Luật Công chứng 2014 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Mức trần thù lao công chứng tại Thành phố Hồ Chí Minh 2024 là bao nhiêu?
Tại Điều 4 Quy định mức trần thù lao công chứng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh ban hành kèm theo Quyết định 08/2016/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh có quy định về mức trần thù lao công chứng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh như sau:
Chi tiết mức trần thù lao công chứng tại đây Tải về
Tại Luật Giá 2023 đã sửa đổi Điều 67 Luật Công chứng 2014 về thù lao công chứng thành giá dịch vụ theo yêu cầu liên quan đến việc công chứng như sau:
- Người yêu cầu công chứng phải trả giá dịch vụ theo yêu cầu liên quan đến việc công chứng khi yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng thực hiện việc soạn thảo hợp đồng, giao dịch, đánh máy, sao chụp, dịch giấy tờ, văn bản và các việc khác liên quan đến việc công chứng.
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh định giá tối đa đối với dịch vụ theo yêu cầu liên quan đến việc công chứng áp dụng đối với các tổ chức hành nghề công chứng tại địa phương. Tổ chức hành nghề công chứng xác định giá cụ thể đối với từng loại việc không vượt quá mức giá tối đa do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành và niêm yết công khai các mức giá tại trụ sở của mình.
Tổ chức hành nghề công chứng thu giá dịch vụ theo yêu cầu liên quan đến việc công chứng cao hơn mức giá tối đa và mức giá đã niêm yết thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.
- Tổ chức hành nghề công chứng có trách nhiệm giải thích rõ cho người yêu cầu công chứng về giá dịch vụ theo yêu cầu liên quan đến việc công chứng.
Như vậy, từ 01/7/2024 (ngày Luật Giá 2023 phát sinh hiệu lực) thì quy định về thù lao công chứng sẽ chuyển thành giá dịch vụ theo yêu cầu liên quan đến việc công chứng.
Do đó, từ 01/01/2024 đến trước 01/7/2024 quy định về thù lao công chứng tại Thành phố Hồ Chí Minh vẫn được áp dụng theo quy định hiện hành tại Quyết định 08/2016/QĐ-UBND. Tuy nhiên, từ 01/7/2024 có thể sẽ có quy định mới quy định thay thế thù lao công chứng thành giá dịch vụ theo yêu cầu liên quan đến việc công chứng.
Luật Giá 2023 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2024, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 74 Luật Giá 2023.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.