Quy trình dừng xe và lập biên bản hoặc ra quyết định xử phạt tại chỗ của Cảnh sát giao thông mới nhất 2023 như thế nào?
Cảnh sát giao thông được dừng xe kiểm tra trong trường hợp nào?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 16 Thông tư 65/2020/TT-BCA, Cảnh sát giao thông được dừng xe kiểm tra trong 4 trường hợp sau đây:
- Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi thu được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác;
- Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
- Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện giao thông để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện giao thông dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp;
- Tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố cáo của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Quy trình dừng xe và lập biên bản hoặc ra quyết định xử phạt tại chỗ của Cảnh sát giao thông mới nhất 2023 như thế nào? (Hình từ internet)
Quy trình dừng xe và lập biên bản hoặc ra quyết định xử phạt tại chỗ của Cảnh sát giao thông mới nhất 2023 như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Mục 2 Chương III Thông tư 65/2020/TT-BCA được bổ sung bởi khoản 2 Điều 4 Thông tư 15/2022/TT-BCA , quy trình dừng xe và lập biên bản hoặc ra quyết định xử phạt tại chỗ của Cảnh sát giao thông được thực hiện theo các bước như sau:
Bước 1: Ra hiệu lệnh dừng phương tiện giao thông (Điều 17 Thông tư 65/2020/TT-BCA) được thực hiện thông qua một trong các tín hiệu hoặc kết hợp đồng thời các tín hiệu sau
- Gậy chỉ huy giao thông, còi, loa, tín hiệu ưu tiên của phương tiện giao thông tuần tra, kiểm soát;
- Các tín hiệu khác theo quy định của pháp luật, gồm: Biển báo hiệu, cọc tiêu, hàng rào chắn.
- Khi kiểm soát tại Trạm Cảnh sát giao thông hoặc tại một điểm trên đường giao thông: Cảnh sát giao thông lựa chọn vị trí phù hợp, đứng nghiêm, hướng về phía phương tiện giao thông cần kiểm soát, phát hiệu lệnh dừng phương tiện giao thông ở khoảng cách bảo đảm an toàn; tay phải cầm gậy chỉ huy giao thông đưa lên và chỉ vào phương tiện giao thông cần kiểm soát, đồng thời thổi hồi còi dứt khoát, hướng dẫn người điều khiển phương tiện giao thông cần kiểm soát dừng vào vị trí phù hợp để kiểm soát.
Bước 2: Chào theo Điều lệnh Công an nhân dân hoặc chào bằng lời nói
Căn cứ tại khoản 2 Điều 18 Thông tư 65/2020/TT-BCA, Cảnh sát giao thông thực hiện động tác chào theo Điều lệnh Công an nhân dân hoặc chào bằng lời nói: “Chào ông, bà, anh, chị…” (trừ trường hợp biết trước người đó thực hiện hành vi có dấu hiệu của tội phạm, phạm tội quả tang, đang có lệnh truy nã), sau đó nói lời: “Yêu cầu ông, bà, anh, chị... cho chúng tôi kiểm soát các giấy tờ có liên quan và kiểm soát phương tiện giao thông”.
Bước 3: Đề nghị người điều khiển phương tiện giao thông xuống phương tiện và xuất trình các giấy tờ:
Tại khoản 1 Điều 18 Thông tư 65/2020/TT-BCA, khi phương tiện giao thông cần kiểm soát đã dừng đúng vị trí theo hướng dẫn, Cảnh sát giao thông được phân công làm nhiệm vụ kiểm soát đứng ở vị trí phù hợp, an toàn, thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, xuống phương tiện và xuất trình các giấy tờ có liên quan theo quy định.
Liên hệ tại Điều 8 Thông tư 65/2020/TT-BCA, Cảnh sát giao thông được kiểm soát người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ, giấy tờ của người điều khiển phương tiện giao thông, giấy tờ của phương tiện giao thông và giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện giao thông đang kiểm soát theo quy định.
Bước 4: Thông báo lý do kiểm soát và tiến hành kiểm soát:
Căn cứ tại khoản 3 Điều 18 Thông tư 65/2020/TT-BCA, khi tiếp nhận được các giấy tờ (nếu có), Cảnh sát giao thông thông báo cho người điều khiển phương tiện giao thông và những người trên phương tiện giao thông biết lý do kiểm soát, sau đó thực hiện kiểm soát như sau:
- Kiểm soát các giấy tờ có liên quan đến người và phương tiện giao thông, gồm:
+ Giấy phép lái xe;
+ Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ, Bằng hoặc Chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng;
+ Giấy đăng ký xe;
+ Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới, xe máy chuyên dùng (đối với loại xe có quy định phải kiểm định);
+ Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và các giấy tờ khác có liên quan theo quy định của pháp luật;
- Kiểm soát các điều kiện tham gia giao thông của phương tiện giao thông:
+ Thực hiện kiểm soát theo trình tự từ trước ra sau, từ trái qua phải, từ ngoài vào trong, từ trên xuống dưới;
+ Kiểm soát hình dáng, kích thước bên ngoài, màu sơn, biển số phía trước, phía sau và hai bên thành phương tiện giao thông theo quy định;
+ Kiểm soát điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng;
- Kiểm soát việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động vận tải đường bộ.
Bước 5: Thông báo lỗi vi phạm:
Sau khi kiểm soát xong, cán bộ Cảnh sát giao thông báo cáo Tổ trưởng về kết quả kiểm soát, thông báo cho người điều khiển phương tiện giao thông, những người trên phương tiện giao thông biết kết quả kiểm soát, hành vi vi phạm (nếu có), biện pháp xử lý.
Tiếp theo, nói lời: “Cảm ơn ông, bà, anh, chị,… đã hợp tác với lực lượng Cảnh sát giao thông để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông”.
*Lưu ý:
- Đối với phương tiện giao thông chở người từ 10 chỗ ngồi trở lên, trực tiếp lên khoang chở người để thực hiện kiểm soát và thông báo kết quả kiểm soát.
- Khi có căn cứ cho rằng trong người tham gia giao thông, phương tiện vận tải, đồ vật có cất giấu tang vật, phương tiện, tài liệu được sử dụng để vi phạm hành chính thì được khám người, khám phương tiện vận tải, đồ vật theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính.
- Trường hợp phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.
Bước 6: Lập biên bản hoặc ra quyết định xử phạt tại chỗ:
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 56 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, Cảnh sát giao thông xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản được áp dụng trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức và người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ.
Trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ thì phải lập biên bản.
Biên bản vi phạm hành chính gồm có những nội dung chủ yếu nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi bởi khoản 29 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 quy định như sau:
Lập biên bản vi phạm hành chính
...
3. Biên bản vi phạm hành chính có nội dung chủ yếu sau đây:
a) Thời gian, địa điểm lập biên bản;
b) Thông tin về người lập biên bản, cá nhân, tổ chức vi phạm và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan;
c) Thời gian, địa điểm xảy ra vi phạm; mô tả vụ việc, hành vi vi phạm;
d) Lời khai của người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm, người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại;
đ) Biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính;
e) Quyền và thời hạn giải trình.
...
Theo đó, biên bản vi phạm hành chính gồm có những nội dung chủ yếu nêu trên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.