Quy trình coi thi nghe, đọc, viết trong bài đánh giá năng lực tiếng Việt thực hiện như thế nào?
Những đơn vị, tổ chức nào được tổ chức thi đánh giá năng lực tiếng Việt?
Căn cứ Điều 5 Quy chế thi đánh giá năng lực tiếng Việt theo Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài ban hành kèm theo Thông tư 27/2021/TT-BGDĐT quy định đơn vị được tổ chức thi đánh giá năng lực tiếng Việt bao gồm:
- Các cơ sở giáo dục đại học có đào tạo ngành Văn học, Sư phạm Ngữ văn, Tiếng Việt và văn hóa Việt Nam.
- Các đơn vị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng tiếng Việt cho người nước ngoài.
Quy trình coi thi nghe, đọc, viết trong bài đánh giá năng lực tiếng Việt thực hiện như thế nào? (Hình từ Internet)
Quy trình coi thi nghe, đọc, viết trong bài đánh giá năng lực tiếng Việt như thế nào?
Căn cứ Điều 16 Quy chế thi đánh giá năng lực tiếng Việt theo Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài ban hành kèm theo Thông tư 27/2021/TT-BGDĐT quy định quy trình coi thi nghe, đọc, viết trong bài đánh giá năng lực tiếng Việt theo Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài được thực hiện như sau:
(1). Trước ngày thi ít nhất 01 ngày, Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ban Coi thi, thư ký, kỹ thuật viên của Hội đồng thi có mặt tại địa điểm thi để:
- Kiểm tra việc chuẩn bị cho kỳ thi: cơ sở vật chất và các thiết bị, phương tiện phục vụ tổ chức thi;
- Niêm yết danh sách thí sinh dự thi, nội quy phòng thi; niêm phong phòng thi.
(2). Trước giờ thi:
- Giám thị kiểm tra, mở niêm phong phòng thi; đánh số báo danh theo phương án quy định của Trưởng Ban Coi thi; gọi thí sinh vào phòng thi, kiểm tra giấy tờ tùy thân, vật dụng của thí sinh, đối chiếu thí sinh với ảnh chụp tại hồ sơ đăng ký; bảo đảm thí sinh ngồi đúng vị trí theo số báo danh;
- Giám thị nhận đề thi, giấy thi, phiếu trả lời trắc nghiệm, giấy nháp, bút từ Trưởng Ban Coi thi hoặc người được Trưởng Ban Coi thi ủy quyền;
- Giám thị ký và ghi tên vào các tờ giấy thi, phiếu trả lời trắc nghiệm, giấy nháp và phát cho thí sinh; phát bút cho thí sinh, hướng dẫn thí sinh điền các thông tin cần thiết theo quy định vào giấy thi, phiếu trả lời trắc nghiệm, giấy nháp;
- Khi có hiệu lệnh, giám thị phát đề thi cho từng thí sinh;
- Chủ tịch Hội đồng thi quy định thời gian bắt đầu thi đối với kỹ năng nghe.
(3). Trong thời gian làm bài thi:
- Giám thị giám sát chặt chẽ phòng thi; không cho thí sinh trao đổi, bàn bạc, có hành vi gian lận trong phòng thi; giám thị không được đọc đề thi, không tự ý trao đổi với thí sinh về nội dung đề thi, không cho thí sinh sao chép câu hỏi thi, đề thi bằng bất kỳ hình thức nào;
- Trường hợp cần phải cho thí sinh ra ngoài phòng thi, giám thị chỉ cho từng thí sinh ra ngoài và phải báo cho người làm nhiệm vụ giám sát phòng thi;
- Trường hợp có thí sinh vi phạm quy chế thi, giám thị lập biên bản và báo cáo Trưởng Ban Coi thi để có biện pháp xử lý thích hợp, kịp thời;
- Tại khu vực được Trưởng Ban Coi thi phân công, người làm nhiệm vụ giám sát phòng thi có trách nhiệm giám sát thí sinh, giám thị, giám khảo chấm thi nói và kĩ thuật viên khi vào phòng thi; đồng thời, giám sát thí sinh ra ngoài phòng thi (nếu có), không cho phép thí sinh tiếp xúc với người khác.
(4). Hết giờ làm bài thi:
- Giám thị yêu cầu tất cả thí sinh dừng làm bài ngay khi có hiệu lệnh, lần lượt thu bài thi của từng thí sinh (kiểm tra số tờ giấy thi, phiếu trả lời trắc nghiệm của mỗi thí sinh và yêu cầu thí sinh ký xác nhận vào Phiếu thu bài thi). Chỉ cho thí sinh rời khỏi phòng thi sau khi đã kiểm tra thu đủ số bài thi và đề thi;
- Người làm nhiệm vụ giám sát phòng thi có trách nhiệm: giám sát thí sinh và giám thị, hỗ trợ giữ trật tự phòng thi trong quá trình thu bài thi; giám sát quá trình giám thị mang bài thi từ phòng thi về nộp cho lãnh đạo Ban Coi thi.
(5). Đóng gói, bàn giao bài thi:
- Bài thi của thí sinh và Phiếu thu bài thi được giám thị nộp cho Trưởng Ban Coi thi hoặc người được Trưởng Ban Coi thi ủy quyền để niêm phong. Bên ngoài túi bài thi được niêm phong có chữ ký của các giám thị, giám sát phòng thi và người trực tiếp nhận bài thi;
- Ngay sau khi thi xong, Ban Coi thi có nhiệm vụ bàn giao toàn bộ bài thi và hồ sơ thi đã được niêm phong cho Ban Thư ký.
(6). Bàn giao dữ liệu giám sát: Dữ liệu từ các camera giám sát diễn biến tại các phòng thi được lưu lại toàn bộ, niêm phong và chuyển cho Ban Thư ký.
Lưu ý: Đối với các kỹ năng nghe, đọc, viết thì mỗi phòng thi có ít nhất 02 giám thị; bảo đảm mỗi người giám sát không quá 20 thí sinh.
Hội đồng thi đánh giá năng lực tiếng Việt gồm những thành phần nào?
Căn cứ Điều 10 Quy chế thi đánh giá năng lực tiếng Việt theo Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài ban hành kèm theo Thông tư 27/2021/TT-BGDĐT quy định Hội đồng thi đánh giá năng lực tiếng Việt do Thủ trưởng đơn vị tổ chức thi thành lập, gồm các thành viên và các ban của Hội đồng thi sau:
- Thành viên của Hội đồng thi gồm: Chủ tịch Hội đồng là lãnh đạo đơn vị tổ chức thi; Phó Chủ tịch Hội đồng và các ủy viên Hội đồng gồm giám thị, giám khảo, người làm nhiệm vụ giám sát, kĩ thuật viên, nhân viên y tế, bảo vệ, phục vụ; các thành viên của Hội đồng thi là người của đơn vị tổ chức thi hoặc của đơn vị phối hợp (nếu có);
- Các ban của Hội đồng thi gồm: Ban Thư ký; Ban Đề thi; Ban In sao đề thi; Ban Coi thi; Ban Chấm thi; Ban Phúc khảo (để phúc khảo kết quả thi khi có yêu cầu). Thành viên các ban được chọn trong số các thành viên của Hội đồng thi.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.