Quy định về số lượng Phó Chủ tịch UBND khi chia, nhập các đơn vị hành chính cùng cấp như thế nào?
Quy định về số lượng Phó Chủ tịch UBND khi chia, nhập các đơn vị hành chính cùng cấp ra sao?
Theo quy định tại Điều 8, Điều 9 Nghị định 08/2016/NĐ-CP quy định về số lượng Phó Chủ tịch UBND khi nhập các đơn vị hành chính cùng cấp như sau:
- Số lượng Phó Chủ tịch UBND khi nhập các đơn vị hành chính cùng cấp
+ Khi nhiều đơn vị hành chính nhập thành một đơn vị hành chính mới cùng cấp thì căn cứ theo phân loại của đơn vị hành chính mới để xác định số lượng tối đa Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân theo quy định tại Điều 7 Nghị định 08/2016/NĐ-CP.
Trường hợp đơn vị hành chính mới chưa được phân loại thì số lượng tối đa Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xác định theo loại đơn vị hành chính cao nhất của các đơn vị hành chính trước khi sáp nhập cho đến khi đơn vị hành chính mới được phân loại.
- Số lượng Phó Chủ tịch UBND khi chia một đơn vị hành chính thành nhiều đơn vị hành chính cùng cấp
+ Khi một đơn vị hành chính được chia thành nhiều đơn vị hành chính mới cùng cấp thì căn cứ theo phân loại của các đơn vị hành chính mới để xác định số lượng tối đa Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân theo quy định tại Điều 7 Nghị định 08/2016/NĐ-CP.
Trường hợp đơn vị hành chính mới chưa được phân loại thì số lượng tối đa Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân được xác định theo loại đơn vị hành chính cùng cấp loại III cho đến khi đơn vị hành chính mới được phân loại.
Theo đó, tại Điều 7 Nghị định 08/2016/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Nghị định 69/2020/NĐ-CP quy định về số lượng tối đa Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân ở các đơn vị hành chính như sau:
- Đối với đơn vị hành chính ở nông thôn
+ Tỉnh loại I có không quá 04 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân; tỉnh loại II, loại III có không quá 03 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân.
+ Huyện loại I có không quá 03 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân; huyện loại II, loại III có không quá 02 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân.
+ Xã loại I, loại II có không quá 02 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân; xã loại III có 01 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân.
- Đối với đơn vị hành chính ở đô thị
+ Thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có không quá 05 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân; thành phố trực thuộc trung ương còn lại có không quá 04 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân.
+ Quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương loại I có không quá 03 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân; quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương loại II, loại III có không quá 02 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân.
+ Phường, thị trấn loại I, loại II có không quá 02 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân; phường, thị trấn loại III có 01 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân.
Quy định về số lượng Phó Chủ tịch UBND khi chia, nhập các đơn vị hành chính cùng cấp như thế nào? (Hình từ Internet)
Trình tự, thủ tục bầu thành viên Ủy ban nhân dân được quy định như thế nào?
Tại khoản 2 Điều 11 Nghị định 08/2016/NĐ-CP quy định về trình tự, thủ tục bầu thành viên Uỷ ban nhân dân được quy định như sau:
- Chủ tịch Hội đồng nhân dân giới thiệu để Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân. Chủ tịch Ủy ban nhân dân được bầu tại kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân phải là đại biểu Hội đồng nhân dân. Chủ tịch Ủy ban nhân dân được bầu trong nhiệm kỳ không nhất thiết là đại biểu Hội đồng nhân dân.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân giới thiệu để Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu Phó Chủ tịch, Ủy viên Ủy ban nhân dân. Phó Chủ tịch, Ủy viên Ủy ban nhân dân không nhất thiết là đại biểu Hội đồng nhân dân.
- Khi bầu thành viên Ủy ban nhân dân tại kỳ họp Hội đồng nhân dân, nếu có đại biểu Hội đồng nhân dân ứng cử hoặc giới thiệu thêm người ứng cử ngoài danh sách đã được người có thẩm quyền quy định tại điểm a khoản này giới thiệu thì Thường trực Hội đồng nhân dân trình Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định.
- Ban kiểm phiếu bầu thành viên Ủy ban nhân dân gồm: Trưởng ban, Thư ký và các Ủy viên. Hội đồng nhân dân bầu Ban kiểm phiếu bằng hình thức bỏ phiếu kín hoặc biểu quyết công khai theo giới thiệu của Chủ tịch Hội đồng nhân dân. Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền ứng cử, đề cử người tham gia Ban kiểm phiếu.
- Thành viên Ủy ban nhân dân trúng cử khi có quá nửa tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tán thành.
- Trong trường hợp bầu lần đầu nhưng không được quá nửa tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tán thành thì việc có bầu lại hay không bầu lại thành viên Ủy ban nhân dân ngay trong kỳ họp do Chủ tịch Hội đồng nhân dân báo cáo Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định.
Hồ sơ phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân bao gồm những gì?
Hồ sơ phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân được quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định 08/2016/NĐ-CP sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Nghị định 115/2021/NĐ-CP gồm:
- Tờ trình của Thường trực Hội đồng nhân dân (kèm theo lý lịch trích ngang của người được đề nghị phê chuẩn).
- Nghị quyết của Hội đồng nhân dân xác nhận kết quả bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (kèm theo Biên bản kiểm phiếu kết quả bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân).
- Bản sao Quyết định của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân của người được giới thiệu bầu lần đầu.
- Bản sao Quyết định hoặc văn bản thông báo ý kiến về nhân sự được giới thiệu bầu của cơ quan có thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ (kèm theo bảng tổng hợp kết quả kiểm phiếu và Biên bản kiểm phiếu ở các bước trong quy trình nhân sự).
- Sơ yếu lý lịch theo mẫu hiện hành theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương do cán bộ tự khai và cơ quan trực tiếp quản lý cán bộ xác nhận, đóng dấu theo quy định (có dán ảnh màu khổ 4x6, chụp trong thời gian không quá 06 tháng).
- Bản kê khai tài sản, thu nhập cá nhân của người được đề nghị phê chuẩn theo mẫu hiện hành do Chính phủ quy định và hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ.
- Kết luận về tiêu chuẩn chính trị theo quy định.
- Bản sao Quyết định phân công, điều động, luân chuyển, kỷ luật gần nhất của cán bộ (nếu có).
- Nhận xét, đánh giá cán bộ của cấp ủy theo phân cấp quản lý cán bộ (trong 03 năm gần nhất), của Chi ủy nơi cư trú, Chi bộ, Đảng bộ cơ quan nơi công tác (trong thời hạn 06 tháng).
- Bản sao các văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu của tiêu chuẩn chức danh bầu. Trường hợp nhân sự có bằng tốt nghiệp do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp thì phải được công nhận tại Việt Nam theo quy định.
- Giấy chứng nhận sức khỏe của cơ sở y tế có thẩm quyền (trong thời hạn 06 tháng).
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.