Quy định về cấp Giấy phép xây dựng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện nay như thế nào? Công trình được cấp giấy phép xây dựng có thời hạn thì có thời gian tồn tại là bao lâu?
Điều kiện cấp giấy phép xây dựng có thời hạn?
Căn cứ Điều 94 Luật Xây dựng 2014 (được sửa đổi bởi khoản 33 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020), theo đó điều kiện cấp giấy phép xây dựng có thời hạn được quy định như sau:
- Thuộc khu vực có quy hoạch phân khu xây dựng, quy hoạch phân khu xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch chi tiết, quy hoạch chi tiết xây dựng khu chức năng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, công bố nhưng chưa thực hiện và chưa có quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Phù hợp với quy mô công trình do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cho từng khu vực và thời hạn tồn tại của công trình theo kế hoạch thực hiện quy hoạch phân khu xây dựng, quy hoạch phân khu xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch chi tiết, quy hoạch chi tiết xây dựng khu chức năng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
- Phù hợp với mục đích sử dụng đất được xác định tại giấy tờ hợp pháp về đất đai của người đề nghị cấp giấy phép xây dựng có thời hạn;
- Khi hết thời hạn tồn tại của công trình ghi trong giấy phép xây dựng có thời hạn và cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyết định thu hồi đất, chủ đầu tư cam kết tự phá dỡ công trình, nếu không tự phá dỡ thì bị cưỡng chế và chịu mọi chi phí cho việc phá dỡ. Trường hợp quá thời hạn này mà quy hoạch xây dựng chưa thực hiện được, chủ đầu tư được tiếp tục sử dụng công trình cho đến khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyết định thu hồi đất. Việc hỗ trợ khi phá dỡ được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.
- Công trình xây dựng được cấp giấy phép xây dựng có thời hạn phải đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này và các khoản 3, 4 và 5 Điều 91 của Luật này.
- Nhà ở riêng lẻ được cấp giấy phép xây dựng có thời hạn phải đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này và các điểm b, c và d khoản 1 Điều 93 của Luật này.
- Đối với công trình xây dựng, nhà ở riêng lẻ được cấp giấy phép xây dựng có thời hạn, khi hết thời hạn tồn tại của công trình ghi trong giấy phép xây dựng mà quy hoạch xây dựng có điều chỉnh kéo dài kế hoạch thực hiện thì cơ quan đã cấp giấy phép xây dựng có trách nhiệm thông báo về việc gia hạn thời gian tồn tại của công trình. Trường hợp chủ đầu tư tiếp tục có nhu cầu xây dựng mới hoặc sửa chữa, cải tạo thì thực hiện cấp giấy phép xây dựng có thời hạn theo thời hạn của quy hoạch xây dựng điều chỉnh.
- Đối với công trình xây dựng, nhà ở riêng lẻ thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này và đã có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì không cấp giấy phép xây dựng có thời hạn cho việc xây dựng mới mà chỉ cấp giấy phép xây dựng có thời hạn để sửa chữa, cải tạo.
Trường hợp sau 03 năm kể từ ngày công bố kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện, cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được công bố mà không điều chỉnh, hủy bỏ hoặc có điều chỉnh, hủy bỏ nhưng không công bố việc điều chỉnh, hủy bỏ kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất được quyền đề nghị cấp giấy phép xây dựng có thời hạn theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.
Công tác cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên được quy định như thế nào? Công trình được cấp giấy phép xây dựng có thời hạn thì có thời gian tồn tại là bao lâu?
Quy định về quy mô công trình cấp phép có thời hạn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên?
Căn cứ Điều 3 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 41/2021/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên, theo đó quy định như sau:
Công trình xây dựng đáp ứng các điều kiện cấp giấy phép xây dựng có thời hạn theo quy định tại Điều 94 Luật Xây dựng năm 2014 được sửa đổi tại khoản 33 Điều 1 Luật số 62/2020/QH14 phải phù hợp với quy mô công trình như sau:
- Nhà ở riêng lẻ có tổng diện tích sàn tối đa 500m2 và có chiều cao tối đa 12m.
- Công trình xây dựng khác có quy mô cấp III, cấp IV.
Thời hạn tồn tại của công trình được cấp giấy phép xây dựng có thời hạn tỉnh Thái Nguyên?
Căn cứ Điều 4 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 41/2021/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên, theo đó :
- Thời hạn tồn tại của công trình được ghi trong giấy phép xây dựng có thời hạn theo kế hoạch thực hiện quy hoạch phân khu xây dựng, quy hoạch phân khu xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch chi tiết, quy hoạch chi tiết xây dựng khu chức năng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
- Đối với quy hoạch phân khu xây dựng, quy hoạch phân khu xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch chi tiết, quy hoạch chi tiết xây dựng khu chức năng chưa có kế hoạch thực hiện, thời gian được phép tồn tại của công trình được cấp phép xây dựng có thời hạn không quá 03 năm.
- Khi hết thời hạn tồn tại của công trình ghi trong giấy phép xây dựng có thời hạn thì thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 99 Luật Xây dựng năm 2014; điểm d khoản 1, khoản 4, khoản 5 Điều 94 Luật Xây dựng năm 2014 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 33 Điều 1 Luật số 62/2020/QH14.
Phân cấp thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên?
Căn cứ Điều 5 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 41/2021/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên, theo đó:
Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên phân cấp thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng đối với công trình thuộc đối tượng có yêu cầu phải cấp giấy phép xây dựng như sau:
- Sở Xây dựng cấp giấy phép xây dựng đối với các công trình xây dựng cấp đặc biệt, cấp I, cấp II trừ các công trình quy định tại khoản 2 Điều này.
- Ban Quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên cấp giấy phép xây dựng đối với các công trình xây dựng cấp đặc biệt, cấp I, cấp II tại các khu công nghiệp của tỉnh.
- Trường hợp dự án gồm nhiều công trình có cấp khác nhau thì thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng cho các công trình thuộc dự án được xác định theo công trình có cấp cao nhất.
- Trong quá trình thi công xây dựng nếu có thay đổi thiết kế xây dựng làm thay đổi cấp công trình dẫn đến thay đổi về thẩm quyền cấp phép xây dựng thì cơ quan đã cấp giấy phép xây dựng thực hiện việc điều chỉnh giấy phép xây dựng sau khi phối hợp kiểm tra, gửi hồ sơ lấy ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước mà theo cấp công trình đề nghị điều chỉnh thuộc thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng của cơ quan đó theo quy định tại Điều 103 Luật Xây dựng năm 2014 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 30 Điều 1 Luật số 62/2020/QH14. Cơ quan quản lý nhà nước được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 102 Luật Xây dựng năm 2014.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.