Quy định thoát nạn trong phòng cháy chữa cháy tại quán karaoke theo QCVN 06:2021/BXD?

Quán karaoke phải thực hiện quy định về thoát nạn trong phòng cháy chữa cháy như thế nào? Câu hỏi của chị Thư đến từ Long An.

Thoát nạn trong phòng cháy chữa cháy là gì? Đường thoát nạn trong phòng cháy chữa cháy quy định ra sao?

Căn cứ theo điểm 3.1.2 khoản 3.1 Điều 3 Quy chuẩn QCVN 06:2021/BXD về An toàn cháy cho nhà và công trình như sau:

Thoát nạn là quá trình tự di chuyển có tổ chức của người ra bên ngoài từ các gian phòng, nơi các yếu tố nguy hiểm của đám cháy có thể tác động lên họ. Thoát nạn còn là sự di chuyển không tự chủ của nhóm người ít có khả năng vận động, do các nhân viên phục vụ thực hiện. Thoát nạn được thực hiện theo các đường thoát nạn qua các lối ra thoát nạn.

Đồng thời, theo điểm 3.3.1 khoản 3.3 Điều 3 Quy chuẩn QCVN 06:2021/BXD về An toàn cháy cho nhà và công trình, đường thoát nạn là một đường di chuyển liên tục và không bị chặn từ một điểm bất kỳ trong nhà hoặc công trình đến lối ra bên ngoài. Các đường thoát nạn phải được chiếu sáng và chỉ dẫn phù hợp với các yêu cầu tại TCVN 3890.

Quy định thoát nạn trong phòng cháy chữa cháy tại quán karaoke theo QCVN 06:2021/BXD?

Quy định thoát nạn trong phòng cháy chữa cháy tại quán karaoke theo QCVN 06:2021/BXD? (Hình từ Internet)

Quy định thoát nạn trong phòng cháy chữa cháy tại quán karaoke theo QCVN 06:2021/BXD?

* Về lối thoát nạn:

Căn cứ theo điểm 3.2.1 khoản 3.2 Điều 3 Quy chuẩn QCVN 06:2021/BXD về An toàn cháy cho nhà và công trình như sau:

Các lối ra được coi là lối ra thoát nạn (còn gọi là lối thoát nạn) nếu:

- Dẫn từ các gian phòng ở tầng 1 ra ngoài theo một trong những cách sau:

+ Ra ngoài trực tiếp;

+ Qua hành lang;

+ Qua tiền sảnh (hay phòng chờ);

+ Qua buồng thang bộ;

+ Qua hành lang và tiền sảnh (hay phòng chờ);

+ Qua hành lang và buồng thang bộ.

- Dẫn từ các gian phòng của tầng bất kỳ, trừ tầng 1, vào một trong các nơi sau:

+ Trực tiếp vào buồng thang bộ hay tới cầu thang bộ loại 3;

+ Vào hành lang dẫn trực tiếp vào buồng thang bộ hay tới cầu thang bộ loại 3;

+ Vào phòng sử dụng chung (hay phòng chờ) có lối ra trực tiếp dẫn vào buồng thang bộ hoặc tới cầu thang bộ loại 3;

+ Vào hành lang bên của nhà có chiều cao PCCC dưới 28m dẫn trực tiếp vào cầu thang bộ loại 2.

- Dẫn vào gian phòng liền kề (trừ gian phòng nhóm F5 hạng A hoặc B) trên cùng tầng mà từ gian phòng này có các lối ra như được nêu tại đoạn a) và đoạn b) của điều này. Lối ra dẫn vào gian phòng hạng A hoặc B được phép coi là lối ra thoát nạn nếu nó dẫn từ gian phòng kỹ thuật không có chỗ cho người làm việc thường xuyên mà chỉ dùng để phục vụ các gian phòng hạng A hoặc B nêu trên.

* Về đường thoát nạn:

Căn cứ theo điểm 3.3.2, điểm 3.3.3 khoản 3.3 Điều 3 Quy chuẩn QCVN 06:2021/BXD về An toàn cháy cho nhà và công trình như sau:

- Khoảng cách giới hạn cho phép từ vị trí xa nhất của gian phòng, hoặc từ chỗ làm việc xa nhất tới lối ra thoát nạn gần nhất, được đo theo trục của đường thoát nạn, phải được hạn chế tùy thuộc vào:

+ Nhóm nguy hiểm cháy theo công năng và hạng nguy hiểm cháy nổ (xem Phụ lục C) của gian phòng và nhà;

+ Số lượng người thoát nạn;

+ Các thông số hình học của gian phòng và đường thoát nạn;

+ Cấp nguy hiểm cháy kết cấu và bậc chịu lửa của nhà.

Chiều dài của đường thoát nạn theo cầu thang bộ loại 2 lấy bằng ba lần chiều cao của thang đó.

CHÚ THÍCH: Các yêu cầu cụ thể về khoảng cách giới hạn cho phép từ vị trí xa nhất đến lối ra thoát nạn gần nhất được nêu trong các quy chuẩn cho từng loại công trình. Phụ lục G nêu một số quy định cụ thể cho các nhóm nhà thường gặp.

- Khi bố trí, thiết kế các đường thoát nạn phải căn cứ vào yêu cầu của 3.2.1. Đường thoát nạn không bao gồm các thang máy, thang cuốn và các đoạn đường được nêu dưới đây:

+ Đường đi qua các hành lang trong có lối ra từ giếng thang máy, qua các sảnh thang máy và các khoảng đệm trước thang máy, nếu các kết cấu bao che giếng thang máy, bao gồm cả cửa của giếng thang máy, không đáp ứng các yêu cầu như đối với bộ phận ngăn cháy;

+ Đường đi qua các buồng thang bộ khi có lối đi xuyên chiếu tới của buồng thang là một phần của hành lang trong, cũng như đường đi qua gian phòng có đặt cầu thang bộ loại 2, mà cầu thang này không phải là cầu thang để thoát nạn;

+ Đường đi theo mái nhà, ngoại trừ mái đang được khai thác sử dụng hoặc một phần mái được trang bị riêng cho mục đích thoát nạn.

+ Đường đi theo các cầu thang bộ loại 2, nối thông từ 3 tầng (sàn) trở lên, cũng như dẫn từ tầng hầm và tầng nửa hầm, ngoại trừ các trường hợp nêu tại 3.2.2.

Như vậy, lối thoát nạn và đừng thoát nạn trong phòng cháy chữa cháy tại quán karaoke sẽ được thực hiện theo nội dung quy định tại Quy chuẩn QCVN 06:2021/BXD nêu trên.

Quán karaoke vi phạm quy định về thoát nạn trong phòng cháy chữa cháy có thể bị phạt lên đến 50 triệu đồng?

Căn cứ theo quy định tại Điều 40 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định mức xử phạt đối với vi phạm quy định về thoát nạn trong phòng cháy và chữa cháy như sau:

Vi phạm quy định về thoát nạn trong phòng cháy và chữa cháy
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi lắp gương trên đường thoát nạn; lắp đặt cửa thoát nạn không mở theo chiều thoát nạn.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Bố trí, sắp xếp vật tư, hàng hóa, phương tiện giao thông và các vật dụng khác cản trở lối thoát nạn;
b) Tháo, gỡ hoặc làm hỏng, làm mất tác dụng phương tiện chiếu sáng sự cố, chỉ dẫn thoát nạn, sơ đồ chỉ dẫn, biển báo, biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy trên lối thoát nạn;
c) Không lắp đặt sơ đồ chỉ dẫn, biển báo, biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy trên lối thoát nạn;
d) Không kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện chiếu sáng sự cố, chỉ dẫn thoát nạn;
đ) Không duy trì chế độ hoạt động thường xuyên của phương tiện chiếu sáng sự cố, chỉ dẫn thoát nạn.
3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Không lắp đặt phương tiện chiếu sáng sự cố, chỉ dẫn thoát nạn trên lối thoát nạn hoặc có lắp đặt nhưng không đủ độ sáng, không đúng quy cách theo quy định của pháp luật hoặc không có tác dụng;
b) Cửa thoát nạn, lối thoát nạn, cầu thang thoát nạn, đường thoát nạn không đủ kích thước, số lượng theo quy định của pháp luật.
4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Khóa, chèn, chặn cửa thoát nạn;
b) Không duy trì việc bảo vệ chống khói cho nhà, công trình theo quy định của pháp luật.
5. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi làm mất tác dụng của lối, đường thoát nạn.
6. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2; các khoản 4 và 5 Điều này.

Bên cạnh đó, theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, mức phạt tiền đối với vi phạm quy định về thoát nạn trong phòng cháy và chữa cháy nêu trên là mức phạt đối hành vi vi phạm của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Như vậy, hành vi vi phạm quy định về thoát nạn trong phòng cháy chữa cháy tại quán karaoke có thể bị đến 50 triệu đồng.

MỚI NHẤT
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

9,143 lượt xem
Tư vấn pháp luật mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào