Quy định mới về trực khám bệnh chữa bệnh năm 2024? Nhiệm vụ của các vị trí trực trong bệnh viện như thế nào?
- Nguyên tắc trực khám bệnh, chữa bệnh từ ngày 1/1/2024 như thế nào?
- Nhiệm vụ của các vị trí trực khám bệnh, chữa bệnh trong bệnh viện như thế nào?
- Trực tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có hình thức tổ chức không phải là bệnh viện nhưng có giường bệnh nội trú hoặc có giường lưu như thế nào?
- Trực cấp cứu ngoại viện từ ngày 1/1/2024 như thế nào?
Nguyên tắc trực khám bệnh, chữa bệnh từ ngày 1/1/2024 như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 43 Thông tư 32/2023/TT-BYT có quy định rõ về nguyên tắc trực khám bệnh chữa bệnh như sau:
- Trực ngoài giờ hành chính, ngày lễ, ngày nghỉ phải được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tổ chức bảo đảm hoạt động khám bệnh, chữa bệnh liên tục 24/24 giờ trong ngày.
- Các phiên trực phải được tổ chức chặt chẽ, có đầy đủ nhân lực, phương tiện vận chuyển, thiết bị y tế và thuốc để cấp cứu người bệnh.
- Các vị trí trực phải bảo đảm dễ tiếp cận và đủ thông tin liên lạc.
- Người trực phải có mặt trước giờ nhận trực để nhận bàn giao của phiên trực trước và khi hết giờ phải bàn giao cho phiên trực sau, không được rời bỏ vị trí trực và phải thực hiện mệnh lệnh trực của cấp trên.
- Danh sách các thành viên trực được phân công theo tháng, lịch trực được công bố trước thời điểm trực ít nhất một tuần, do lãnh đạo bệnh viện ký duyệt và được ghi trên bảng ở mỗi vị trí trực. Công chức, viên chức, người lao động đã được phân công trực theo lịch, chỉ được thực hiện đổi trực ngang cấp khi được sự phê duyệt của lãnh đạo.
Quy định mới về trực khám bệnh chữa bệnh năm 2024? Nhiệm vụ của các vị trí trực trong bệnh viện như thế nào? (Hình từ Internet)
Nhiệm vụ của các vị trí trực khám bệnh, chữa bệnh trong bệnh viện như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 44 Thông tư 32/2023/TT-BYT có quy định rõ về nhiệm vụ của các vị trí trực khám bệnh, chữa bệnh trong bệnh viện như sau:
(1). Trực lãnh đạo:
- Đối tượng trực lãnh đạo: Giám đốc, phó giám đốc và trưởng khoa, trưởng phòng được giám đốc chỉ định tham gia thường trực lãnh đạo và phải được ủy quyền bằng văn bản.
- Nhiệm vụ của trực lãnh đạo:
+ Kiểm tra đôn đốc các phiên trực trong bệnh viện.
+ Chỉ đạo giải quyết các vấn đề, tình huống khó khăn vượt khả năng chuyên môn của các thành viên trực cấp dưới không giải quyết được.
+ Chỉ đạo xử lý các vụ việc bất thường về an ninh, trật tự xảy ra trong bệnh viện.
+ Báo cáo cấp trên trực tiếp quản lý bệnh viện về những trường hợp đặc biệt, đột xuất xảy ra vượt quá thẩm quyền giải quyết.
(2). Trực lâm sàng:
- Tổ chức trực lâm sàng:
+ Trưởng phiên trực là người hành nghề giữ vị trí trưởng khoa, phó khoa hoặc bác sĩ có trình độ sau đại học.
+ Bác sĩ trực lâm sàng là người hành nghề có đủ trình độ, độc lập giải quyết công việc và chịu trách nhiệm với phương án giải quyết công việc.
+ Điều dưỡng, hộ sinh, kĩ thuật y là người hành nghề do giám đốc bệnh viện quyết định phân công trực lâm sàng.
- Nhiệm vụ của trưởng phiên trực lâm sàng:
+ Điều hành nhân lực trong phiên trực.
+ Khám và chỉ định giải quyết các trường hợp cấp cứu, người bệnh mới đến và người bệnh nặng đang điều trị có diễn biến bất thường khi bác sĩ trực lâm sàng của khoa không giải quyết được.
+ Báo cáo và xin ý kiến trực lãnh đạo trong trường hợp vượt quá khả năng giải quyết về chuyên môn và các trường hợp đặc biệt như tự sát, dịch bệnh, thảm họa, cấp cứu hàng loạt.
+ Thông báo cho trực bảo vệ, đồng thời báo cáo trực lãnh đạo trong trường hợp mất an ninh, trật tự trong bệnh viện.
+ Kiểm tra, đôn đốc các vị trí trực.
- Nhiệm vụ của bác sĩ trực:
+ Tiếp nhận người bệnh đến cấp cứu.
+ Theo dõi xử lý người bệnh được bàn giao.
+ Hướng dẫn, đôn đốc thành viên trực thực hiện đầy đủ các chỉ định.
+ Phân công trách nhiệm cho mỗi thành viên trực theo dõi sát sao, xử lý kịp thời các diễn biến xấu đối với người bệnh nặng diện chăm sóc cấp 01.
+ Thăm khám người bệnh và ghi hồ sơ bệnh án sau mỗi lần thăm khám.
- Nhiệm vụ của điều dưỡng, hộ sinh, kĩ thuật y trực:
+ Điều dưỡng trực là điều dưỡng của từng khoa có thể tổ chức trực điều dưỡng liên khoa do giám đốc bệnh viện quyết định.
+ Thực hiện chỉ định của bác sỹ, chăm sóc theo dõi người bệnh.
+ Đôn đốc người bệnh thực hiện nội quy bệnh viện.
+ Bảo quản hồ sơ, tủ thuốc, tài sản của khoa.
+ Phát hiện người bệnh có diễn biến bất thường, có nguy cơ tử vong, báo cáo bác sĩ trực, đồng thời ghi đầy đủ các diễn biến vào phiếu theo dõi.
(3). Trực cận lâm sàng:
- Tổ chức trực riêng từng chuyên khoa, tùy theo khối lượng công việc ở mỗi khoa để bố trí số người trực cho phù hợp;
- Nhiệm vụ trực cận lâm sàng: Làm các kỹ thuật phục vụ cho việc chẩn đoán, điều trị theo chỉ định của trực lâm sàng.
(4). Trực hậu cần, quản trị:
- Trực dược và vật tư thiết bị y tế có nhiệm vụ bảo đảm cung cấp đầy đủ thuốc và vận hành trang thiết bị y tế phục vụ cho kíp trực;
- Trực tài chính - kế toán có nhiệm vụ bảo đảm thu viện phí cho người bệnh đến khám, ra - vào viện ngoài giờ hành chính;
- Trực công nghệ thông tin có nhiệm vụ bảo đảm hệ thống mạng quản lý bệnh viện hoạt động bình thường;
- Trực điện, nước bảo đảm cho máy phát điện hoạt động khi có sự cố mất điện đột xuất; sửa chữa điện, nước hỏng bất thường;
- Trực hành chính phải bảo đảm thông tin liên lạc bằng điện thoại và hình thức thông tin khác (theo quy định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh);
- Trực bảo vệ có nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trong bệnh viện;
- Trực lái xe phải bảo đảm cho xe ô tô cứu thương sẵn sàng làm nhiệm vụ khi có lệnh.
(5). Trực thường trú ngoại viện:
- Ngoài những người được phân công trực nêu trên ở 4 cấp thường trực, tuỳ theo điều kiện thực tế của từng bệnh viện, lãnh đạo bệnh viện có thể bố trí trực thường trú ngoại viện để sẵn sàng hỗ trợ về chuyên môn, hành chính khi cần;
- Người được phân công trực thường trú phải giữ liên lạc liên tục trong thời gian được phân công trực và có mặt tại bệnh viện khi được huy động.
Trực tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có hình thức tổ chức không phải là bệnh viện nhưng có giường bệnh nội trú hoặc có giường lưu như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 46 Thông tư 32/2023/TT-BYT có quy định trực tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có hình thức tổ chức không phải là bệnh viện nhưng có giường bệnh nội trú hoặc có giường lưu như sau:
- Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có hình thức tổ chức không phải là bệnh viện nhưng có giường bệnh nội trú hoặc có giường lưu (trừ trường hợp đối với trạm y tế cấp xã) phải bố trí nhân lực cho một phiên trực như sau:
Có tối thiểu 01 người hành nghề với chức danh là bác sĩ hoặc y sỹ và 01 người hành nghề thuộc một trong các chức danh sau đây: điều dưỡng, hộ sinh hoặc kỹ thuật y.
- Đối với trạm y tế cấp xã phải bố trí nhân lực cho một phiên trực như sau: Có tối thiểu 01 người hành nghề thuộc một trong các chức danh sau đây: bác sĩ, y sỹ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y.
Trực cấp cứu ngoại viện từ ngày 1/1/2024 như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 47 Thông tư 32/2023/TT-BYT có quy định về trực cấp cứu ngoại viện từ ngày 1/1/2024 như sau:
- Cơ sở cấp cứu ngoại viện (bao gồm cả các cơ sở vận chuyển người bệnh đã thành lập theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009) bảo đảm tổ chức hoạt động trực cấp cứu 24/24 giờ trong ngày (kể cả ngày lễ, ngày nghỉ) theo quy định tại Quyết định 01/2008/QĐ-BYT.
- Đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động cấp cứu ngoại viện phải bố trí:
+ Nhân lực trực 24/24 giờ;
+ Số lượng người cho một phiên trực phải bảo đảm tối thiểu:
++ 01 người hành nghề với chức danh là bác sĩ hoặc y sỹ.
++ 01 người hành nghề thuộc một trong các chức danh sau đây: điều dưỡng, hộ sinh hoặc kỹ thuật y.
++ 01 lái xe cấp cứu.
- Nhân lực thuộc phiên trực cấp cứu đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động cấp cứu ngoại viện phải bố trí độc lập với nhân lực của phiên trực khác cùng thời điểm và có thể bố trí theo hình thức trực thường trú.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.