Quy định mới tại Nghị định 67/2023/NĐ-CP thuận lợi cho người tham gia bảo hiểm là những quy định nào?
Ngày 06/9/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 67/2023/NĐ-CP quy định về bảo hiểm bắt buộc của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng.
Theo đó, Nghị định 67/2023/NĐ-CP kế thừa và hoàn thiện quy định pháp luật hiện hành về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc và bảo hiểm bắt buộc trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, trong đó đáng chú ý là các quy định mới thuận lợi cho người tham gia bảo hiểm dưới đây.
Biên độ điều chỉnh tăng, giảm phí bảo hiểm xe cơ giới tối đa 15%?
Điều kiện bảo hiểm, số tiền bảo hiểm, mức phí bảo hiểm xe cơ giới là một trong những nội dung quan trọng tại Nghị định 67/2023/NĐ-CP.
So với quy định trước đây thì Điều 4 Nghị định 67/2023/NĐ-CP bổ sung nguyên tắc đó là doanh nghiệp bảo hiểm có quyền từ chối bán bảo hiểm bắt buộc trong trường hợp xe cơ giới hết niên hạn sử dụng theo quy định pháp luật.
Về mức đóng phí bảo hiểm bắt buộc của chủ xe cơ giới, căn cứ vào lịch sử bồi thường bảo hiểm của từng xe cơ giới hoặc lịch sử gây tai nạn của chủ xe cơ giới, doanh nghiệp bảo hiểm chủ động xem xét, điều chỉnh tăng, giảm phí bảo hiểm với biên độ tăng, giảm phí bảo hiểm tối đa là 15% tính trên mức phí bảo hiểm quy định tại Nghị định 67/2023/NĐ-CP.
Nghị định 67/2023/NĐ-CP thu hẹp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm về nồng độ cồn theo hướng chỉ loại trừ trách nhiệm bảo hiểm trong trường hợp thiệt hại đối với tài sản do lái xe điều khiển xe cơ giới mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức trị số bình thường theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Nhằm đơn giản hóa hơn nữa hồ sơ giải quyết bồi thường bảo hiểm, theo Điều 13 Nghị định 67/2023/NĐ-CP quy định cho phép sử dụng bản sao có xác nhận của doanh nghiệp bảo hiểm sau khi đã đối chiếu với bản ảnh chụp đối với các tài liệu liên quan đến xe, người lái xe; yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết bồi thường bảo hiểm đối với chủ xe mô tô, xe gắn máy.
Nghị định 67/2023/NĐ-CP cũng điều chỉnh một số quy định về nội dung giấy chứng nhận bảo hiểm bảo đảm phù hợp với quy định của Bộ Công an về cấp và quản lý Chứng nhận đăng ký xe theo mã định danh cá nhân và tạo thuận lợi trong việc triển khai, quản lý, sử dụng mã số, mã vạch theo quy định pháp luật.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình triển khai của doanh nghiệp bảo hiểm và giám sát thực hiện của các cơ quan chức năng, Nghị định 67/2023/NĐ-CP quy định thống nhất thời hạn bảo hiểm tối thiểu là 1 năm và tối đa là 3 năm đối với tất cả loại phương tiện xe cơ giới (trừ một số trường hợp đặc thù có thời hạn bảo hiểm dưới 1 năm như xe cơ giới nước ngoài tạm nhập, tái xuất có thời hạn tham gia giao thông trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam dưới 1 năm; niên hạn sử dụng của xe cơ giới dưới 1 năm theo quy định của pháp luật; xe cơ giới thuộc đối tượng đăng ký tạm thời theo quy định của Bộ Công an)
Trong triển khai hoạt động của đường dây nóng 24/7 phục vụ việc tiếp nhận thông tin tai nạn, hướng dẫn, giải đáp các vấn đề về bảo hiểm bắt buộc, doanh nghiệp bảo hiểm phải thực hiện ghi âm các cuộc gọi đến để bảo đảm quyền lợi của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm.
Quy định mới tại Nghị định 67/2023/NĐ-CP thuận lợi cho người tham gia bảo hiểm là những quy định nào? (Hình từ Internet)
Nghị định 67/2023/NĐ-CP mở rộng nội dung và tăng tỷ lệ chi hỗ trợ nhân đạo đúng không?
Về quy định liên quan đến quản lý, sử dụng Quỹ bảo hiểm xe cơ giới, nhằm góp phần hỗ trợ cho người bị thiệt hại khi xảy ra tai nạn, tại Điều 17 Nghị định 67/2023/NĐ-CP mở rộng nội dung chi hỗ trợ nhân đạo đối với trường hợp không thuộc phạm vi bảo hiểm.
Theo đó, Quỹ bảo hiểm xe cơ giới dùng để chi hỗ trợ nhân đạo trong các trường hợp không xác định được xe gây tai nạn, xe không tham gia bảo hiểm, không thuộc phạm vi bảo hiểm và các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định 67/2023/NĐ-CP (trừ hành động cố ý gây thiệt hại của người bị thiệt hại).
Bên cạnh đó, quy định mới cũng điều chỉnh tăng tỷ lệ chi hỗ trợ nhân đạo lên không vượt quá 30% và giảm tỷ lệ chi cho công tác đề phòng, hạn chế tổn thất xuống còn không vượt quá 15% trên tổng số tiền đóng vào Quỹ hàng năm và số tiền dư Quỹ các năm trước (nếu có) nhằm tăng cường hơn nữa chi hỗ trợ nhân đạo, trong khi vẫn bảo đảm nội dung chi này cùng với chi tuyên truyền, giáo dục và chi cho công tác đề phòng, hạn chế tổn thất là ba nội dung có nguồn kinh phí lớn nhất phù hợp với mục tiêu thành lập và nguyên tắc quản lý, sử dụng Quỹ bảo hiểm xe cơ giới.
Ngoài ra, quy định mức chi hỗ trợ nhân đạo là: 30% giới hạn trách nhiệm theo quy định/1người/1 vụ đối với trường hợp tử vong và tỷ lệ thương tật từ 81% trở lên; 10% giới hạn trách nhiệm theo quy định/1người/1 vụ đối với trường hợp tỷ lệ tổn thương từ 31% đến dưới 81%.
Điều chỉnh tăng, giảm tối đa 25% phí bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo quy định mới?
Về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư, xây dựng, tại Điều 26 Nghị định 67/2023/NĐ-CP đã bổ sung quy định về tăng, giảm tối đa 25% phí bảo hiểm đối với bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc để doanh nghiệp bảo hiểm chủ động đánh giá mức độ rủi ro của đối tượng được bảo hiểm, đảm bảo quyền lợi của bên mua bảo hiểm.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.