Quy chuẩn mới nhất về đảm bảo an toàn khi làm việc trên mặt nước trong thi công xây dựng như thế nào?
Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 16/2021/TT-BXD ban hành QCVN 18:2021/BXD quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong thi công xây dựng. Theo đó việc đảm bảo an toàn về làm việc trên mặt nước được thực hiện như sau:
Quy định chung về làm việc trên mặt nước trong thi công xây dựng như thế nào?
Căn cứ tiểu mục 2.13 mục 2 Quy chuẩn ban hành kèm theo Thông tư 16/2021/TT-BXD, theo đó:
- Tại các khu vực ở gần hoặc trên mặt nước có người lao động làm việc, người sử dụng lao động phải thực hiện các biện pháp để:
+ Ngăn ngừa người lao động rơi, ngã xuống nước;
+ Cứu nạn cho người lao động khi bị đuối nước;
+ Vận chuyển an toàn.
- Biện pháp ĐBAT khi thực hiện các công việc trên mặt nước và các công việc có liên quan phải bao gồm cả các nội dung sau:
+ Rào chắn, lưới an toàn và dây an toàn;
+ Phao cứu sinh, áo phao và các thiết bị nổi;
+ Biện pháp bảo vệ để tránh các yếu tố nguy hiểm từ động vật bò sát và các động vật khác.
- Người lao động làm việc ở gần hoặc trên mặt nước phải được huấn luyện, đào tạo và phải tuân thủ quy trình xử lý trong tình huống khẩn cấp; phải biết bơi lặn; không được phép làm việc một mình mà chỉ được phép làm việc khi có sự giám sát và điều phối của người có thẩm quyền.
CHÚ THÍCH: Người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về xây dựng và pháp luật chuyên ngành khác có liên quan.
- Các đường vượt trên cao, cầu, cầu phao, cầu cho người đi bộ, lối đi lại hoặc một số nơi làm việc phải thỏa mãn các quy định sau:
+ Đảm bảo KNCL, ổn định và phù hợp với yêu cầu sử dụng;
+ Chiều rộng phải đảm bảo đủ để người lao động di chuyển an toàn và không được nhỏ hơn 50 cm;
+ Bề mặt phẳng, không có các vật nhô lên cao như đinh ốc, bu lông để tránh vấp ngã;
+ Phải được chiếu sáng đủ nếu ánh sáng tự nhiên không đảm bảo yêu cầu làm việc;
+ Bố trí đủ phao cứu sinh, dây an toàn và các phương tiện cứu sinh khác đặt tại những vị trí dễ thấy, dễ tiếp cận và không làm ảnh hưởng đến công việc;
+ Phải có các tấm chặn chân, lan can an toàn, dây hoặc các phương tiện tương tự để ngăn ngừa nguy cơ ngã do trượt chân;
+ Không để các thiết bị, dụng cụ và các vật cản khác trên bề mặt;
+ Khi cần thiết, để ngăn ngừa nguy hiểm, các bề mặt trơn trượt, gồ ghề phải được lót, đặt ván trên bề mặt, đảm bảo chắc chắn và không bị xê dịch hoặc có các biện pháp phù hợp khác như rắc cát hoặc các vật liệu tương tự;
+ Đảm bảo không bị hư hỏng do nước dâng, gió mạnh; phải đặc biệt chú ý đến các tấm ván sàn của đường vượt trên cao và sàn công tác được sử dụng ở khu vực có thủy triều;
k) Phải bố trí thang leo hoặc thang bộ để người lao động tiếp cận các vị trí trên cao. Thang phải đảm bảo vững chắc, đủ KNCL, đủ dài, được neo giữ chắc chắn. Các thang thẳng đứng lắp cố định trên các máy, thiết bị thi công trên mặt nước phải có vòng đai (lồng bảo vệ) an toàn để chống ngã;
+ Đường vượt trên cao, cầu đi bộ và các cấu kiện sử dụng làm đường đi khác phải nổi được trong trường hợp thi công ở những nơi có nguy cơ nước dâng nhanh, dòng chảy mạnh.
- Trên các thiết bị nổi, phải bố trí nơi trú ẩn an toàn cho người lao động nếu khu vực thi công có nguy cơ cao về mất an toàn do mưa lớn, mưa đá, giông, lốc, sấm sét hoặc thủy triều lên xuống bất ngờ.
CHÚ THÍCH: Nơi trú ẩn an toàn để sử dụng trong các trường hợp mà từ vị trí thi công không đủ thời gian di chuyển vào trong đất liền hoặc khi có sự cố trôi dạt thiết bị nổi.
- Trên các thiết bị nổi phải có đầy đủ các phương tiện cứu nạn như dây an toàn, bè và phao vòng.
- Bè hoặc thiết bị nổi tương tự phải:
+ Đủ khả năng chịu tải trọng tối đa (theo yêu cầu sử dụng);
+ Được neo giữ đảm bảo theo yêu cầu công việc và không bị trôi dạt ngoài ý muốn;
+ Có phương tiện tiếp cận ĐBAT.
- Mặt sàn thép phải có cấu tạo phù hợp để chống trơn trượt.
- Các lỗ mở trên sàn thiết bị nổi (kể cả các thùng mở nắp), phải có biện pháp để người không bị ngã vào bằng cách sử dụng lưới, tấm đậy, lan can hoặc các biện pháp ĐBAT phù hợp khác.
- Đường đi ở gần hoặc trên mặt nước hoặc trên thiết bị nổi phải được bố trí bên trên các đường ống.
- Không ai được phép vào phòng thiết bị nạo vét thủy lực nếu không được sự chấp thuận của người quản lý, vận hành và trong mọi trường hợp không được phép vào một mình.
- Dây tời, phụ kiện nâng, dây néo, dây điều khiển, đầu cắt (khoan) và các phụ kiện rời phục vụ thi công khác phải được kiểm tra hàng ngày.
- Người lao động chỉ được lên, xuống thiết bị nổi từ các vị trí theo quy định trong biện pháp thi công.
- Trong quá trình thi công, phải kiểm tra thường xuyên số lượng người lao động.
- Khi thi công ở gần hoặc trên mặt nước, phải tuân thủ các quy định của pháp luật về giao thông đường thủy nội địa, hàng hải và các quy định kỹ thuật do cơ quan có thẩm quyền ban hành trong việc: Lắp đặt các biển báo giao thông; yêu cầu về trang bị, thiết bị, ĐBAT trên thiết bị nổi; sử dụng thiết bị nổi và các thiết bị lắp đặt, sử dụng trên thiết bị nổi; di chuyển trên mặt nước và các yêu cầu khác có liên quan đến phương tiện, thiết bị nổi.
CHÚ THÍCH: Các QCVN có liên quan, bao gồm: QCVN 102:2018/BGTVT, QCVN 67:2018/BGTVT, QCVN 39:2020/BGTVT, QCVN 20:2015/BGTVT, QCVN 23:2016/BGTVT, QCVN 42:2015/BGTVT, QCVN 73:2019/BGTVT, QCVN 94:2016/BGTVT, QCVN 97:2016/BGTVT và các quy định khác do các cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Việc đảm bảo an toàn về làm việc trên mặt nước trong thi công công trình xây dựng được quy định như thế nào theo Thông tư 16/2021/TT-BXD?
Tàu, thuyền phải đảm bảo những nội dung nào trong thi công xây dựng?
Căn cứ tiểu mục 2.13 mục 2 Quy chuẩn ban hành kèm theo Thông tư 16/2021/TT-BXD, theo đó:
- Tàu, thuyền sử dụng để vận chuyển người phải phù hợp với quy định tại 2.13.1.15.
- Khi sử dụng tàu, thuyền để vận chuyển người:
+ Chỉ những người được giao nhiệm vụ, có kinh nghiệm và được phép điều khiển tàu, thuyền để vận chuyển người theo quy định của pháp luật mới được phép lái tàu, thuyền;
+ Không được phép vận chuyển số lượng người lớn hơn tổng số người hoặc tải trọng cho phép của tàu, thuyền; số lượng người hoặc tải trọng cho phép phải được ghi rõ và gắn ở vị trị dễ thấy trên tàu, thuyền;
+ Phải có đủ phao và phương tiện cứu sinh phù hợp khác trên tàu, thuyền và chúng phải được sắp xếp và bảo quản theo quy định;
+ Người sử dụng lao động phải bố trí người giám sát liên tục việc vận chuyển người.
- Tàu, thuyền kéo phải có thiết bị để thả dây kéo nhanh chóng.
- Trên tàu, thuyền chạy điện phải có bình chữa cháy phù hợp.
- Trên thuyền chèo tay phải có sẵn một bộ mái chèo dự phòng.
- Tàu, thuyền phục vụ cứu nạn phải đảm bảo khả năng vận chuyển phù hợp với phương án cứu nạn đã lập và có kích thước phù hợp để đảm bảo ổn định trên mặt nước. Trong vùng nước thủy triều hoặc có dòng chảy mạnh thì tàu, thuyền máy phải có thiết bị khởi động gắn cố định trên động cơ. Khi không sử dụng tàu, thuyền máy, phải khởi động động cơ vài lần trong ngày để đảm bảo chắc chắn về khả năng vận hành của chúng.
Việc cứu nạn trong thi công xây dựng được quy định như thế nào?
Căn cứ tiểu mục 2.13 mục 2 Quy chuẩn ban hành kèm theo Thông tư 16/2021/TT-BXD, theo đó:
- Người sử dụng lao động có trách nhiệm lập phương án cứu nạn theo quy định của pháp luật về cứu nạn, cứu hộ và phải tuân thủ, phối hợp với cơ quan thẩm quyền về cứu nạn, cứu hộ tại địa phương.
- Người lao động làm việc ở gần hoặc trên mặt nước phải được trang bị áo phao và (hoặc) phương tiện hỗ trợ nổi phù hợp khác. Áo phao phải thuận tiện cho người mặc khi di chuyển, đủ khả năng để nâng người nổi trên mặt nước và giữ cho mặt họ hướng lên trên, bảo vệ cơ thể, dễ nhìn thấy, không bị mắc kẹt dưới nước và khi cần thiết phải có đèn phát sáng (khi thi công ban đêm hoặc trong điều kiện thời tiết hạn chế tầm nhìn).
Thông tư 16/2021/TT-BXD chính thức có hiệu lực từ ngày 20/6/2022.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.