QCVN 59:2014/BTNMT về phương pháp thăm dò phóng xạ? Mục tiêu, nhiệm vụ của thăm dò phóng xạ là gì?
Phương pháp thăm dò phóng xạ là gì?
Căn cứ tại Mục 1.2 Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 59: 2014/BTNMT do Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam biên soạn, Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ Pháp chế trình duyệt, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành theo Thông tư 32/2014/TT-BTNMT.
Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 59: 2014/BTNMT áp dụng đối với cơ quan quản lý nhà nước về địa chất và khoáng sản; tổ chức, cá nhân tiến hành công tác thăm dò phóng xạ với mục đích điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, thăm dò khoáng sản, điều tra địa chất thủy văn, địa chất công trình, địa chất môi trường, tai biến địa chất.
Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 59: 2014/BTNMT quy định công tác kỹ thuật thăm dò phóng xạ sử dụng trong các hoạt động điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, thăm dò khoáng sản.
Theo đó, phương pháp thăm dò phóng xạ là phương pháp đo các hiệu ứng bức xạ tự nhiên của đất, đá và quặng có chứa các nguyên tố phóng xạ, chủ yếu là urani, thori, kali và các đồng vị phóng xạ bằng các thiết bị chuyên dụng trên không, trên mặt đất và trong các công trình khoan, khai đào phục vụ điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, thăm dò khoáng sản.
Trong đó, các chất phóng xạ là chất phát ra bức xạ trong điều kiện tự nhiên, có hoạt độ phóng xạ riêng lớn hơn 70 KBq/Kg (KiloBecquerel trên kilôgam). Theo nguồn gốc có thể chia làm 3 loại chính:
- Chất phóng xạ nguyên thủy.
- Chất phóng xạ được hình thành do tương tác của tia vũ trụ với vật chất của trái đất.
- Chất phóng xạ nhân tạo được hình thành do con người tạo ra.
Mục tiêu, nhiệm vụ của thăm dò phóng xạ là gì?
Căn cứ tại Mục 1.4 Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 59: 2014/BTNMT có nêu rõ mục tiêu, nhiệm vụ của thăm dò phóng xạ như sau:
- Thăm dò phóng xạ được sử dụng để giải quyết nhiều nhiệm vụ trong điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản và thăm dò khoáng sản, nghiên cứu môi trường dựa trên việc quan trắc, đo đạc các trường bức xạ tự nhiên hoặc nhân tạo của đất, đá và quặng.
- Thăm dò phóng xạ được tiến hành ở trên mặt đất, trong lỗ khoan, trong hầm lò, trên không, nhằm nghiên cứu phát hiện đối tượng có các tính chất phóng xạ của đất, đá và quặng khác biệt với môi trường xung quanh.
- Quy chuẩn này áp dụng cho các phương pháp đang được sử dụng rộng rãi trong điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản và thăm dò khoáng sản, gồm:
+ Phương pháp gamma mặt đất;
+ Phương pháp phổ gamma mặt đất;
+ Phương pháp phổ gamma phông thấp;
+ Phương pháp đo khí phóng xạ;
+ Phương pháp gamma môi trường;
+ Phương pháp khí phóng xạ môi trường;
+ Phương pháp xác định liều tương đương.
QCVN 59:2014/BTNMT về Phương pháp thăm dò phóng xạ? Mục tiêu, nhiệm vụ của thăm dò phóng xạ là gì?
Đề án thăm dò phóng xạ được quy định như thế nào?
Căn cứ tại Mục 1.5 Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 59: 2014/BTNMT quy định Đề án thăm dò phóng xạ như sau:
- Đề án thăm dò phóng xạ được thành lập ở dạng độc lập hoặc là một phần trong đề án điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, thăm dò khoáng sản.
- Khi lập đề án phải có các thông tin về đặc điểm, tính chất vật lý phóng xạ và chiều sâu của đối tượng địa chất, của các đới khoáng hóa và thân quặng từ việc thu thập, xử lý các tài liệu đã có ở các giai đoạn trước. Phải căn cứ vào mục tiêu nghiên cứu, chiều sâu, diện phân bố của các đối tượng địa chất để lựa chọn hợp lý và hiệu quả các phương pháp thăm dò phóng xạ.
- Nội dung và hình thức của đề án thăm dò phóng xạ phải tuân thủ các quy định đối với đề án điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, thăm dò khoáng sản hiện hành.
Phương tiện kỹ thuật dùng trong thăm dò phóng xạ được quy định như thế nào?
Căn cứ tại Mục 2.2 Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 59: 2014/BTNMT quy định phương tiện kỹ thuật dùng trong thăm dò phóng xạ như sau:
- Phương tiện kỹ thuật chủ yếu dùng cho thăm dò phóng xạ là các máy đo bức xạ gamma, máy đo phổ gamma, máy đo khí phóng xạ và các thiết bị, dụng cụ kèm theo.
- Cán bộ kỹ thuật thực hiện phương pháp thăm dò phóng xạ phải là người nắm vững quy trình, kỹ thuật sử dụng thiết bị.
- Máy thăm dò phóng xạ phải được kiểm định, hiệu chuẩn và có đầy đủ hồ sơ kỹ thuật trước khi sử dụng. Các số liệu kiểm định và hiệu chuẩn phải ghi vào sổ theo dõi máy; giấy chứng nhận kiểm định, hiệu chuẩn phải được lưu giữ trong hồ sơ.
- Máy thăm dò phóng xạ kể cả máy mới chế tạo và sau khi sửa chữa phải được kiểm định, hiệu chuẩn trước khi đưa vào sử dụng.
- Khi tiến hành thăm dò phóng xạ phải tuân thủ các quy định về an toàn lao động, an toàn bức xạ cho người và thiết bị.
- Khi thăm dò phóng xạ bằng phương pháp phổ gamma, máy đo phải được hiệu chuẩn trên mô hình bão hòa quốc gia để xác định hàm lượng các nguyên tố phóng xạ Urani, Thori, Kali của đối tượng đo.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.