Phó Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm, công khai cán bộ, công chức, viên chức để xảy ra chậm trễ, gây phiền hà trong cải cách thủ tục hành chính?
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo 252/TB-VPCP năm 2023 ngày 29/6/2023 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại cuộc họp công tác cải cách thủ tục hành chính và nâng cao hiệu quả tư vấn chính sách cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Tầm quan trọng của Cải cách thủ tục hành chính như thế nào?
Tại mục 1 Thông báo 252/TB-VPCP năm 2023 nhấn mạnh:
- Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) là nhiệm vụ quan trọng phải được triển khai mạnh mẽ, thường xuyên, đồng bộ, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo đánh giá hiệu quả.
- Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Chương trình, Kế hoạch, Đề án quan trọng tập trung triển khai trong giai đoạn 2021-2025 như:
+ (1) Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025;
+ (2) Kế hoạch rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước giai đoạn 2022-2025;
+ (3) Phương án phân cấp giải quyết TTHC;
+ (4) Đề án đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC;
+ (5) Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).
Phó Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm, công khai cán bộ, công chức, viên chức để xảy ra chậm trễ, gây phiền hà?(Hình internet)
Tình hình triển khai cải cách thủ tục hành chính nước ta hiện nay?
*Tình hình:
Theo Thông báo 252/TB-VPCP năm 2023 nêu rõ, công tác cải cách thủ tục hành chính vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như người đứng đầu một số cơ quan chưa thực sự quan tâm, quyết liệt chỉ đạo;
- Việc rà soát, trình và thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh còn chậm (còn 714/1.146 quy định đã được phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa chưa được thực thi) và chưa chú trọng tham vấn lấy ý kiến các hiệp hội, doanh nghiệp, đối tượng chịu tác động khi ban hành thủ tục hành chính, quy định kinh doanh;
- 618/699 thủ tục hành chính chưa được thực thi phương án phân cấp; 808/1.146 thủ tục hành chính chưa được đơn giản hóa theo 19 Nghị quyết chuyên đề về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý cư dân…
- Việc công bố TTHC nội bộ tại một số cơ quan chậm tiến độ, phạm vi chưa đầy đủ; ...
- Ngoài ra, số lượng các tổ chức phối hợp liên ngành hiện nay còn nhiều, trong đó, một số tổ chức hoạt động chưa hiệu quả, chưa đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đặt ra.
* Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên là do:
- Một số cơ quan, đơn vị chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhất là vai trò của người đứng đầu;
- Công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị còn thiếu chủ động, chặt chẽ, kịp thời;
- Còn tình trạng níu kéo, lợi ích cục bộ của ngành, lĩnh vực, thiếu phân cấp, phân quyền;
- Cơ sở pháp lý quy định Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh chưa được ban hành;
- Một số bộ phận cán bộ, công chức thực thi công vụ chưa nghiêm, năng lực, trình độ còn hạn chế;
- Thiếu kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu;
- Việc bố trí nguồn lực triển khai còn chưa đồng bộ.
Phó Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm, công khai cán bộ, công chức, viên chức để xảy ra chậm trễ, gây phiền hà trong cải cách hành chính?
Thông báo 252/TB-VPCP năm 2023 nhấn mạnh, nhiệm vụ Phó Thủ tướng yêu cầu đặt ra đối với các bộ, ngành, địa phương bao gồm:
- Thực hiện rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa ngay các quy định, TTHC (bao gồm cả TTHC nội bộ và phân cấp, ủy quyền trong giải quyết TTHC) liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân, nhất là các quy định, TTHC theo chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ tại Văn bản 547/TTg- KSTT ngày 15 tháng 6 năm 2023.
- Thực hiện nghiêm việc công bố, công khai, minh bạch đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin về TTHC trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC và tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định, hành vi hành chính trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
- Thực hiện đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công dựa trên dữ liệu trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm và công bố, công khai các cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan, đơn vị để xảy ra chậm trễ, gây phiền hà.
- Thực hiện nghiêm việc đánh giá tác động quy định, TTHC trong đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, trong đó kiên quyết chỉ ban hành TTHC, quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh mới trong trường hợp thật sự cần thiết, bảo đảm tính hợp lý, hợp pháp với chi phí tuân thủ thấp.
- Chủ động thực hiện các nhiệm vụ cải cách TTHC gắn với việc triển khai Đề án 06 và Chương trình chuyển đổi số quốc gia; tăng cường công tác truyền thông để nâng cao nhận thức tạo đồng thuận trong việc triển khai.
- Các Bộ, cơ quan làm nhiệm vụ cơ quan thường trực của các tổ chức phối hợp liên ngành chủ động đánh giá hiệu quả hoạt động, đề xuất phương án kiện toàn, giải thể các tổ chức phối hợp liên ngành (bao gồm cả tổ chức tư vấn chính sách cho Thủ tướng Chính phủ) gửi Bộ Nội vụ trước ngày 20 tháng 7 năm 2023 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
- Thực hiện báo cáo điện tử về tình hình, kết quả công tác cải cách TTHC, hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp trên Hệ thống thông tin báo cáo của Văn phòng Chính phủ theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ.
Như vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm, công khai cán bộ, công chức, viên chức để xảy ra chậm trễ, gây phiền hà tại Thông báo 252/TB-VPCP năm 2023 về kết luận tại cuộc họp công tác cải cách thủ tục hành chính và nâng cao hiệu quả tư vấn chính sách cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.