Phân cấp quản lý quốc lộ từ ngày 1/1/2025 thế nào? Điều chỉnh loại đường theo cấp quản lý ra sao?
Phân cấp quản lý quốc lộ từ ngày 1/1/2025 thế nào?
Dưới đây là thông tin phân cấp quản lý quốc lộ từ 1/1/2025:
Căn cứ Điều 4 Nghị định 165/2024/NĐ-CP quy định về phân cấp quản lý quốc lộ như sau:
(1) Phân cấp để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý quốc lộ bao gồm:
- Quốc lộ trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trừ quốc lộ quy định tại (2);
- Các công trình, hạng mục thuộc kết cấu hạ tầng đường bộ gắn với quốc lộ được phân cấp (nhà hạt quản lý đường bộ, công trình kiểm soát tải trọng xe, đất của đường bộ, hành lang an toàn đường bộ và các hạng mục khác thuộc kết cấu hạ tầng đường bộ);
- Các công trình cầu, hầm, bến phà nằm trên địa bàn hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Bộ Giao thông vận tải lấy ý kiến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan, trước khi quyết định một Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được phân cấp quản lý công trình này.
(2) Các quốc lộ không phân cấp, bao gồm:
- Đường cao tốc do Bộ Giao thông vận tải quản lý;
- Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh để kết nối các tuyến quốc lộ và các tuyến đường bộ khác theo chiều dọc đất nước;
- Quốc lộ có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm quốc phòng, an ninh;
- Tuyến, đoạn tuyến quốc lộ Nhà nước đã giao doanh nghiệp nhà nước đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì;
- Các trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
(3) Nguồn vốn để đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng quốc lộ khi phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, đầu tư, đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công tư, quản lý, sử dụng tài sản công và quy định khác của pháp luật có liên quan.
(4) Quốc lộ phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý phải thực hiện điều chuyển tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
(5) Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với quốc lộ được phân cấp
- Đầu tư, xây dựng quốc lộ được phân cấp theo quy hoạch mạng lưới đường bộ, quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ được duyệt;
- Quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ là quốc lộ được phân cấp quy định tại (1) theo quy định của pháp luật về đường bộ;
- Quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ là quốc lộ được phân cấp theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công;
- Bảo đảm kết nối giao thông đồng bộ về tải trọng, phương tiện tham gia giao thông trên đoạn quốc lộ được phân cấp quản lý với các tuyến đường bộ trong quy hoạch mạng lưới đường bộ, quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ và bảo đảm kết nối giao thông thuận lợi với các tuyến đường khác trong khu vực.
(6) Trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải
Thanh tra, kiểm tra quốc lộ phân cấp bảo đảm quy mô, chất lượng quốc lộ theo quy hoạch mạng lưới đường bộ, quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ được duyệt; bảo đảm kết nối giao thông theo quy định tại điểm d khoản 5 Điều 4 Nghị định 165/2024/NĐ-CP; việc chấp hành quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực đường bộ.
Phân cấp quản lý quốc lộ từ ngày 1/1/2025 thế nào? Điều chỉnh loại đường theo cấp quản lý ra sao? (Hình ảnh Internet)
Điều chỉnh loại đường theo cấp quản lý ra sao?
Căn cứ Điều 7 Nghị định 165/2024/NĐ-CP quy định về điều chỉnh loại đường theo cấp quản lý như sau:
- Bộ Giao thông vận tải quyết định điều chỉnh quốc lộ thành đường địa phương; đường địa phương và đường khác thành quốc lộ đối với các trường hợp sau:
+ Tuyến, đoạn tuyến quốc lộ điều chỉnh thành đường địa phương đối với các trường hợp: không có trong quy hoạch mạng lưới đường bộ, quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trừ trường hợp quốc lộ có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm quốc phòng, an ninh; đã đầu tư xây dựng tuyến tránh thay thế phù hợp với quy hoạch mạng lưới đường bộ, quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;
+ Tuyến, đoạn tuyến đường địa phương và đường bộ khác có trong quy hoạch mạng lưới đường bộ, quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì điều chỉnh thành quốc lộ.
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định điều chỉnh các loại đường địa phương theo cấp quản lý khi có thay đổi trong quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch khác có liên quan được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trừ quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định 165/2024/NĐ-CP.
- Việc điều chuyển tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ sau khi có quyết định điều chỉnh loại đường theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
Trách nhiệm quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ như thế nào?
Căn cứ Điều 9 Nghị định 165/2024/NĐ-CP quy định về trách nhiệm quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ như sau:
(1) Bộ Giao thông vận tải tổ chức quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng quốc lộ, trừ quốc lộ quy định tại khoản 1 Điều 4, khoản 1 Điều 5 và khoản 1 Điều 6 Nghị định 165/2024/NĐ-CP và quốc lộ đang trong thời hạn thực hiện hợp đồng đối tác công tư; tuyến, đoạn tuyến quốc lộ Nhà nước đã giao doanh nghiệp nhà nước đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì.
(2) Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường địa phương thuộc phạm vi quản lý, quốc lộ quy định tại khoản 4 Điều 8 Luật Đường bộ 2024 và khoản 1 Điều 4, khoản 1 Điều 5, khoản 1 Điều 6 Nghị định 165/2024/NĐ-CP.
(3) Người quản lý, sử dụng đường bộ có trách nhiệm trực tiếp tổ chức thực hiện quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ thuộc phạm vi quản lý và các công việc sau:
- Lập, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ;
- Tổ chức thực hiện công tác quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ được giao;
- Tổ chức thực hiện công tác bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ theo quy định tại Điều 21 Luật Đường bộ 2024, Điều 20 Nghị định 165/2024/NĐ-CP; phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi bị nghiêm cấm đối với kết cấu hạ tầng đường bộ quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 7 Luật Đường bộ 2024, các hành vi vi phạm hành chính đối với kết cấu hạ tầng đường bộ;
- Thực hiện các công việc khác về quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì theo quy định của Luật Đường bộ 2024, quy định tại Nghị định 165/2024/NĐ-CP và quy định của pháp luật có liên quan.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.