Phân biệt sự giống nhau và khác nhau giữa quyền con người và quyền công dân? Công dân Việt Nam có các quyền cơ bản nào?

Phân biệt sự giống nhau và khác nhau giữa quyền con người và quyền công dân? Công dân Việt Nam có các quyền cơ bản nào? Thắc mắc của anh T.A ở Bình Dương.

Phân biệt sự giống nhau và khác nhau giữa quyền con người và quyền công dân?

- Giống nhau:

Căn cứ tại Điều 3 Hiến pháp 2013, quyền con người và quyền công dân là những quyền cơ bản, quan trọng được quy định trong Hiến pháp.

Quyền công dân và quyền con người là hai phạm trù rất gần gũi với nhau nhưng không đồng nhất. Nhân quyền và dân quyền đều là những quyền lợi mà mọi công dân đều được hưởng và được bảo vệ (trừ những người không có quốc tịch).

Trong đó quyền công dân có nghĩa hẹp hơn so với quyền con người, về bản chất quyền công dân là những quyền con người được nhà nước thừa nhận và áp dụng cho công dân nước mình. Một số quyền công dân cũng là quyền con người như: quyền được có nhà ở, quyền tự do kinh doanh buôn bán, tự do ngôn luận, quyền được học tập, quyền được tham gia quản lí nhà nước và xã hôi, quyền được bảo vệ về sức khỏe…

- Khác nhau:

Tiêu chí phân biệt

Quyền con người

Quyền công dân

Khái niệm

Quyền con người (Nhân quyền) là những quyền tự nhiên của con người có từ lúc đã thành hình bào thai tới lúc đã chết đi và không bị tước bỏ bởi bất cứ ai hay bất cứ chủ thể nào. Theo định nghĩa của Văn phòng Cao ủy Liên Hiệp Quốc, nhân quyền là những bảo đảm pháp lý toàn cầu có tác dụng bảo vệ các cá nhân và các nhóm chống lại những hành động hoặc sự bỏ mặc mà làm tổn hại đến nhân phẩm, những tự do cơ bản của con người.

Quyền công dân (Dân quyền) là quyền của một người được công nhận theo các điều kiện Pháp lý để trở thành thành viên hợp pháp của một Quốc gia có chủ quyền (Quốc tịch). Một người có thể là công dân của nhiều Quốc gia hoặc không là công dân của bất cứ Quốc gia nào. Mỗi một Quốc gia đều có các quy định pháp lý riêng để cho một người trở thành công dân Quốc gia đó, và được hưởng các quyền riêng biệt, đồng thời phải thực hiện các nghĩa vụ của mình.

Bản chất

Là những quyền cơ bản tự nhiên mà có không ai hay bất cứ chủ thể nào có thể tước bỏ hay ban phát, kể cả khi người đó là người không quốc tịch, người bị hạn chế các quyền công dân. Tuy nhiên khi có sự xung đột giữa quyền công dân và quyền con người, Pháp luật của một số Quốc gia cho phép được tước đoạt một số quyền con người cơ bản như quyền được sống, quyền mưu cầu hành phúc…

Bao gồm cả Nhân quyền được Quốc gia thừa nhận. Tuy nhiên có những quyền đặc trưng riêng biệt khác mà phải là công dân thì mới được hưởng tại Quốc gia đó. Người được hưởng quyền này phải thực hiện các nghĩa vụ tương ứng theo quy định Pháp lý trước đó.

Đặc điểm

Áp dụng trên phạm vi quốc tế, được bảo đảm và thực hiện giống nhau, không thay đổi theo thời gian.

Chỉ áp dụng trong lãnh thổ quốc gia, mỗi quốc gia có mỗi quy định riêng về quyền mà công dân được hưởng, có thể thay đổi theo thời gian.

Chủ thể nắm quyền

Tất cả những ai là con người, từ lúc bào thai đã thành hình, được sinh ra cho tới lúc đã chết đi. Nói cách khác, quyền con người được áp dụng một cách bình đẳng với tất cả mọi người thuộc mọi dân tộc đang sinh sống trên phạm vi toàn cầu, không phụ thuộc vào biên giới quốc gia, tư cách cá nhân hay môi trường sống của chủ thể.

Là “các cá nhân đặt trong mối quan hệ với nhà nước, dựa trên tổng thể các quyền và nghĩa vụ pháp lý của mỗi cá nhân được nhà nước đó quy định tạo nên địa vị pháp lý của công dân”, do vậy quyền công dân chỉ mang tính chất quốc gia.

Thời điểm phát sinh quyền

Từ khi con người được sinh ra.

Từ khi chủ thể đáp ứng được đầy đủ các điều kiện mà mà pháp luật của mỗi quốc gia quy định.

Cơ chế bảo đảm thực hiện

Luật Quốc tế về Quyền con người có một hệ thống cơ chế đảm bảo việc tôn trọng, thực hiện và bảo vệ quyền con người khá rộng. Từ cơ chế có tính toàn cầu, khu vực tới Quốc gia bằng các hình thức thực hiện là báo cáo của các Quốc gia thành viên, thiết lập các tổ chức giám sát về Nhân quyền của Liên hợp Quốc lẫn các tổ chức khu vực

Khác so với nhân quyền, cơ chế đảm bảo dân quyền hẹp hơn. Quyền công dân bó hẹp trong mối quan hệ của một Nhà nước với cá nhân, được ghi nhận trong văn bản pháp lý cao nhất. Mọi cá nhân của một nước mang quốc tịch của nước đó đồng thời là chủ thể của quyền con người và quyền công dân.


Việc thực hiện quyền công dân hay có thể nói là quy định về quyền công dân tại các quốc gia khác nhau thì khác nhau bởi nó phụ thuộc vào chế độ chính trị, trình độ phát triển kinh tế, xã hội.

Phân biệt sự giống nhau và khác nhau giữa quyền con người và quyền công dân? Công dân Việt Nam có các quyền cơ bản nào? (Hình từ internet)

Công dân Việt Nam có các quyền cơ bản nào?

Căn cứ từ Điều 19 đến Điều 43 Hiến pháp 2013, công dân Việt Nam có các quyền cơ bản như sau:

- Quyền được sống

- Quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được bảo vệ sức khỏe, danh dự, nhân phẩm

- Quyền bất khả xâm phạm đời sống riêng tư, được bảo vệ danh dự, uy tín

- Quyền có nơi ở hợp pháp, bất khả xâm phạm về nơi ở

- Quyền tự do đi lại, cư trú

- Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo

- Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí

- Quyền được bình đẳng về giới tính

- Các quyền bầu cử, ứng cử, tham gia quản lý nhà nước, biểu quyết khi trưng cầu dân ý

- Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm

- Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội

- Quyền được làm việc

- Một số quyền khác của công dân Việt Nam

+ Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập.

+ Mọi người có quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ, sáng tạo văn học, nghệ thuật và thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động đó.

+ Mọi người có quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa.

+ Công dân có quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp.

+ Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường…

Công dân Việt Nam có nghĩa vụ cơ bản gì?

Căn cứ theo quy định tại Điều 44 đến Điều 47 Hiến pháp 2013, công dân Việt Nam có các nghĩa vụ cơ bản sau đây:

- Công dân có nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc.

Phản bội Tổ quốc là tội nặng nhất.

- Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân.

- Công dân phải thực hiện nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân.

- Công dân có nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp và pháp luật; tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và chấp hành những quy tắc sinh hoạt công cộng.

- Mọi người có nghĩa vụ nộp thuế theo luật định.

MỚI NHẤT
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Nguyễn Văn Phước Độ Lưu bài viết
40,867 lượt xem
Tư vấn pháp luật mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào