Phân biệt biển báo đường ưu tiên và đường không ưu tiên? Không tuân thủ biển báo giao nhau với đường ưu tiên bị phạt thế nào?

Phân biệt biển báo đường ưu tiên và đường không ưu tiên ra sao? Không tuân thủ biển báo giao nhau với đường ưu tiên bị phạt thế nào? Câu hỏi của chị Mai đến từ Hà Nội.

Phân biệt biển báo đường ưu tiên và đường không ưu tiên?

Căn cứ theo khoản 3.6 Điều 3 Chương 1 Quy chuẩn QCVN 41:2019/BGTVT, đường ưu tiên là đường mà trên đó phương tiện tham gia giao thông được các phương tiện giao thông đến từ hướng khác nhường đường khi qua nơi đường giao nhau, được đặt biển báo hiệu đường ưu tiên.

Đồng thời, căn cứ theo khoản 3.8 Điều 3 Chương 1 Quy chuẩn QCVN 41:2019/BGTVT, đường không ưu tiên là đường giao cùng mức với đường ưu tiên.

Theo Điều 32 Chương 1 Quy chuẩn QCVN 41:2019/BGTVT, biển báo giao nhau với đường ưu tiên được ký hiệu là W.208. Đây là một trong các biển báo thuộc nhóm biển báo nguy hiểm và cảnh báo, có giá trị hiệu lệnh trên các làn đường của chiều xe chạy.

Đặc điểm nhận diện: biển báo giao nhau với đường ưu tiên có hình tam giác đều, 3 đỉnh lượng tròn, một cạnh nằm ngang và đỉnh tương ứng hướng xuống dưới. Được minh họa ở hình sau:

Theo Điều 32 Chương 1 Quy chuẩn QCVN 41:2019/BGTVT, biển giao nhau với đường không ưu tiên (đường nhánh) ký hiệu là W.207 (a,b,c,d,e,f,g,h,i,k,l).

Trên đường ưu tiên, để báo trước sắp đến nơi giao nhau với đường không ưu tiên, đặt biển số W.207 (a,b,c,d,e,f,g,h,i,k,l). Tùy theo hình dạng nơi giao nhau và hướng đường ưu tiên hay không ưu tiên để chọn kiểu biển hoặc vẽ hình dạng hình vẽ cho phù hợp với thực tế nút giao.

Tại chỗ đường giao với các ngõ, ngách, hẻm hoặc tương tự, tùy theo điều kiện giao thông có thể xem xét sử dụng biển số W.207 khi cần thiết.

Biển giao nhau với đường không ưu tiên là các biển minh họa dưới đây:

Xem chi tiết nội dung các biển báo giao nhau với đường không ưu tiên tại: Mục C.7 Phụ lục C Quy chuẩn QCVN 41:2019/BGTVT.

Phân biệt biển báo đường ưu tiên và đường không ưu tiên? Không tuân thủ biển báo giao nhau với đường ưu tiên bị phạt thế nào?

Phân biệt biển báo đường ưu tiên và đường không ưu tiên? Không tuân thủ biển báo giao nhau với đường ưu tiên bị phạt thế nào? (Hình từ Internet)

Khi gặp biển báo giao nhau với đường ưu tiên người điều khiển cần phải làm gì?

Căn cứ theo quy định tại Quy chuẩn QCVN 41:2019/BGTVT, biển báo W.208 “Giao nhau với đường ưu tiên” được bố trí trên tất cả các nhánh đường giao với đoạn đường ưu tiên ở nơi đường giao nhau. Cụ thể:

- Trong khu đông dân cư: Đặt trực tiếp trước vị trí giao nhau với đường ưu tiên.

- Ngoài khu đông dân cư: Tùy khoảng cách đặt xa hay gần vị trí giao nhau với đường ưu tiên mà lắp thêm biển phụ S.502 “Khoảng cách đến đối tượng báo hiệu”.

Biển báo giao nhau với đường ưu tiên được sử dụng để báo trước sắp đến nơi giao nhau với đường ưu tiên.

Nếu đang đi trên đường mà thấy đặt biển báo giao nhau với đường ưu tiên, các tài xế phải nhường đường cho xe đi trên đường ưu tiên khi qua nơi giao nhau, trừ các loại xe được quyền ưu tiên theo quy định.

Căn cứ khoản 1 Điều 22 Luật Giao thông đường bộ 2008, các xe ưu tiên bao gồm: Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ; xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường; xe cứu thương đang cấp cứu; xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ khẩn cấp; đoàn xe tang.

Như vậy, ngoại trừ các xe ưu tiên nêu trên, các phương tiện còn lại khi lưu thông trên đường gặp biển giao nhau với đường ưu tiên đều phải chú ý quan sát, nhường đường cho phương tiện đi từ phía đường ưu tiên.

Không tuân thủ biển báo giao nhau với đường ưu tiên bị phạt thế nào?

Căn cứ theo quy định tại các Điều 5, Điều 6, Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP) quy định xử phạt đối với hành vi không tuân thủ biển báo giao nhau với đường ưu tiên như sau:

* Đối với xe ô tô:

- Phạt tiền từ 800.000 đồng - 1.000.000 đồng (căn cứ theo điểm n khoản 3 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

- Trong trường hợp gây tại nạn: Tước Giấy phép lái xe từ 02 tháng - 04 tháng (căn cứ theo điểm c khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)

* Đối với xe máy:

- Phạt tiền từ 300.000 đồng - 400.000 đồng (căn cứ theo điểm e khoản 2 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, một số cụm từ bị thay thế bởi điểm k khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP)

- Trong trường hợp gây tai nạn: Tước Giấy phép lái xe từ 02 tháng - 04 tháng (căn cứ theo điểm c khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)

* Đối với xe máy chuyên dùng, máy kéo:

- Phạt tiền từ 400.000 đồng - 600.000 đồng (căn cứ theo điểm đ khoản 3 Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

- Trường hợp gây tai nạn: Tước Giấy phép lái xe (máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (xe máy chuyên dùng) từ 02 tháng - 04 tháng (căn cứ theo điểm b khoản 10 Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

* Đối với xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện):

- Phạt tiền từ 80.000 đồng - 100.000 đồng đối với hành vi vi phạm. (điểm n khoản 1 Điều 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)

MỚI NHẤT
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

38,604 lượt xem
Tư vấn pháp luật mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào