Nội dung, tần suất, trình tự kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu sau thông quan từ 13/7/2022?
Tần suất kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu sau thông quan?
Căn cứ khoản 10 Điều 1 Nghị định 46/2022/NĐ-CP bổ sung Điều 18a vào sau Điều 18, trong đó quy định tần suất kiểm tra tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu sau thông quan như sau:
- Kiểm tra định kỳ hằng năm với tần suất không quá 01 lần đối với 01 sản phẩm thức ăn chăn nuôi nhập khẩu có cùng nguồn gốc xuất xứ, không quá 01 lần đối với 01 đơn vị nhập khẩu. Việc lựa chọn sản phẩm và đơn vị nhập khẩu để kiểm tra hằng năm dựa theo các tiêu chí sau đây:
+ Đối với sản phẩm thức ăn chăn nuôi: Bản chất, công dụng, cơ sở sản xuất, nước sản xuất, số lượng nhập khẩu và giá trị nhập khẩu, kết quả kiểm tra chất lượng trong năm liền trước năm kiểm tra;
+ Đối với đơn vị nhập khẩu thức ăn chăn nuôi: Số lượng nhập khẩu đối với từng sản phẩm của đơn vị, mục đích nhập khẩu, kết quả chấp hành các quy định của pháp luật trong năm liền trước năm kiểm tra;
+ Các tiêu chí khác được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật về thức ăn chăn nuôi (nếu có);
- Kiểm tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm của đơn vị nhập khẩu, hoặc khi có tố cáo, khiếu nại về chất lượng sản phẩm hoặc theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền hoặc theo chỉ đạo của cơ quan quản lý cấp trên.
Nội dung, tần suất, trình tự kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu sau thông quan từ 13/7/2022? (Hình từ internet)
Trình tự kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu sau thông quan?
Căn cứ khoản 10 Điều 1 Nghị định 46/2022/NĐ-CP bổ sung Điều 18a vào sau Điều 18, trong đó quy định trình tự kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu sau thông quan như sau:
- Cục Chăn nuôi truy cập thông tin lô hàng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu trên Cổng thông tin một cửa quốc gia để làm căn cứ xây dựng Chương trình kiểm tra hằng năm quy định tại điểm b khoản này;
- Chương trình kiểm tra hằng năm gồm: Tên và địa chỉ đơn vị nhập khẩu cần kiểm tra, số sản phẩm cần kiểm tra, nội dung kiểm tra, cơ quan kiểm tra, thời gian kiểm tra, thời gian báo cáo kết quả kiểm tra;
- Trước ngày 30 tháng 10 hằng năm, Cục Chăn nuôi thông báo Chương trình kiểm tra tới Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Cơ quan kiểm tra tại khoản 1 Điều này tiến hành kiểm tra và lập biên bản kiểm tra theo Mẫu số 16.TACN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này; xử lý kết quả kiểm tra theo quy định của pháp luật.
Nội dung kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu sau thông quan?
Căn cứ khoản 10 Điều 1 Nghị định 46/2022/NĐ-CP bổ sung Điều 18a vào sau Điều 18, trong đó quy định nội dung kiểm tra được quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 41; khoản 2, khoản 4 Điều 43; khoản 2 Điều 49 Luật Chăn nuôi 2018.
Cụ thể bao gồm các nội dụng sau:
- Tổ chức, cá nhân nhập khẩu thức ăn chăn nuôi phải có hoặc thuê kho bảo quản thức ăn chăn nuôi đáp ứng yêu cầu bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật và khuyến cáo của tổ chức, cá nhân cung cấp.
- Tổ chức, cá nhân chỉ được nhập khẩu thức ăn chăn nuôi đã được công bố thông tin trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Nội dung kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi thương mại sản xuất và lưu hành trong nước bao gồm:
+ Việc thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng và công bố hợp quy (nếu có);
+ Việc thực hiện các biện pháp quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi;
+ Việc thực hiện ghi nhãn sản phẩn thức ăn chăn nuôi;
+ Lấy mẫu thức ăn chăn nuôi để kiểm tra sự phù hợp của sản phẩm với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng và quy định khác của pháp luật có liên quan, trong đó tập trung kiểm tra, đánh giá các chỉ tiêu an toàn, chỉ tiêu chất chính trong thức ăn chăn nuôi.
- Nội dung kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu bao gồm:
- Kiểm tra hồ sơ nhập khẩu;
- Kiểm tra thực tế về số lượng, khối lượng, quy cách bao gói, ghi nhãn, hạn sử dụng, xuất xứ và các chỉ tiêu cảm quan khác của sản phẩm;
- Lấy mẫu thức ăn chăn nuôi để thử nghiệm đánh giá sự phù hợp về chất lượng và an toàn của sản phẩm.
- Nội dung kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi xuất khẩu bao gồm:
+ Kiểm tra hồ sơ công bố chất lượng và công bố hợp quy (nếu có);
+ Kiểm tra thực tế về quy cách bao gói, ghi nhãn, hạn sử dụng, cảm quan về sản phẩm;
+ Phân tích chất lượng theo yêu cầu của doanh nghiệp hoặc tổ chức, cá nhân, nước nhập khẩu.
- Cơ sở mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi có nghĩa vụ sau đây:
+ Bảo đảm các điều kiện cơ sở mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi trong quá trình hoạt động;
+ Tuân thủ quy định của pháp luật trong việc bảo đảm chất lượng, thông tin về nguồn gốc, xuất xứ của thức ăn chăn nuôi;
+ Áp dụng các biện pháp bảo quản chất lượng sản phẩm theo khuyến cáo của tổ chức, cá nhân sản xuất nhằm duy trì chất lượng thức ăn chăn nuôi;
+ Niêm yết giá và chấp hành việc kiểm tra về giá thức ăn chăn nuôi;
+ Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra về điều kiện mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu và chất lượng thức ăn chăn nuôi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
+ Không mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm có chất cấm sử dụng trong thức ăn chăn nuôi;
+ Chỉ được mua bán, nhập khẩu các loại thức ăn chăn nuôi đã công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
+ Ghi và lưu các thông tin của thức ăn chăn nuôi trong quá trình mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu để bảo đảm truy xuất nguồn gốc;
+ Xây dựng quy trình đánh giá và lựa chọn tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc cung cấp thức ăn chăn nuôi nhập khẩu; xây dựng và thực hiện kế hoạch kiểm tra chất lượng lô hàng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu để bảo đảm phù hợp với hợp đồng mua bán, tiêu chuẩn công bố áp dụng và quy chuẩn kỹ thuật.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.