Niêm phong tài liệu của đối tượng thanh tra được thực hiện trong trường hợp nào? Khi nào kết thúc việc niêm phong tài liệu?
Ai có thẩm quyền ra quyết định niêm phong tài liệu?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 81 Luật Thanh tra 2022 về nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng đoàn thanh tra như sau:
Nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng đoàn thanh tra
1. Trưởng đoàn thanh tra có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Tổ chức, chỉ đạo các thành viên Đoàn thanh tra thực hiện đúng nội dung quyết định thanh tra;
b) Kiến nghị người ra quyết định thanh tra áp dụng biện pháp thuộc thẩm quyền theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan để bảo đảm thực hiện yêu cầu, mục đích thanh tra;
c) Yêu cầu đối tượng thanh tra cung cấp thông tin, tài liệu và báo cáo, giải trình về vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu về nội dung thanh tra;
d) Yêu cầu, đề nghị người có thẩm quyền quyết định việc tạm giữ tài sản, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị sử dụng trái pháp luật; yêu cầu cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc tạm giữ tài sản kiểm kê;
đ) Yêu cầu tổ chức tín dụng phong tỏa tài khoản của đối tượng thanh tra; đề nghị cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, cơ quan khác có thẩm quyền có biện pháp để ngăn chặn kịp thời đối tượng thanh tra có hành vi hủy hoại, tẩu tán tài sản;
e) Quyết định niêm phong tài liệu;
g) Quyết định kiểm kê tài sản;
h) Đình chỉ hoặc kiến nghị người có thẩm quyền đình chỉ hành vi vi phạm;
i) Kiến nghị người có thẩm quyền tạm đình chỉ việc thi hành quyết định kỷ luật, chuyển công tác, cho thôi việc, cho nghỉ hưu đối với đối tượng thanh tra hoặc người cung cấp thông tin, tài liệu về nội dung thanh tra nếu có căn cứ cho rằng việc thi hành quyết định đó gây trở ngại cho hoạt động thanh tra;
k) Xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền;
l) Báo cáo người ra quyết định thanh tra về kết quả thanh tra và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực, khách quan của báo cáo đó;
m) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của luật.
Như vậy, căn cứ vào điểm e khoản 1 Điều 81 Luật Thanh tra 2022 nêu trên thì Trưởng đoàn thanh tra là người có thẩm quyền ra quyết định niêm phong tài liệu của đối tượng thanh tra.
Niêm phong tài liệu của đối tượng thanh tra được thực hiện trong trường hợp nào? Khi nào kết thúc việc niêm phong tài liệu? (Hình từ Internet)
Niêm phong tài liệu của đối tượng thanh tra được thực hiện khi nào?
Về điều kiện niêm phong, khoản 1 Điều 85 Luật Thanh tra 2022 có quy định như sau:
Niêm phong tài liệu
1. Trưởng đoàn thanh tra quyết định niêm phong một phần hoặc toàn bộ tài liệu của đối tượng thanh tra khi có căn cứ cho rằng tài liệu đó có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật hoặc cần bảo đảm nguyên trạng tài liệu.
Quyết định niêm phong tài liệu phải bằng văn bản, trong đó ghi rõ tài liệu cần niêm phong, thời hạn niêm phong và nghĩa vụ của đối tượng thanh tra. Tài liệu niêm phong phải được lập thành danh mục có chữ ký của đại diện Đoàn thanh tra, đối tượng thanh tra.
Theo đó, Trưởng đoàn thanh tra quyết định niêm phong một phần hoặc toàn bộ tài liệu của đối tượng thanh tra khi xảy ra 01 trong 02 trường hợp sau:
- Có căn cứ cho rằng tài liệu đó có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật;
- Cần bảo đảm nguyên trạng tài liệu.
Việc quyết định niêm phong tài liệu phải được lập thành văn bản và có đầy đủ chữ ký của đại diện Đoàn thanh tra và đối tượng thanh tra.
Khi nào kết thúc việc niêm phong tài liệu?
Việc niêm phong tài liệu sẽ kết thúc khi hết thời hạn niêm phong được quy định tại khoản 2 Điều 85 Luật Thanh tra 2022 như sau:
Niêm phong tài liệu
...
2. Thời hạn niêm phong tài liệu không được dài hơn thời gian tiến hành thanh tra trực tiếp tại nơi được thanh tra. Việc khai thác, sử dụng tài liệu niêm phong phải được sự đồng ý của Trưởng đoàn thanh tra.
Theo đó, thời hạn niêm phong tài liệu được xác định không quá thời gian tiến hành thanh tra trực tiếp.
Ngoài ra, tại khoản 2 Điều 81 Luật Thanh tra 2022 có quy định:
Nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng đoàn thanh tra
...
2. Khi việc áp dụng biện pháp quy định tại các điểm d, đ, e, h và i khoản 1 Điều này không còn cần thiết thì Trưởng đoàn thanh tra phải quyết định hoặc kiến nghị hủy bỏ ngay việc áp dụng biện pháp đó.
Dẫn chiếu đến điểm e khoản 1 Điều 81 Luật Thanh tra 2022 như sau:
Nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng đoàn thanh tra
1. Trưởng đoàn thanh tra có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Tổ chức, chỉ đạo các thành viên Đoàn thanh tra thực ...
e) Quyết định niêm phong tài liệu;
Như vậy, kết hợp với những quy định nêu trên, việc niêm phong tài liệu của đối tượng thanh tra sẽ kết thúc khi:
- Kết thúc thời hạn niêm phong;
- Có quyết định hoặc kiến nghị hủy bỏ của Trưởng đoàn thanh tra khi xét thấy không còn cần thiết.
Mẫu quyết định niêm phong tài liệu được viết như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Thông tư 06/2021/TT-TTCP quy định về tổ chức, hoạt động của Đoàn thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra như sau:
Mẫu văn bản thực hiện quyền trong hoạt động thanh tra
1. Quyết định niêm phong tài liệu được thực hiện theo Mẫu số 12, Biên bản niêm phong tài liệu được thực hiện theo Mẫu số 13, Quyết định mở niêm phong tài liệu được thực hiện theo Mẫu số 14, Biên bản mở niêm phong tài liệu được thực hiện theo Mẫu số 15 ban hành kèm theo Thông tư này.
Như vậy, quyết định niêm phong tài liệu của đối tượng thanh tra được thực hiện theo Mẫu 12 ban hành kèm theo Thông tư 06/2021/TT-TTCP.
Tải Mẫu quyết định niêm phong tài liệu Tại đây.
Luật Thanh tra 2022 sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2023
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.