Những vướng mắc việc xác định người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự đã được VKSNDTC giải đáp như thế nào?
Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự là những ai?
Căn cứ khoản 4 Điều 68 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Trường hợp việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của một người nào đó mà không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Tòa án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Những vướng mắc việc xác định người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự đã được VKSNDTC giải đáp như thế nào? (Hình từ Internet)
VKSNDTC giải đáp vướng mắc trong việc xác định người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự như thế nào?
Ngày 15/02/2023, VKSNDTC ban hành Công văn 443/VKSTC-V9 năm 2023 về việc giải đáp vướng mắc về nghiệp vụ kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình.
Theo đó, VKSNDTC đã giải đáp vướng mắc về nghiệp vụ kiểm sát trong việc xác định người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự tại câu 3 Công văn 443/VKSTC-V9 năm 2023 như sau:
Vướng mắc 1. Diện tích đất tranh chấp chưa được cấp GCNQSDĐ, được quy hoạch xây dựng công trình công cộng, có quyết định ghi rõ giao cho Ủy ban nhân dân xã quản lý trong thời gian chờ thực hiện dự án. Tuy nhiên, có người dân sống trên đất thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và sau đó tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng.
Khi Tòa án giải quyết vụ án đã không đưa Ủy ban nhân dân có thẩm quyền vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Quá trình giải quyết các đương sự thỏa thuận với nhau và Tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự, theo đó, quyết định giao diện tích đất tranh chấp cho đương sự quản lý, sử dụng và sau khi Quyết định này có hiệu lực pháp luật, đương sự chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người khác.
Vậy việc Tòa án không đưa Ủy ban nhân dân có thẩm quyền vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có vi phạm thủ tục tố tụng hay không?
VKSNDTC Trả lời:
Các bên thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất khi chưa được cấp GCNQSDĐ, đất thuộc quy hoạch công trình công cộng và đang được giao cho Ủy ban nhân dân xã quản lý trong thời gian chờ thực hiện dự án là vi phạm điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai 2013. Tòa án không đưa Ủy ban nhân dân xã được giao quản lý đất vào tham gia tố tụng trong trường hợp này là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước.
Vướng mắc 2. Bà C khởi kiện yêu cầu bà A chia tài sản chung là quyền sử dụng đất. Bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm đều tuyên bác yêu cầu của bà C. Sau khi có bản án phúc thẩm, bà A đã chuyển nhượng toàn bộ thửa đất tranh chấp cho ông N, ông N đã được cấp GCNQSDĐ và đã thế chấp thửa đất để vay tiền tại Ngân hàng. Bà C có đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm và được kháng nghị. Quyết định giám đốc thẩm đã tuyên hủy bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm để xét xử sơ thẩm lại.
Khi xét xử sơ thẩm lại, bà C vẫn yêu cầu được chia tài sản là quyền sử dụng đất, yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bà A với ông N, hủy GCNQSDĐ của ông N. GCNQSDĐ của ông N vẫn đang được thế chấp tại Ngân hàng nhưng Tòa án không đưa Ngân hàng vào tham gia tố tụng.
Sau đó, tại phiên tòa thì bà C xác định bà chỉ yêu cầu chia giá trị quyền sử dụng đất. Vậy việc Tòa án không đưa Ngân hàng vào tham gia tố tụng có phải là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng không?
VKSNDTC trả lời:
Khi thụ lý vụ án để xét xử sơ thẩm lại, Tòa án không đưa Ngân hàng vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Tuy nhiên, tại phiên tòa thì bà C xác định bà chỉ yêu cầu chia giá trị quyền sử dụng đất.
Vì vậy, nếu yêu cầu của bà C được Tòa án chấp nhận thì sẽ chỉ làm phát sinh nghĩa vụ của bà A phải trả một khoản tiền cho bà C tương đương giá trị quyền sử dụng đất thuộc phần của bà C, không ảnh hưởng đến hoặc làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của ông N và Ngân hàng. Do đó, việc đưa Ngân hàng vào tham gia tố tụng là không cần thiết nữa nên không xác định là Tòa án có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Vướng mắc 3. Anh C có nguyện vọng đi du học tự túc tại Hàn Quốc nên đã ký Hợp đồng tư vấn du học với Công ty A. Theo đó, Công ty A đã tiến hành các thủ tục để anh C dự tuyển vào chương trình du học tự túc và nhập học tại Trường Đại học D ở Hàn Quốc.
Để bảo đảm cho việc thực hiện các nội dung trên, giữa Công ty A với anh C và ông B (bố anh C) đã ký thỏa thuận cam kết bảo lãnh nếu anh C bỏ học không có lý do trong thời hạn 05 ngày liên tục theo thông báo của Nhà trường thì ông B cam kết bồi thường cho Công ty số tiền 200.000.000 đồng.
Sau đó, Công ty A nhận được thông báo của Trường Đại học D về việc anh C vắng học hơn 01 năm. Công ty A khởi kiện yêu cầu ông B phải bồi thường cho Công ty số tiền 200.000.000 đồng.
Khi giải quyết vụ án, Tòa án có phải đưa Trường Đại học D vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không?
VKSNDTC trả lời:
Theo khoản 4 Điều 68 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là người tuy không khởi kiện, không bị kiện nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ, tức là kết quả giải quyết vụ án sẽ khiến họ được hưởng quyền lợi hoặc phải thực hiện nghĩa vụ với người khác hoặc có sự thay đổi về quyền lợi, nghĩa vụ mà họ đã có từ trước.
Thông tin về vụ án nêu trên không cho thấy việc giải quyết trách nhiệm bồi thường của ông B với công ty A có tác động gì đến quyền lợi, nghĩa vụ của Trường Đại học D nên không cần thiết phải đưa Trường Đại học D vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có quyền và nghĩa vụ gì?
Căn cứ Điều 73 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền, nghĩa vụ sau đây:
- 26 quyền, nghĩa vụ chung của đương sự quy định tại Điều 70 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015
- Có thể có yêu cầu độc lập hoặc tham gia tố tụng với bên nguyên đơn hoặc với bên bị đơn.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.