Những loại hóa chất nào cần kiểm soát đặc biệt khi nhập khẩu? Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân thực hiện khai báo hóa chất qua Cổng thông tin một cửa quốc gia là gì?
Các hóa chất nào cần kiểm soát đặc biệt khi nhập khẩu?
Căn cứ tại Điều 27 Nghị định 113/2017/NĐ-CP (được bổ sung bởi điểm b khoản 14 Điều 1 Nghị định 82/2022/NĐ-CP) quy định các hóa chất cần kiểm soát đặc biệt khi nhập khẩu như sau:
Khai báo hóa chất nhập khẩu
...
4a. Các hóa chất cần kiểm soát đặc biệt khi nhập khẩu
a) Các hóa chất nguy hiểm cần kiểm soát khi thực hiện thủ tục khai báo hóa chất nhập khẩu bao gồm: dinitơ monoxit, các hợp chất của xyanua, thủy ngân và các hợp chất của thủy ngân;
b) Trong thời hạn 16 giờ làm việc, kể từ thời điểm hệ thống của Bộ Công Thương tiếp nhận hồ sơ khai báo đối với các trường hợp quy định tại điểm a khoản này, Cơ quan tiếp nhận thông tin khai báo của Bộ Công Thương (Cục Hóa chất) có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ và phản hồi thông tin khai báo hóa chất nhập khẩu cho tổ chức, cá nhân khai báo. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Cơ quan tiếp nhận thông tin khai báo của Bộ Công Thương (Cục Hóa chất) gửi phản hồi qua Cổng thông tin một cửa quốc gia đến tổ chức, cá nhân khai báo hóa chất để bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ. Các trường hợp hồ sơ không hợp lệ bao gồm: tổng khối lượng hóa chất nhập khẩu tính từ đầu năm đến thời điểm khai báo lớn hơn khối lượng được cấp phép trong năm, các tài liệu đính kèm không đúng theo quy định tại khoản 3 Điều này, thông tin khai báo hóa chất nhập khẩu chưa chính xác. Trường hợp hồ sơ hợp lệ, Cơ quan tiếp nhận thông tin khai báo của Bộ Công Thương (Cục Hóa chất) phê duyệt hồ sơ và phản hồi thông tin khai báo, thông tin được phản hồi qua Cổng thông tin một cửa quốc gia tới tổ chức, cá nhân khai báo và cơ quan hải quan”.
Như vậy theo quy định trên dinitơ monoxit, các hợp chất của xyanua, thủy ngân và các hợp chất của thủy ngân là các hóa chất nào cần kiểm soát đặc biệt khi nhập khẩu.
Những loại hóa chất nào cần kiểm soát đặc biệt khi nhập khẩu? Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân thực hiện khai báo hóa chất qua Cổng thông tin một cửa quốc gia là gì? (Hình từ Internet)
Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân thực hiện khai báo hóa chất qua Cổng thông tin một cửa quốc gia là gì?
Căn cứ tại khoản 6 Điều 27 Nghị định 113/2017/NĐ-CP hướng dẫn Luật hóa chất (được sửa đổi bởi điểm c khoản 14 Điều 1 Nghị định 82/2022/NĐ-CP) quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân thực hiện khai báo hóa chất qua Cổng thông tin một cửa quốc gia như sau:
Khai báo hóa chất nhập khẩu
...
6. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân thực hiện khai báo hóa chất qua Cổng thông tin một cửa quốc gia
Tổ chức, cá nhân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của các thông tin khai báo theo biểu mẫu có sẵn trên Cổng thông tin một cửa quốc gia và các văn bản, chứng từ, dữ liệu điện tử trong bộ hồ sơ khai báo hóa chất qua Cổng thông tin một cửa quốc gia. Trường hợp thông tin khai báo không chính xác, hồ sơ khai báo hóa chất điện tử là cơ sở để tổ chức, cá nhân có thẩm quyền tiến hành xử phạt vi phạm hành chính. Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm lưu trữ bộ hồ sơ khai báo hóa chất để xuất trình cho cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu, thời gian lưu trữ hồ sơ tối thiểu 05 năm.
Trường hợp nào được miễn trừ khai báo hóa chất?
Căn cứ tại Điều 28 Nghị định 113/2017/NĐ-CP (được bổ sung bởi khoản 15 Điều 1 Nghị định 82/2022/NĐ-CP) quy định các trường hợp được miễn trừ khai báo hóa chất bao gồm:
Các trường hợp miễn trừ khai báo
1. Hóa chất được sản xuất, nhập khẩu phục vụ an ninh, quốc phòng, ứng phó các sự cố thiên tai, dịch bệnh khẩn cấp.
2. Hóa chất là tiền chất ma túy, tiền chất thuốc nổ, vật liệu nổ công nghiệp và hóa chất bảng đã được cấp phép sản xuất, nhập khẩu.
3. Hóa chất nhập khẩu dưới 10 kg/một lần nhập khẩu. Trường hợp miễn trừ nêu tại điểm này không áp dụng đối với các hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp.
4. Hóa chất là nguyên liệu sản xuất thuốc đã có Giấy chứng nhận đăng ký lưu hành thuốc tại Việt Nam, nguyên liệu sản xuất thuốc là dược chất để sản xuất theo hồ sơ đăng ký thuốc đã có Giấy chứng nhận đăng ký lưu hành thuốc tại Việt Nam.
5. Hóa chất là nguyên liệu sản xuất thuốc bảo vệ thực vật đã có Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam.
6. Thành phần hóa chất trong hỗn hợp chất thuộc Danh mục hóa chất phải khai báo có hàm lượng trong hỗn hợp nhỏ hơn 0,1%.
Như vậy hóa chất thuộc một trong số những trường hợp trên sẽ được miễn trừ khai báo.
Nghị định 82/2022/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 22/12/2022.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.