Những khoản vay nước ngoài nào của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh phải thực hiện đăng ký khoản vay?
Những khoản vay nước ngoài nào của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh phải thực hiện đăng ký khoản vay?
Căn cứ vào Điều 11 Thông tư 12/2022/TT-NHNN quy định như sau:
Khoản vay phải thực hiện đăng ký
Khoản vay phải thực hiện đăng ký với Ngân hàng Nhà nước bao gồm:
1. Khoản vay trung, dài hạn nước ngoài.
2. Khoản vay ngắn hạn được gia hạn thời gian trả nợ gốc mà tổng thời hạn của khoản vay là trên 01 năm.
3. Khoản vay ngắn hạn không có thỏa thuận gia hạn nhưng còn dư nợ gốc (bao gồm cả nợ lãi được nhập gốc) tại thời điểm tròn 01 năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên, trừ trường hợp bên đi vay hoàn thành thanh toán dư nợ gốc nói trên trong thời gian 30 ngày làm việc kể từ thời điểm tròn 01 năm tính từ ngày rút vốn đầu tiên.
Theo như quy định trên thì các khoản vay nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh mà phải thực hiện đăng ký khoản vay là:
- Khoản vay trung, dài hạn nước ngoài
- Khoản vay ngắn hạn được gia hạn thời gian trả nợ gốc mà tổng thời hạn của khoản vay là trên 01 năm
- Khoản vay ngắn hạn không có thỏa thuận gia hạn nhưng còn dư nợ gốc tại thời điểm tròn 01 năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên, trừ trường hợp bên đi vay hoàn thành thanh toán dư nợ gốc nói trên trong thời gian 30 ngày làm việc kể từ thời điểm tròn 01 năm tính từ ngày rút vốn đầu tiên.
Những khoản vay nước ngoài nào của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh phải thực hiện đăng ký khoản vay?
Thời hạn khoản vay để xác định nghĩa vụ đăng ký được quy định như thế nào?
Căn cứ vào Điều 12 Thông tư 12/2022/TT-NHNN quy định như sau:
Thời hạn khoản vay để xác định nghĩa vụ đăng ký
1. Đối với các khoản vay quy định tại khoản 1 Điều 11 Thông tư này, thời hạn khoản vay được xác định từ ngày dự kiến rút vốn đầu tiên đến ngày dự kiến trả nợ gốc cuối cùng trên cơ sở các quy định tại thỏa thuận vay nước ngoài.
2. Đối với các khoản vay quy định tại khoản 2 Điều 11 Thông tư này, thời hạn khoản vay được xác định từ ngày rút vốn đầu tiên đến ngày dự kiến trả nợ gốc cuối cùng trên cơ sở các quy định tại thỏa thuận vay nước ngoài, thỏa thuận gia hạn vay nước ngoài.
3. Đối với các khoản vay quy định tại khoản 3 Điều 11 Thông tư này, thời hạn khoản vay được xác định từ ngày rút vốn đầu tiên đến ngày dự kiến trả nợ gốc cuối cùng.
4. Ngày rút vốn quy định tại Điều này là:
a) Ngày tiền được ghi “có” trên tài khoản của bên đi vay đối với các khoản vay giải ngân bằng tiền;
b) Ngày bên cho vay thanh toán cho người không cư trú cung cấp hàng hóa, dịch vụ theo hợp đồng mua bán hàng hóa, dịch vụ với người cư trú là bên đi vay;
c) Ngày bên đi vay được ghi nhận là hoàn thành nghĩa vụ thanh toán cho bên cho vay trong trường hợp các bên lựa chọn rút vốn khoản vay nước ngoài trung, dài hạn dưới hình thức thanh toán bù trừ theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 34 Thông tư này.
d) Ngày bên đi vay nhận tài sản thuê đối với các khoản vay dưới hình thức thuê tài chính nước ngoài phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan;
đ) Ngày bên đi vay được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy phép thành lập và hoạt động theo pháp luật chuyên ngành, ngày ký hợp đồng đầu tư theo phương thức đối tác công tư (hợp đồng PPP), ngày các bên ký thỏa thuận vay nước ngoài để chuyển số tiền chuẩn bị đầu tư thành vốn vay (tùy thuộc ngày nào đến sau), áp dụng đối với khoản vay nước ngoài phát sinh từ việc chuyển số tiền thực hiện chuẩn bị đầu tư của các dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thành vốn vay nước ngoài theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.
Theo đó, đối với khoản vay trung, dài hạn nước ngoài thì thời hạn khoản vay được xác định từ ngày dự kiến rút vốn đến ngày dự kiến trả nợ gốc cuối cùng
Đối với khoản vay ngắn hạn được gia hạn trả nợ gốc mà tổng thời hạn không quá 01 năm thì thời hạn khoản vay được xác định từ ngày rút vốn đầu tiên đến ngày dự kiến trả nợ gốc cuối cùng.
Đối với khoản vay ngắn hạn không có thỏa thuận gia hạn nhưng còn dư nợ gốc thì thời hạn khoản vay được xác định từ ngày rút vốn đầu tiên đến ngày dự kiến trả nợ gốc cuối cùng.
Thỏa thuận vay nước ngoài để thực hiện đăng ký khoản vay là gì?
Căn cứ vào Điều 13 Thông tư 12/2022/TT-NHNN quy định như sau:
Thỏa thuận vay nước ngoài để thực hiện đăng ký khoản vay
1. Thỏa thuận vay nước ngoài để thực hiện đăng ký khoản vay (sau đây gọi là thỏa thuận vay nước ngoài) là các thỏa thuận có hiệu lực rút vốn được ký kết giữa bên đi vay và bên cho vay là người không cư trú; các công cụ nợ do người cư trú phát hành cho người không cư trú ngoài lãnh thổ Việt Nam; thỏa thuận ủy thác cho vay hoặc thỏa thuận ủy thác cho vay kèm theo thỏa thuận cho vay lại trong trường hợp đối tượng ủy thác là bên có trách nhiệm trả nợ trực tiếp cho bên ủy thác là người không cư trú.
2. Bên đi vay không phải thực hiện thủ tục đăng ký khoản vay khi ký với người không cư trú các thỏa thuận không có hiệu lực rút vốn như hiệp định tín dụng khung, biên bản ghi nhớ, hoặc các thỏa thuận tương tự khác. Nội dung các thỏa thuận này phải đảm bảo không trái với quy định của pháp luật Việt Nam.
3. Trường hợp phát sinh khoản vay tự vay, tự trả trung, dài hạn của bên đi vay khi có văn bản làm phát sinh hiệu lực rút vốn của các thỏa thuận nêu tại khoản 2 Điều này, bên đi vay thực hiện đăng ký khoản vay theo quy định tại Thông tư này. Trường hợp này, thỏa thuận vay nước ngoài bao gồm thỏa thuận ban đầu và văn bản làm phát sinh hiệu lực rút vốn của các thỏa thuận đó.
Như vậy, thỏa thuận vay nước ngoài để thực hiện đăng ký khoản vay là các thỏa thuận có hiệu lực rút vốn được ký kết giữa bên đi vay và bên cho vay là người không cư trú; các công cụ nợ do người cư trú phát hành cho người không cư trú ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Đồng thời, còn có thỏa thuận ủy thác cho vay hoặc thỏa thuận ủy thác cho vay kèm theo thỏa thuận cho vay lại trong trường hợp đối tượng ủy thác là bên có trách nhiệm trả nợ trực tiếp cho bên ủy thác là người không cư trú.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.