Những hoạt động của công ty chứng khoán cần Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận là những hoạt động nào?
Công ty chứng khoán là gì?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư 121/2020/TT-BTC có quy định về công ty chứng khoán như sau:
Công ty chứng khoán là doanh nghiệp được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép thực hiện một, một số nghiệp vụ theo quy định pháp luật vê chứng khoán.
Những hoạt động của công ty chứng khoán cần Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận là những hoạt động nào? (Hình ảnh từ Internet)
Những hoạt động nào của công ty chứng khoán cần Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận?
Tại Điều 87 Luật Chứng khoán 2019 có quy định những hoạt động của công ty chứng khoán cần sự chấp thuận bằng văn bản của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, bao gồm:
- Tạm ngừng hoạt động, trừ trường hợp tạm ngừng do nguyên nhân bất khả kháng;
- Chào bán và niêm yết chứng khoán của công ty chứng khoán;
- Đầu tư gián tiếp ra nước ngoài;
- Thành lập, đóng cửa chi nhánh, văn phòng đại diện trong nước và nước ngoài; thành lập công ty con tại nước ngoài; thay đổi nghiệp vụ kinh doanh tại chi nhánh; thành lập, đóng cửa phòng giao dịch;
- Thay đổi tên, địa điểm chi nhánh, văn phòng đại diện, phòng giao dịch;
- Thực hiện dịch vụ cung cấp dịch vụ giao dịch chứng khoán trực tuyến; cung cấp hoặc phối hợp với các tổ chức tín dụng cung cấp dịch vụ cho khách hàng vay tiền mua chứng khoán hoặc cung cấp dịch vụ cho vay chứng khoán; cung cấp hoặc phối hợp với các tổ chức tín dụng cung cấp dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán; lưu ký chứng khoán; bù trừ và thanh toán chứng khoán; các dịch vụ trên thị trường chứng khoán phái sinh.
- Tạm ngừng hoạt động của chi nhánh công ty chứng khoán.
Công ty chứng khoán khi tổ chức lại cần thực hiện như thế nào?
Việc chấp thuận tổ chức lại công ty chứng khoán được quy định tại Điều 207 Nghị định 155/2020/NĐ-CP như sau:
- Hồ sơ đề nghị chấp thuận tổ chức lại công ty bao gồm:
+ Giấy đề nghị chấp thuận tổ chức lại công ty theo Mẫu số 79 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 155/2020/NĐ-CP;
+ Biên bản họp, quyết định của Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty về việc tổ chức lại công ty;
+ Hợp đồng nguyên tắc đối với trường hợp hợp nhất, sáp nhập theo Mẫu số 80 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 155/2020/NĐ-CP;
+ Phương án tổ chức lại đã được Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty thông qua theo Mẫu số 81 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 155/2020/NĐ-CP;
+ Tài liệu chứng minh đáp ứng quy định tại các khoản 2, 3 Điều 206 Nghị định 155/2020/NĐ-CP.
- Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ theo quy định, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra quyết định chấp thuận tổ chức lại; trường hợp từ chối, phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
- Công ty chứng khoán thực hiện tổ chức lại theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Trường hợp tổ chức lại công ty có kết hợp với chào bán cổ phần riêng lẻ, chào bán cổ phần ra công chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán phải tuân thủ các quy định về chào bán có liên quan.
Công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán sau sáp nhập phải thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán theo quy định tại Điều 174 Nghị định 155/2020/NĐ-CP.
- Công ty chứng khoán hình thành sau hợp nhất, chuyển đổi hình thức pháp lý công ty phải thực hiện thủ tục đề nghị cấp lại Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán. Hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán bao gồm:
+ Giấy đề nghị cấp lại Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán theo Mẫu số 82 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 155/2020/NĐ-CP;
+ Báo cáo kết quả thực hiện phương án tổ chức lại, bao gồm Danh sách cổ đông, thành viên góp vốn của công ty sau tổ chức lại theo Mẫu số 68 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 155/2020/NĐ-CP, kết quả thực hiện chuyển nhượng (nếu có), kết quả chào bán cổ phần (nếu có);
+ Thuyết minh cơ sở vật chất theo Mẫu số 65 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 155/2020/NĐ-CP kèm theo hợp đồng thuê trụ sở, giấy tờ chứng minh quyền sở hữu trụ sở, quyền sử dụng trụ sở;
+ Danh sách Tổng giám đốc (Giám đốc) và người hành nghề chứng khoán tại trụ sở chính và mạng lưới hoạt động theo Mẫu số 66 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 155/2020/NĐ-CP; Bản thông tin cá nhân của Tổng giám đốc (Giám đốc), Giám đốc chi nhánh theo Mẫu số 67 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 155/2020/NĐ-CP kèm theo Phiếu lý lịch tư pháp không quá 06 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ đối với trường hợp thay đổi Tổng giám đốc (Giám đốc), Giám đốc chi nhánh;
+ Xác nhận về khoản vốn tăng thêm (nếu có) của ngân hàng nơi mở tài khoản phong tỏa hoặc báo cáo vốn chủ sở hữu được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận;
+ Dự thảo Điều lệ công ty sau chuyển đổi, hợp nhất;
+ Bản gốc Giấy phép hoạt động kinh doanh chứng khoán của công ty chứng khoán được tổ chức lại.
- Ủy ban Chứng khoán Nhà nước kiểm tra cơ sở vật chất nếu công ty sau hợp nhất, chuyển đổi có thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính hoặc cần làm rõ vấn đề liên quan đến cơ sở vật chất của công ty chứng khoán mới hình thành sau tổ chức lại.
- Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ theo quy định và kết quả kiểm tra cơ sở vật chất (nếu có), Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp lại Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán; trường hợp từ chối, phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
- Các chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện của công ty chứng khoán mới hình thành sau tổ chức lại tiếp tục hoạt động phải thực hiện điều chỉnh quyết định chấp thuận thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện trong và ngoài nước, công ty con, phòng giao dịch theo quy định tại Điều 174, Điều 197, Điều 205 Nghị định 155/2020/NĐ-CP hoặc thực hiện các thủ tục đóng cửa chi nhánh, văn phòng đại diện trong và ngoài nước, công ty con, phòng giao dịch theo quy định tại Điều 194, Điều 196, Điều 205 Nghị định 155/2020/NĐ-CP.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.