Những chính sách mới trong năm học 2023-2024 mà học sinh và phụ huynh cần phải chú ý như thế nào?
Năm học 2023-2024 sắp bắt đầu, học sinh và phụ huynh cần phải lưu ý các chính sách mới sau đây nhằm chuẩn bị tốt cho năm học mới
Chưa áp dụng lộ trình Nghị định 81/2021/NĐ-CP và không tăng học phí năm học 2023 - 2024 có đúng không?
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo 300/TB-VPCP năm 2023 của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81/2021/NĐ-CP về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
Theo đó, tại Thông báo 300/TB-VPCP năm 2023 có nêu rõ như sau:
Chiều ngày 17 tháng 7 năm 2023, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81/2021/NĐ-CP về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
Sau khi nghe báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà kết luận như sau:
- Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương tiếp thu ý kiến các đại biểu dự họp, thống nhất với các Bộ có liên quan để hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81/2021/NĐ-CP về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, theo hướng quy định rõ một số điều khoản về việc chưa triển khai, chưa áp dụng lộ trình cơ chế thu, quản lý học phí quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP và không tăng học phí năm học 2023 - 2024; trình Chính phủ trước ngày 08 tháng 8 năm 2023.
- Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan có liên quan nghiên cứu, đề xuất bổ sung vào Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về nội dung xây dựng, ban hành Nghị định thay thế Nghị định 81/2021/NĐ-CP theo quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12 năm 2023.
Theo đó, có ba nội dung nổi bật tại Thông báo 300/TB-VPCP năm 2023 bao gồm:
- Không tăng học phí năm học 2023 - 2024 (dự kiến)
- Chưa triển khai, chưa áp dụng lộ trình cơ chế thu, quản lý học phí quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP
- Ban hành Nghị định thay thế Nghị định 81/2021/NĐ-CP theo quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12 năm 2023
Những chính sách mới trong năm học 2023-2024 mà học sinh và phụ huynh cần chú ý như thế nào? (Hình từ Internet)
Học sinh lớp 4, 8, 11 năm học 2023 -2024 sẽ được học theo chương trình giáo dục phổ thông mới đúng không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 2 Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT quy định như sau:
Chương trình giáo dục phổ thông được thực hiện theo lộ trình như sau:
1. Từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1.
2. Từ năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6.
3. Từ năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10.
4. Từ năm học 2023-2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11.
5. Từ năm học 2024-2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.
Theo như quy định trên, năm học 2023 - 2024 học sinh lớp 4,8,11 sẽ được áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới.
Đồng thời tại Thông báo 1287/TB-NXBGD năm 2023 đã thực hiện công bố giá sách giáo khoa lớp 4, 8, 11 của bộ Kết nối tri thức với cuộc sống và bộ Chân trời sáng tạo và giá sách giáo khoa tiếng anh lớp 4,8,11. Đây là hai bộ sách đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, được đưa vào giảng dạy trên cả nước từ năm học 2023-2024.
Danh mục sách giáo khoa mới bắt đầu sử dụng trong các trường từ năm 2023 - 2024 theo chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 4, 8, 11 gồm có các bộ sách: Cánh diều, Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo.
Thay đổi cách đánh giá học sinh lớp 4,8,11 trong năm học 2023-2024?
Đối với học sinh lớp 4 cách đánh giá học sinh được áp dụng theo quy định tại Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT, lộ trình áp dụng cách đánh giá học sinh như sau:
Căn cứ theo quy định tại Điều 2 Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT quy định như sau:
Quy định đánh giá học sinh tiểu học được thực hiện theo lộ trình như sau:
1. Từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1.
2. Từ năm học 2021-2022 đối với lớp 2.
3. Từ năm học 2022-2023 đối với lớp 3.
4. Từ năm học 2023-2024 đối với lớp 4.
5. Từ năm học 2024-2025 đối với lớp 5.
Theo đó, từ năm 2024 -2023 học sinh lớp 4 sẽ được áp dụng quy định đánh giá học sinh theo Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT
Đối với học sinh lớp 8,11 được áp dụng theo quy định tại Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT
Căn cứ theo quy định tại Điều 21 Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT quy định như sau:
Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05 tháng 9 năm 2021 và thực hiện theo lộ trình sau:
- Từ năm học 2021-2022 đối với lớp 6.
- Từ năm học 2022-2023 đối với lớp 7 và lớp 10.
- Từ năm học 2023-2024 đối với lớp 8 và lớp 11.
- Từ năm học 2024-2025 đối với lớp 9 và lớp 12.
2. Thông tư này thay thế Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12 tháng 12 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông và Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 8 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12 tháng 12 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, theo lộ trình quy định tại khoản 1 Điều này.
Theo đó, năm học 2023-2024 học sinh lớp 8, 11 sẽ được áp dụng đánh giá học sinh theo Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT
Trên đây là chính sách mới trong năm học 2023-2024 mà phụ huynh và học sinh cần phải lưu ý.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.