Những chỉ tiêu nào về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 đã được đề ra tại Nghị quyết 103/2023/QH15?
Nghị quyết 103/2023/QH15 đã đề ra những chỉ tiêu nào về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024?
Vào chiều 09/11/2023 Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Theo đó, ngày 23/11/2023, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường công bố Nghị quyết 103/2023/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, được thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Nghị quyết 103/2023/QH15 đã đề ra những chỉ tiêu về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 như sau:
(1) Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) từ 6,0 - 6,5%.
(2) GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700 - 4.730 đô la Mỹ (USD).
(3) Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1 - 24,2%.
(4) Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4,0 - 4,5%.
(5) Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 4,8 - 5,3%.
(6) Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đạt 26,5%.
(7) Tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 69%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 28 - 28,5%
(8) Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%.
(9) Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm trên 1%.
(10) Số bác sĩ trên 10.000 dân đạt khoảng 13,5 bác sĩ.
(11) Số giường bệnh trên 10.000 dân đạt khoảng 32,5 giường bệnh.
(12) Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 94,1% dân số.
(13) Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 80%.
(14) Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 95%.
(15) Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 92%.
Nghị quyết 103/2023/QH15 đã đề ra những chỉ tiêu nào về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024? (Hình ảnh từ Internet)
Nghị quyết 103/2023/QH15 đã đề ra những mục tiêu tổng quát nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 1 Nghị quyết 103/2023/QH15 đã đề ra những mục tiêu tổng quát sau:
- Tiếp tục ưu tiên tăng trưởng gắn với củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
- Đẩy mạnh, tạo chuyển biến tích cực hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và năng lực nội sinh của nền kinh tế.
- Tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, chính sách; khơi thông các nguồn lực; xử lý hiệu quả các vướng mắc để phát triển các loại thị trường ổn định, an toàn, lành mạnh, bền vững; nâng cao hiệu quả việc tổ chức thực hiện luật pháp, chính sách, thực thi công vụ.
- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng chiến lược trọng điểm, quan trọng quốc gia. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường thu hút đầu tư toàn xã hội, hợp tác công - tư; có cơ chế, chính sách đặc thù tạo đột phá trong thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, nhất là trong các ngành, lĩnh vực mới nổi, bảo đảm kết nối với khu vực kinh tế trong nước, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng.
- Quan tâm phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế ngang tầm với phát triển kinh tế; chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Chăm lo các đối tượng chính sách. Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
- Tiếp tục hoàn thiện, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tư pháp, quyết liệt phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
- Củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế; làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội; gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định và tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước.
Ai có thẩm quyền công bố Nghị quyết của Quốc hội?
Căn cứ theo quy định tại Điều 80 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 có quy định:
Công bố luật, pháp lệnh, nghị quyết
1. Chủ tịch nước công bố luật, pháp lệnh chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày luật, pháp lệnh được thông qua.
Đối với pháp lệnh đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua mà Chủ tịch nước đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét lại theo quy định tại khoản 1 Điều 88 của Hiến pháp thì chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày pháp lệnh được thông qua, Chủ tịch nước gửi văn bản đến Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu xem xét lại. Ủy ban thường vụ Quốc hội có trách nhiệm xem xét lại những vấn đề mà Chủ tịch nước có ý kiến tại phiên họp gần nhất. Sau khi pháp lệnh được Ủy ban thường vụ Quốc hội biểu quyết, thông qua lại thì Chủ tịch nước công bố chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua lại. Trong trường hợp Chủ tịch nước vẫn không nhất trí thì Chủ tịch nước trình Quốc hội quyết định tại kỳ họp gần nhất.
Đối với luật, pháp lệnh được xây dựng, ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn thì Chủ tịch nước công bố luật, pháp lệnh chậm nhất là 05 ngày kể từ ngày luật, pháp lệnh được thông qua.
2. Tổng thư ký Quốc hội công bố nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày nghị quyết được thông qua.
Đối với nghị quyết được xây dựng, ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn thì Tổng thư ký Quốc hội công bố nghị quyết chậm nhất là 05 ngày kể từ ngày nghị quyết được thông qua.
Như vậy, Tổng thư ký Quốc hội là chủ thể có thẩm quyền công bố Nghị quyết của Quốc hội.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.