Nhiệm vụ, quyền hạn trong thi hành án hình sự của các Bộ ở nước ta hiện nay được quy định thế nào?
Thi hành án hình sự là gì?
Căn cứ vào Điều 2 Luật Thi hành án hình sự 2019 quy định như sau:
Bản án, quyết định được thi hành
1. Bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật và đã có quyết định thi hành.
2. Bản án, quyết định của Tòa án được thi hành ngay theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự hoặc kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật theo quy định của Bộ luật Hình sự.
3. Quyết định của Tòa án tiếp nhận người đang chấp hành án phạt tù ở nước ngoài về Việt Nam chấp hành án và đã có quyết định thi hành; quyết định của Tòa án chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù tại Việt Nam cho nước ngoài.
4. Bản án, quyết định về áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh, giáo dục tại trường giáo dưỡng; buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu, buộc thực hiện một số biện pháp nhằm khắc phục, ngăn chặn hậu quả tiếp tục xảy ra đối với pháp nhân thương mại thuộc thẩm quyền của cơ quan thi hành án hình sự.
Như vậy, thi hành án hình sự có thể được hiểu là hoạt động của Nhà nước, do các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tiến hành nhằm thực thi các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Nhiệm vụ, quyền hạn trong thi hành án hình sự của các Bộ ở nước ta hiện nay được quy định thế nào? (Hình internet)
Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tư pháp trong thi hành án hình sự hiện này là gì?
Trước tiên, hiểu rằng Bộ Tư pháp là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về:
- Xây dựng và thi hành pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, bồi thường nhà nước, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, công tác pháp chế;
- Quản lý nhà nước các dịch vụ sự nghiệp công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ
Tại Điều 199 Luật Thi hành án hình sự 2019 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tư pháp trong thi hành án hình sự như sau:
- Phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, cơ quan khác có liên quan ban hành thông tư liên tịch quy định về việc phối hợp giữa các cơ quan này trong việc thực hiện trình tự, thủ tục thi hành án hình sự.
- Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng trong việc xây dựng chương trình giáo dục pháp luật, giáo dục công dân; phổ biến, giáo dục pháp luật về thi hành án hình sự.
- Chỉ đạo cơ quan thi hành án dân sự chủ trì, phối hợp với trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu trong việc cung cấp thông tin, chuyển giao giấy tờ, tiền, tài sản, việc thu, nộp tiền, tài sản có liên quan đến phạm nhân là người phải thi hành án dân sự, người được thi hành án dân sự; phối hợp với cơ quan thi hành án hình sự và cơ quan có liên quan trong thi hành án đối với pháp nhân thương mại.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Y tế trong thi hành án hình sự hiện nay?
Hiện nay, Bộ Y tế là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về y tế, bao gồm các lĩnh vực:
- Y tế dự phòng; khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng; giám định y khoa, pháp y, pháp y tâm thần;
- Y, dược cổ truyền; trang thiết bị y tế; dược, mỹ phẩm; an toàn thực phẩm; bảo hiểm y tế; dân số, sức khỏe sinh sản;
- Quản lý nhà nước các dịch vụ công trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.
Tại Điều 200 Luật Thi hành án hình sự 2019 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Y tế trong thi hành án hình sự như sau:
- Phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng trong việc chỉ đạo, hướng dẫn việc phòng, chống dịch bệnh, khám bệnh, chữa bệnh cho phạm nhân, học sinh trường giáo dưỡng; chỉ đạo công tác giám định theo thẩm quyền; tổ chức các cơ sở chuyên khoa y tế để thực hiện biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh theo quy định.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo trong thi hành án hình sự hiện nay là gì?
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực:
Lao động, tiền lương; việc làm; giáo dục nghề nghiệp; bảo hiểm xã hội; an toàn, vệ sinh lao động; người có công; bảo trợ xã hội; trẻ em; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn xã hội (sau đây gọi chung là lĩnh vực lao động, người có công và xã hội) trong phạm vi cả nước; quản lý nhà nước các dịch vụ sự nghiệp công trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ.
Theo Điều 201 Luật Thi hành án hình sự 2019 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong thi hành án hình sự như sau:
- Phối hợp với Bộ Công an trong chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức lao động, dạy nghề và thực hiện chế độ, chính sách cho phạm nhân, học sinh trường giáo dưỡng.
- Chỉ đạo cơ quan chuyên môn về lao động, thương binh và xã hội thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ sở bảo trợ xã hội tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em là con phạm nhân không có người thân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
*Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo
Tại Điều 202 Luật Thi hành án hình sự 2019 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong thi hành án hình sự như sau:
- Phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng chỉ đạo, hướng dẫn việc xây dựng chương trình, tài liệu, đào tạo giáo viên, tham gia dạy văn hóa cho phạm nhân, học sinh trường giáo dưỡng theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.