Nhiệm vụ, quyền hạn của kiểm ngư hiện nay? Giống thủy sản sẽ được kiểm định trong trường hợp nào?
Nhiệm vụ, quyền hạn của kiểm ngư theo Luật thủy sản 2017?
Căn cứ theo quy định tại Điều 88 Luật thủy sản 2017, kiểm kiểm ngư có các nhiệm vụ, quyền hạn sau:
* Nhiệm vụ:
- Thực hiện tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, thanh tra, điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật;
- Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế, pháp luật các nước có liên quan trong lĩnh vực thủy sản; hướng dẫn ngư dân và tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về thủy sản;
- Điều động lực lượng phối hợp tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn theo quy định của pháp luật; tham gia công tác phòng, chống thiên tai;
- Tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển theo quy định của pháp luật;
- Triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế về kiểm ngư;
- Chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, huấn luyện chuyên môn, nghiệp vụ cho công chức, viên chức, kiểm ngư viên, thuyền viên tàu kiểm ngư;
- Phối hợp với cơ quan khác có liên quan trong hoạt động kiểm ngư.
* Quyền hạn:
- Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết cho công tác thanh tra, tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, điều tra, phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản;
- Quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật, các biện pháp nghiệp vụ để thực hiện nhiệm vụ kiểm ngư theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và quy định khác của pháp luật có liên quan;
- Truy đuổi, bắt, giữ và áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật trong trường hợp người và phương tiện vi phạm pháp luật không tuân theo hiệu lệnh, chống đối hoặc cố tình bỏ chạy.
Nhiệm vụ, quyền hạn của kiểm ngư hiện nay? Giống thủy sản sẽ được kiểm định trong trường hợp nào? (Hình từ internet)
Trường hợp nào phải kiểm định giống thủy sản theo Luật thủy sản 2017?
Theo quy định tại Điều 29 Luật thủy sản 2017 quy định như sau:
Kiểm định giống thủy sản
1. Giống thủy sản được kiểm định trong trường hợp sau đây:
a) Khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
b) Khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân trong trường hợp có khiếu nại, tố cáo.
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố cơ sở khảo nghiệm giống thủy sản đủ điều kiện kiểm định giống thủy sản.
3. Cơ sở thực hiện việc kiểm định giống thủy sản có quyền và nghĩa vụ sau đây:
a) Được tham gia vào hoạt động kiểm định giống thủy sản theo quy định của pháp luật;
b) Được thanh toán chi phí kiểm định theo quy định;
c) Từ chối cung cấp thông tin liên quan đến kết quả kiểm định giống thủy sản cho bên thứ ba, trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu;
d) Chịu trách nhiệm về kết quả kiểm định;
đ) Bảo đảm an toàn sinh học, bảo vệ môi trường trong quá trình kiểm định.
Như vậy, giống thủy sản sẽ được kiểm định trong 02 trường hợp: (i) khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước; (ii) khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân trong tường hợp có khiếu nại, tố cáo.
Điều kiện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản?
Căn cứ theo quy định tại Điều 32 Luật thủy sản 2017 quy định tổ chức, các nhân đáp ứng đủ các điều kiện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản sau đây:
- Địa điểm sản xuất nằm trong khu vực không bị ô nhiễm bởi chất thải nguy hại, hóa chất độc hại;
- Khu sản xuất có tường, rào ngăn cách với bên ngoài;
- Nhà xưởng, trang thiết bị phù hợp với từng loại sản phẩm (được hướng dẫn bởi khoản 1 Điều 27 Nghị định 26/2019/NĐ-CP), cụ thể như sau:
+ Có nhà xưởng kết cấu vững chắc, nền không đọng nước, liên thông và một chiều từ nguyên liệu đến thành phẩm; tường, trần, vách ngăn, cửa bảo đảm yêu cầu về kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học; khu chứa trang thiết bị, nguyên liệu vật liệu, thành phẩm bảo đảm không nhiễm chéo lẫn nhau và bảo đảm theo yêu cầu bảo quản của nhà sản xuất, cung cấp;
+ Trang thiết bị tiếp xúc với nguyên liệu, thành phẩm bảo đảm yêu cầu về kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học; thiết bị thu gom và xử lý chất thải không gây ô nhiễm môi trường khu vực sản xuất. Trường hợp cơ sở sản xuất sinh khối vi sinh vật để sản xuất chế phẩm sinh học, vi sinh vật phải có thiết bị tạo môi trường, lưu giữ và nuôi cấy vi sinh vật.
- Có điều kiện phân tích chất lượng trong quá trình sản xuất (được hướng dẫn bởi khoản 2 Điều 27 Nghị định 26/2019/NĐ-CP), cụ thể như sau: Có phòng thử nghiệm hoặc có thuê phòng thử nghiệm đủ năng lực để kiểm tra chất lượng trong quá trình sản xuất.
- Áp dụng hệ thống kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học (được hướng dẫn bởi khoản 3 Điều 27 Nghị định 26/2019/NĐ-CP), cụ thể như sau: Phải xây dựng và áp dụng hệ thống kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học cho từng loại sản phẩm gồm các nội dung: nước phục vụ sản xuất; nguyên liệu, bao bì, thành phẩm; quá trình sản xuất; tái chế; lưu mẫu; kiểm định, hiệu chuẩn, hiệu chỉnh thiết bị; kiểm soát động vật gây hại; vệ sinh nhà xưởng, thu gom và xử lý chất thải.
- Có nhân viên kỹ thuật được đào tạo về nuôi trồng thủy sản, bệnh học thủy sản, sinh học, hóa học hoặc công nghệ thực phẩm.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.