Nhà hàng khu du lịch bán giá chặt chém bán không đúng giá niêm yết hàng bị xử lý như thế nào? Khách du lịch phải báo cho cơ quan nào khi bị chặt chém?
Nhà hàng khu du lịch bán giá chặt chém khách hàng bị xử lý như thế nào?
Căn cứ khoản 1 và khoản 4 Điều 13 Nghị định 45/2019/NĐ-CP quy định:
Vi phạm quy định về kinh doanh dịch vụ du lịch khác
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không niêm yết công khai giá bán hàng hóa, dịch vụ theo quy định.
...
4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
...
h) Không bán đúng giá niêm yết.
Như vậy, những nhà hàng tại khu du lịch có trách nhiệm niêm yết giá bán hàng công khai và bán theo đúng giá niêm yết đó.
Hành vi chặt chém bán không đúng giá niêm yết cho khách du lịch, thì nhà hàng có thể bị xử phạt lên đến 10.000.000 đồng và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp. Mức phạt tiền này là áp dụng đối với cá nhân, còn đối với tổ chức mức xử phạt có là gấp đôi (căn cứ khoản 3 Điều 5 Nghị định 45/2019/NĐ-CP).
Ngoài ra nếu hành vi nêu trên thỏa mãn các điều kiện của quy định sau đây, thì mức phạt vi phạm hành chính này có thể lên đến 60.000.000 đồng, căn cứ quy định tại Điều 13 Nghị định 109/2013/NĐ-CP:
Hành vi tăng hoặc giảm giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu hàng hóa, dịch vụ bán tăng giá có tổng giá trị đến 50.000.000 đồng, đối với một trong những hành vi tăng giá sau:
a) Tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ cao hơn mức giá đã kê khai hoặc đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
b) Tăng giá theo giá ghi trong Biểu mẫu đăng ký hoặc văn bản kê khai giá với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nhưng cơ quan nhà nước có thẩm quyền có văn bản yêu cầu giải trình mức giá đăng ký hoặc kê khai hoặc có văn bản yêu cầu đình chỉ áp dụng mức giá mới và thực hiện đăng ký lại, kê khai lại mức giá.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này nếu hàng hóa, dịch vụ có tổng giá trị từ trên 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này nếu hàng hóa, dịch vụ có tổng giá trị từ trên 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng.
4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này nếu hàng hóa, dịch vụ có tổng giá trị từ trên 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng.
5. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này nếu hàng hóa, dịch vụ có tổng giá trị trên 500.000.000 đồng.
Theo đó, đối với hành vi bán giá chặt chém khách du lịch rơi vào các hành vi tăng giá bán hàng hóa nêu trên sẽ bị xử phạt như trên.
Nhà hàng khu du lịch bán giá chặt chém bán không đúng giá niêm yết hàng bị xử lý như thế nào? Khách du lịch phải báo cho cơ quan nào khi bị chặt chém? (Hình từ Internet)
Khách du lịch phải báo cho cơ quan nào khi bị nâng giá bán so với niêm yết?
Căn cứ khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 25 Nghị định 45/2019/NĐ-CP (khoản 3 được sửa đổi bởi điểm a khoản 9 Điều 1 Nghị định 129/2021/NĐ-CP):
Phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại các Điều 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17 và 18 theo thẩm quyền quy định tại Điều 20 Nghị định này và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
2. Người có thẩm quyền xử phạt của cơ quan Thanh tra chuyên ngành có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II Nghị định này theo thẩm quyền quy định tại Điều 19 Nghị định này và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, cụ thể như sau:
a) Thanh tra Văn hóa, Thể thao và Du lịch có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại các Điều 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17 và 18 Chương II Nghị định này;
...
3. Người có thẩm quyền xử phạt của Quản lý thị trường có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại điểm a khoản 3, điểm c khoản 4 Điều 6; điểm c khoản 4, điểm d khoản 5, điểm b khoản 12, điểm a và điểm b khoản 13 và khoản 14 Điều 7; khoản 4 và khoản 7 Điều 8; điểm c khoản 1, các khoản 4, 6 và 7 Điều 10; khoản 1, điểm a khoản 3, điểm h khoản 4 Điều 13 theo thẩm quyền quy định tại Điều 21 Nghị định này và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao
Như vậy, khi xảy ra tình trạng nâng giá hàng hóa, bán hàng không đúng theo giá niêm yết, khách du lịch có thể liên hệ với một trong các chủ thể như: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Thanh tra Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Quản lý thị trường,... để trình báo vụ việc.
Chủ nhà hàng đe dọa đánh khi khách hàng thắc mắc giá bán hàng thì bị xử phạt như thế nào?
Đối với hành vi đe doa dùng vũ lực với người khác nhằm chiếm đoạt tài sản trong trường hợp khách hàng thắc mắc giá bán hàng của chủ nhà hàng, có thể cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản được quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015.
Theo đó, Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về hình phạt đối với tội danh này như sau:
Tội cưỡng đoạt tài sản
1. Người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.