Người lao động nước ngoài đã ngoài tuổi nghỉ hưu khi doanh nghiệp tuyển dụng thì có cần tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc không?
- Người lao động nước ngoài đã ngoài tuổi nghỉ hưu khi doanh nghiệp tuyển dụng thì có cần tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc không?
- Chế độ thai sản đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam được quy định như thế nào?
- Mức đóng quỹ bảo hiểm xã hội của người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam là bao nhiêu?
Người lao động nước ngoài đã ngoài tuổi nghỉ hưu khi doanh nghiệp tuyển dụng thì có cần tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc không?
Căn cứ tại điểm b khoản 2 Điều 2 Nghị định 143/2018/NĐ-CP quy định như sau:
Đối tượng áp dụng
1. Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 01 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam.
2. Người lao động quy định tại khoản 1 Điều này không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Nghị định này khi thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 3 của Nghị định số 11/2016/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam;
b) Người lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 1 Điều 187 của Bộ luật Lao động.
3. Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân được phép hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.
4. Cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài.
Dẫn chiếu đến quy định tại Điều 187 Bộ luật Lao động 2012 tuy nhiên hiện nay quy định này đã hết hiệu lực và được thay thế bởi Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 quy định về tuổi nghỉ hưu như sau:
Tuổi nghỉ hưu
1. Người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu.
2. Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ.
3. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại khoản 2 Điều này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
4. Người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại khoản 2 Điều này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Như vậy theo những quy định trên, người lao động nước ngoài đã ngoài tuổi nghỉ hưu (>65 tuổi) khi doanh nghiệp tuyển dụng thì không cần tham gia BHXH bắt buộc.
Người lao động nước ngoài đã ngoài tuổi nghỉ hưu (>65 tuổi) khi doanh nghiệp tuyển dụng thì có cần tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc không? (Hình từ Internet)
Chế độ thai sản đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam được quy định như thế nào?
Căn cứ tại Điều 7 Nghị định 143/2018/NĐ-CP quy định như sau:
Chế độ thai sản
1. Điều kiện hưởng chế độ thai sản thực hiện theo quy định tại Điều 31 của Luật bảo hiểm xã hội.
2. Thời gian hưởng chế độ thai sản
a) Thời gian hưởng chế độ khi khám thai thực hiện theo quy định tại Điều 32 của Luật bảo hiểm xã hội;
b) Thời gian hưởng chế độ khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý thực hiện theo quy định tại Điều 33 của Luật bảo hiểm xã hội;
c) Thời gian hưởng chế độ khi sinh con thực hiện theo quy định tại Điều 34 của Luật bảo hiểm xã hội;
d) Thời gian hưởng chế độ khi nhận nuôi con nuôi thực hiện theo quy định tại Điều 36 của Luật bảo hiểm xã hội;
đ) Thời gian hưởng chế độ khi thực hiện các biện pháp tránh thai thực hiện theo quy định tại Điều 37 của Luật bảo hiểm xã hội.
3. Mức hưởng chế độ thai sản
a) Lao động nữ sinh con, người lao động nhận nuôi con nuôi được trợ cấp một lần theo quy định tại Điều 38 của Luật bảo hiểm xã hội;
b) Mức hưởng chế độ thai sản thực hiện theo quy định tại Điều 39 của Luật bảo hiểm xã hội.
4. Lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con thực hiện theo quy định tại Điều 40 của Luật bảo hiểm xã hội.
5. Chế độ thai sản của lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ thực hiện theo quy định tại Điều 35 của Luật bảo hiểm xã hội và Điều 3, Điều 4 của Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc (sau đây gọi là Nghị định số 115/2015/NĐ-CP).
6. Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản thực hiện theo quy định tại Điều 41 của Luật bảo hiểm xã hội.
Mức đóng quỹ bảo hiểm xã hội của người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam là bao nhiêu?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 12 Nghị định 143/2018/NĐ-CP quy định như sau:
Mức đóng và phương thức đóng của người lao động
1. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2022, người lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 của Nghị định này, hàng tháng đóng bằng 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
2. Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.
Như vậy theo quy định trên mức đóng quỹ bảo hiểm xã hội của người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam là bằng 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.