Người điều khiển phương tiện không có mặt tại nơi xảy ra vi phạm thì cảnh sát đường thủy có được tạm giữ phương tiện không?
Người điều khiển phương tiện không có mặt tại nơi xảy ra vi phạm thì cảnh sát đường thủy có được tạm giữ phương tiện không?
Căn cứ theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 11 Thông tư 36/2023/TT-BCA quy định như sau:
Áp dụng các biện pháp ngăn chặn, bảo đảm xử lý vi phạm hành chính và thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính
...
2. Tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề
...
c) Trường hợp khi tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, người điều khiển phương tiện không có mặt tại nơi xảy ra vi phạm hoặc cố tình trốn tránh, gây cản trở, không chấp hành thì thực hiện như sau: Lập biên bản tạm giữ, có chữ ký xác nhận của đại diện chính quyền cấp xã hoặc ít nhất 01 người chứng kiến; sử dụng thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ (thiết bị ghi âm, ghi hình) ghi nhận vụ việc, ghi nhận hình ảnh tang vật, phương tiện; sử dụng các biện pháp đưa tang vật, phương tiện về nơi tạm giữ (trực tiếp thực hiện hoặc thuê tổ chức, cá nhân thực hiện); xác minh và gửi thông báo đến chủ phương tiện, yêu cầu người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm đến giải quyết (theo mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này); cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu chi phí cho việc đưa tang vật, phương tiện đó về nơi tạm giữ theo quy định của pháp luật;
...
Như vậy, căn cứ theo quy định nêu trên thì khi cảnh sát đường thủy tiến hành tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính mà người điều khiển phương tiện không có mặt tại nơi xảy ra vi phạm thì thực hiện như sau:
Bước 1: Lập biên bản tạm giữ, có chữ ký xác nhận của đại diện chính quyền cấp xã hoặc ít nhất 01 người chứng kiến; sử dụng thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ (thiết bị ghi âm, ghi hình) ghi nhận vụ việc, ghi nhận hình ảnh tang vật, phương tiện;
Bước 2: Sử dụng các biện pháp đưa tang vật, phương tiện về nơi tạm giữ (trực tiếp thực hiện hoặc thuê tổ chức, cá nhân thực hiện);
Bước 3: Xác minh và gửi thông báo đến chủ phương tiện, yêu cầu người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm đến giải quyết (theo mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này);
*Lưu ý: cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu chi phí cho việc đưa tang vật, phương tiện đó về nơi tạm giữ theo quy định của pháp luật
Người điều khiển phương tiện không có mặt tại nơi xảy ra vi phạm thì cảnh sát đường thủy có được tạm giữ phương tiện không? (Hình từ internet)
Cảnh sát đường thủy được tạm giữ giấy tờ của người vi phạm giao thông đường thủy theo thứ tự như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Thông tư 36/2023/TT-BCA quy định khi phát hiện hành vi vi phạm thuộc trường hợp bị xử phạt theo thủ tục không lập biên bản, người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ.
Trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm chưa thực hiện ngay quyết định xử phạt thì có quyền tạm giữ giấy tờ có liên quan theo thứ tự quy định tại điểm d khoản 2 Điều 11 Thông tư 36/2023/TT-BCA để bảo đảm cho việc chấp hành quyết định xử phạt.
Liên hệ tại điểm d khoản 2 Điều 11 Thông tư 36/2023/TT-BCA, Cảnh sát đường thủy được tạm giữ giấy tờ của người vi phạm giao thông theo thứ tự như sau:
- Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng,
- Chứng chỉ lái phương tiện
- Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện hoặc giấy xác nhận của tổ chức tín dụng còn hiệu lực đối với trường hợp phương tiện thế chấp
- Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện
- Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn máy trưởng
- Các giấy tờ khác liên quan đến tang vật, phương tiện theo quy định của pháp luật để bảo đảm việc chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Nếu người vi phạm không có giấy tờ nói trên thì có thể tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Cảnh sát đường thủy được dừng phương tiện trong những trường hợp nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 8 Thông tư 36/2023/TT-BCA, quy định cảnh sát đường thủy khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch được dừng phương tiện để kiểm soát trong 04 trường hợp sau:
- Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận các dấu hiệu vi phạm pháp luật;
- Thực hiện chỉ đạo, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, phương án công tác của Thủy đoàn trưởng; Trưởng phòng Cảnh sát giao thông; Trưởng Công an cấp huyện phê duyệt;
- Có văn bản đề nghị dừng phương tiện của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp, cơ quan chức năng liên quan để kiểm soát phục vụ công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội;
- Tin báo, tố giác về vi phạm pháp luật liên quan đến người và phương tiện tham gia giao thông.
Cảnh sát đường thủy dừng phương tiện để kiểm soát phải bảo đảm các yêu cầu sau:
- An toàn, đúng quy định của pháp luật, không gây cản trở đến hoạt động giao thông. Khi đã dừng phương tiện phải thực hiện việc kiểm soát, xử lý vi phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật;
- Lựa chọn vị trí kiểm soát yêu cầu phạm vi luồng sâu, rộng, thoáng, không bị che khuất tầm nhìn; bảo đảm việc dừng phương tiện, kiểm soát công khai, minh bạch;
- Trường hợp dừng kiểm soát phương tiện vận chuyển chất cháy, chất nổ, chất độc hại hoặc hàng hóa nguy hiểm khác thì ngoài thỏa mãn các yêu cầu tại điểm a, điểm b khoản này cần phải có biện pháp đảm bảo an toàn hướng dẫn phương tiện ra xa khu dân cư hoặc nơi vắng người để dừng, sau đó tiến hành kiểm soát.
Thông tư 36/2023/TT-BCA có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16 tháng 9 năm 2023.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.