Người dân cần làm gì để phòng tránh ngộ độc Botulinum? Ngộ độc Botulinum có dẫn đến tử vong không?
Người dân cần làm gì để phòng tránh ngộ độc Botulinum?
Căn cứ Quyết định 3875/QĐ-BYT năm 2020 về Hướng dẫn tạm thời chẩn đoán, điều trị ngộ độc botulinum do Bộ Y tế ban hành.
Ngộ độc Botulinum được hiểu là ngộ độc thực phẩm do độc tố botulinum gây ra, thường do ăn uống các thực phẩm có sẵn độc tố botulinum (thịt hộp, thực phẩm chế biến, đóng gói không đảm bảo an toàn thực phẩm,...)
Theo Mục 6 Hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định 3875/QĐ-BYT năm 2020, việc phòng tránh ngộ độc Botulinum được hướng dẫn như sau:
- Chọn các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có tiêu chuẩn chất lượng và an toàn được công nhận.
- Thận trọng với các thực phẩm đóng kín như trên nhưng có mùi hoặc màu sắc thay đổi, hoặc có vị thay đổi khác thường (ví dụ sữa chua nhưng không còn vị chua bình thường).
- Không nên tự đóng gói kín các thực phẩm và để kéo dài trong điều kiện không phải đông đá (chỉ có nhiệt độ đông đá mới làm vi khuẩn ngừng phát triển và không sinh độc tố).
- Ưu tiên ăn các thực phẩm mới chế biến, mới nấu chín. Lưu ý nấu chín sẽ phá hủy độc tố botulinum (nếu không may có trong thực phẩm).
- Với các thực phẩm lên men, đóng gói hoặc che đậy kín theo cách truyền thống (như dưa muối, măng, cà muối,...): bạn cần đảm bảo phải chua, mặn. Khi thực phẩm hết chua thì không nên ăn.
Người dân cần làm gì để phòng tránh ngộ độc Botulinum? Ngộ độc Botulinum có dẫn đến tử vong không? (Hình từ Internet)
Ngộ độc Botulinum có dẫn đến tử vong không?
Căn cứ nội dung Mục 1 Hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định 3875/QĐ-BYT năm 2020 Đại cương về Botulinum như sau:
ĐẠI CƯƠNG
Ngộ độc thực phẩm do độc tố botulinum thường do ăn uống các thực phẩm có sẵn độc tố botulinum do các chủng vi khuẩn Clostridium sinh ra.
Bệnh cảnh chính là liệt ngoại biên đối xứng hai bên kiểu lan xuống, liệt toàn bộ các cơ với các mức độ khác nhau, người bệnh vẫn tỉnh táo, không có rối loạn cảm giác. Ngộ độc nặng dẫn tới liệt cơ hô hấp, suy hô hấp có thể tử vong. Liệt nặng nề kéo dài dẫn tới nhiều biến chứng.
Ngộ độc xảy ra không thường xuyên, có thể thành vụ với nhiều người bị ngộ độc. Có các trường hợp ngộ độc riêng lẻ, không rõ yếu tố dịch tễ, diễn biến nhanh, không thể khai thác bệnh cảnh đặc trưng, dẫn tới dễ bỏ sót hoặc nhầm với nhiều bệnh khác.
...
Đồng thời, tại tiểu mục a Mục 5 Hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định 3875/QĐ-BYT năm 2020, Bộ Y tế đã tiên lượng đối với ngộ độc Botulinum như sau:
Tiên lượng
Ngộ độc thực phẩm do độc tố botulinum là ngộ độc nặng, tỷ lệ tử vong cao, thời gian liệt kéo dài. Thời gian thở máy cần trung bình khoảng 2 tháng sau đó mới có thể cai thở máy, tuy nhiên bệnh nhân cần nhiều tháng để hồi phục.
Như vậy, có thể thấy, trong trường hợp ngộ độc Botulinum ở mức độ nặng, bệnh nhân có thể bị tử vong.
Dấu hiệu nhận biết ngộ độc Botulinum là gì?
Căn cứ khoản d tiểu mục 3.1 Mục 3 Hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định 3875/QĐ-BYT năm 2020, dấu hiệu nhận biết ngộ độc Botulinum được xác định như sau:
(1) Dấu hiệu sinh tồn: không sốt (nếu không có nguyên nhân khác), huyết áp có thể tụt trong khi mạch/nhịp tim có xu hướng không nhanh.
(2) Tiêu hóa: xuất hiện sớm, buồn nôn, nôn, chướng bụng, đau bụng, sau đó liệt ruột cơ năng, táo bón.
(3) Thần kinh:
- Liệt đối xứng hai bên, xuất phát từ vùng đầu mặt, cổ lan xuống chân: từ dây thần kinh sọ (sụp mi, nhìn đôi, nhìn mờ, đau họng, khó nói, khó nuốt, khàn tiếng, khô miệng). Sau đó liệt tay, liệt các cơ vùng ngực, bụng và liệt hai chân.
- Phản xạ gân xương thường giảm hoặc mất.
- Tỉnh táo.
- Đồng tử có thể giãn hai bên.
- Không có rối loạn cảm giác.
- Mức độ liệt: từ nhẹ (mệt mỏi, mỏi cơ tương tự suy nhược cơ thể, không làm được các động tác gắng sức bình thường) đến liệt nặng (ứ đọng đờm rãi, ho khạc kém, dễ sặc, suy hô hấp).
Người bệnh có thể liệt hoàn toàn tất cả các cơ, kết hợp đồng tử giãn hai bên, đang thở máy dễ nhầm với hôn mê hoặc mất não (thực tế đang tỉnh nếu không thiếu ô xy não).
- Thời gian thở máy để chuyển sang cai máy trung bình 2 tháng với độc tố type A và 1 tháng với độc tố type B. Tuy nhiên bệnh nhân có thể cần tới 100 ngày để bắt đầu hồi phục.
- Bệnh cảnh không điển hình (chiếm tới 7%): liệt một bên hoặc liệt kiểu lan lên.
(4) Hô hấp: có thể suy hô hấp, biểu hiện ứ đọng đờm rãi, ho khạc kém, thở yếu, thở nhanh, nông do liệt cơ liên sườn, cơ hoành.
(5) Tiết niệu: có thể bí đái, cầu bàng quang
Theo đó, thời gian khởi phát bệnh thường từ 12-36 giờ sau ăn, phần lớn trong ngày đầu tiên. Có thể trong khoảng 6 giờ đến 8 ngày sau ăn thực phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm có chứa độc tố.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.