Nghị quyết 111/NQ-CP năm 2022: Các trường hợp Nhà nước thu hồi đất được cụ thể hóa tại Dự án Luật Đất đai (Sửa đổi)?
- Cụ thể hóa các trường hợp Nhà nước thu hồi đất tại Dự án Luật Đất đai (Sửa đổi)?
- Khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của Luật giá hiện hành tại Dự án Luật Giá (Sửa đổi)?
- Khắc phục triệt để tình trạng đấu thầu hình thức tại Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi)
- Đổi tên dự án Luật Hợp tác xã thành Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác tại Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi)
Cụ thể hóa các trường hợp Nhà nước thu hồi đất tại Dự án Luật Đất đai (Sửa đổi)?
Tại tiểu mục 1 Mục II Nghị quyết 111/NQ-CP năm 2022 có quy định về dự án Luật Đất đai (Sửa đổi) cụ thể như sau:
Việc sửa đổi Luật Đất đai tiếp tục quán triệt các quan điểm, yêu cầu sau:
Thứ nhất, thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng tại Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao; kế thừa hiệu quả các quy định hiện hành, kiên quyết tháo gỡ nút thắt trong quản lý, sử dụng đất, tạo không gian mới, động lực cho phát triển, bảo đảm an ninh quốc phòng; giảm tối đa thủ tục hành chính;
Thứ hai, việc sửa đổi Luật Đất đai lần này là sửa đổi toàn diện có tác động đến nhiều Luật khác trong hệ thống pháp luật, cần tiếp tục rà soát tổng thể để sửa đổi, bổ sung nhằm tháo gỡ những vướng mắc của Luật Đất đai
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương để địa phương chủ động, phát huy trách nhiệm trong phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với thực tế của từng địa phương gắn với trách nhiệm, thẩm quyền được giao; giảm cấp trung gian, tăng tính tự chịu trách nhiệm của địa phương; đồng thời thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực, giám sát thực hiện, khắc phục ách tắc, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong quản lý, sử dụng đất.
Tập trung hoàn thiện dự án Luật về 10 vấn đề xin ý kiến Chính phủ và các nội dung khác của dự thảo Luật, cụ thể như sau:
- Về đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất: rà soát, hoàn thiện quy định các điều kiện áp dụng đấu giá, đấu thầu, phân định rõ các trường hợp áp dụng hai hình thức này, bảo đảm tính minh bạch, khả thi, thuận lợi trong quá trình thực hiện.
- Về các trường hợp Nhà nước thu hồi đất: Cần cụ thể hoá trong Luật các tiêu chí, điều kiện đối với trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, nhưng cũng tránh tình trạng lạm dụng để thu hồi đất, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp về quyền lợi hợp pháp của người dân.
- Về mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân: Thống nhất mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân. Quy định này phù hợp với Nghị quyết 18-NQ/TW và bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên cần đánh giá kỹ tác động, xác định hạn mức bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tiễn nước ta.
- Về mở rộng đối tượng được nhận chuyển nhượng đất lúa cho tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp: Việc mở rộng cho phép tổ chức kinh tế, hộ gia đình cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa là nội dung lớn, nhạy cảm, cần đánh giá kỹ tác động đối với quy định này; cần quy định cơ chế, điều kiện chặt chẽ, bảo đảm người nông dân có đất để sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực của quốc gia.
- Về thành lập quỹ hỗ trợ cho người bị thu hồi đất thuộc đối tượng hạn chế khả năng lao động: Đây là chính sách nhân văn. Tuy nhiên, cần tiếp tục cân nhắc theo hướng chỉ quy định nguyên tắc, cơ chế hỗ trợ trong Luật và giao Chính phủ quy định chi tiết về các chính sách hỗ trợ cụ thể.
- Về trách nhiệm của chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp phải dành một tỷ lệ diện tích đất để Nhà nước thực hiện các chính sách về đất đai: Việc quy định chủ đầu tư phải dành quỹ đất để UBND cấp tỉnh hoặc Chủ đầu tư dự án xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp cho thuê đất đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các cơ sở di dời do ô nhiễm môi trường, chính sách hỗ trợ khác của nhà nước... là cần thiết.
- Về cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm: Quy định này nhằm phát triển thị trường quyền sử dụng đất, tăng thu ngân sách nhà nước, thúc đẩy các nhà đầu tư lựa chọn hình thức trả tiền thuê đất hàng năm phù hợp với quan điểm của Nghị quyết số 18 NQ/TW. Tuy nhiên, cần quy định chặt chẽ các điều kiện để tránh trường hợp nhà đầu tư chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính đất đai với nhà nước mà lợi dụng chính sách này để thế chấp, chuyển nhượng thu lời.
Và còn nhiều những quy định khác về dư án Luật Đất đai (Sửa đổi) tại nêu ra tại Nghị quyết 111/NQ-CP năm 2022.
Xem chi tiết những quy định về dư án Luật Đất đai (Sửa đổi): Tại đây.
Nghị quyết 111/NQ-CP năm 2022: Các trường hợp Nhà nước thu hồi đất được cụ thể hóa tại Dự án Luật Đất đai (Sửa đổi)? (Hình từ Internet)
Khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của Luật giá hiện hành tại Dự án Luật Giá (Sửa đổi)?
Dự án Luật Giá (Sửa đổi) được quy định tại tiểu mục 2 Mục II Nghị quyết 111/NQ-CP năm 2022 cụ thể như sau:
- Đẩy mạnh phân công, phân cấp thẩm quyền trong hoạt động quản lý, điều hành, điều tiết giá theo thẩm quyền và nhiệm vụ được giao giữa Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương, giữa Bộ Tài chính với các bộ, ngành và địa phương để linh hoạt, hiệu quả, kịp thời trong tổ chức thực hiện, gắn với tự chịu trách nhiệm và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.
- Khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của Luật giá hiện hành; đồng thời tiếp tục kế thừa những quy định đang thực hiện ổn định, khả thi nhằm đơn giản hóa quy trình, thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người dân, linh hoạt, hiệu quả trong điều hành.
- Xử lý hài hòa mối quan hệ giữa thị trường với quản lý Nhà nước, tránh việc can thiệp sâu của Nhà nước vào quy luật cung - câu, quy luật cạnh tranh và quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định pháp luật; nhưng cần có biện pháp, công cụ điều tiết phù hợp, kịp thời của Nhà nước khi cần, bảo đảm an sinh xã hội và ổn định kinh tế vĩ mô.
- Có giải pháp linh hoạt trong điều hành để kịp thời điều chỉnh các vấn đề phát sinh, đáp ứng yêu cầu thực tiễn cuộc sống; đồng thời thiết kế công cụ nhằm ngăn chặn, xử lý nghiêm tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong quản lý giá.
- Về thẩm quyền, trách nhiệm định giá: Luật này quy định thẩm quyền định giá hàng hóa, dịch vụ đối với:
(1) Bộ, cơ quan ngang Bộ,
(2) Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; chỉ xem xét giao thẩm quyền định giá của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với một số hàng hóa, dịch vụ chiến lược, đặc biệt quan trọng, tác động đến kinh tế vĩ mô, đời sống người dân như giá điện. Bộ Tài chính tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các Luật chuyên ngành liên quan, phối hợp với các bộ quản lý chuyên ngành đánh giá tác động toàn diện, hoàn thiện quy định về thẩm quyền định giá của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi phân cấp cho bộ, địa phương, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
- Về thẩm quyền ban hành Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá: tiếp tục nghiên cứu phương án quy định nguyên tắc, tiêu chí, quy trình trong Luật, bảo đảm tính minh bạch; giao Chính phủ ban hành Danh mục và quyết định điều chỉnh, bổ sung Danh mục để bảo đảm linh hoạt, kịp thời trong chỉ đạo điều hành kinh tế - xã hội theo cơ chế thị trường.
Xem thêm những nội dung liên quan tới Dự án Luật Giá (Sửa đổi): Tại đây.
Khắc phục triệt để tình trạng đấu thầu hình thức tại Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi)
Căn cứ theo quy định tại tiểu mục 3 Mục II Nghị quyết 111/NQ-CP năm 2022 quy định về Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) cụ thể như sau:
- Thống nhất phương án xác định phạm vi điều chỉnh giữa Luật Đấu thầu (sửa đổi) và Luật Đất đai (sửa đổi) về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất, làm căn cứ hoàn thiện hai dự án Luật này. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định của hai Luật theo đúng phạm vi điều chỉnh đã được xác định, bảo đảm tính đồng bộ, khả thi của hệ thống pháp luật.
- Cơ bản thống nhất với phương án xác định phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu thực hiện các dự án đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước (DNNN); Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, xác định rõ quan điểm, yêu cầu, phạm vi quản lý vốn nhà nước tại DNNN, đánh giá tác động thêm yêu cầu quản lý hoạt động đấu thầu tại các doanh nghiệp có vốn chi phối của DNNN, hoàn thiện đồng bộ quy định liên quan, bảo đảm quản lý chặt chẽ, hiệu quả vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp nhưng phải có cơ chế tạo chủ động, linh hoạt, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp, cơ quan đại diện chủ sở hữu, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay đối với DNNN.
- Tiếp tục rà soát hoàn thiện các quy định cụ thể về bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch, công khai, đánh giá hiệu quả kinh tế tổng thể trong hoạt động đấu thầu; quy định chặt chẽ khắc phục triệt để tình trạng đấu thầu hình thức, thông thầu, tránh thất thoát, lãng phí ngân sách, tài sản nhà nước; ngăn chặn, xử lý hiệu quả vị phạm, tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động đấu thầu; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đấu thầu.
- Hoàn thiện các quy định về các hình thức lựa chọn nhà thầu, phân định rõ các hình thức, các trường hợp được áp dụng, đơn giản hóa, cắt giảm trình tự, thủ tục, các khâu trung gian, rõ thẩm quyền, trách nhiệm quyết định áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu; hoàn thiện quy định về phân cấp theo hướng cấp nào quyết định đầu tư thì cấp đó có có quyền và trách nhiệm quyết định chỉ định thầu, lựa chọn nhà thầu hoặc được phân cấp, ủy quyền phù hợp cho cấp dưới; hoàn thiện quy định về chỉ định thầu đối với dự án quan trọng quốc gia cần triển khai ngay, các gói thầu tư vấn, tái định cư, di dời công trình trong vùng dự án, gói thầu mua sắm phục vụ phòng chống dịch bệnh, thiên tai, yêu cầu bảo vệ an ninh, quốc phòng, các trường hợp cấp bách khác...;
Theo đó, tình trạng đấu thầu hình thức cần được thực hiện theo các quy định như trên.
Xem thêm những nội dung liên quan tới Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi): Tại đây.
Đổi tên dự án Luật Hợp tác xã thành Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác tại Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi)
Về những quy định tại Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) thì tại tiểu mục 4 Mục II Nghị quyết 111/NQ-CP năm 2022 nêu rõ:
- Về tên gọi dự án Luật: trình Quốc hội hai phương án: đổi tên dự án Luật Hợp tác xã thành Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác (TCKTHT) để bảo đảm phù hợp với đối tượng, phạm vi điều chỉnh của Luật, phản ánh đúng bản chất, mối quan hệ của mô hình kinh tế hợp tác trong nền kinh tế thị trường hiện đại; dần xóa bỏ định kiến đối với HTX kiểu cũ, phù hợp với tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết 20-NQTW; và Phương án giữ nguyên tên Luật Hợp tác xã như ý kiến của một số bộ, cơ quan liên quan.
- Về các vấn đề: bổ sung quy định về Tổ hợp tác (THT), Liên đoàn HTX, tỷ lệ trích một phần lợi nhuận hằng năm đưa vào quỹ chung không chia đối với các Tổ chức kinh tế hợp tác, đã được Thành viên Chính phủ thống nhất và các vấn đề khác theo ý kiến của các Thành viên Chính phủ, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, ý kiến Văn phòng Chính phủ, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nghiên cứu, rà soát, tiếp thu, hoàn thiện dự án Luật bảo đảm khả thi, đơn giản, dễ thực hiện, phù hợp với đối tượng, chủ thể thực hiện Luật này.
Trên đây là một số thông tin chúng tôi cung cấp gửi tới bạn. Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.